Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2003/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2003 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỰC HIỆN KẾT LUẬN HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Ngày 21 tháng 04 năm 2003, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 1104/2003/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện kết luận Hội nghị lần thức 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về Giáo dục và Đào tạo. Ngày 06 tháng 06 năm 2003, Bộ đã tổ chức Hội nghị tại Hải Phòng và yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chương trình hành động cụ thể của cơ quan, đơn vị mình và gửi báo cáo về Bộ trước ngày 25 tháng 06 năm 2003. Đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã gửi báo cáo Chương trình hành động một cách cụ thể, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế của cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, cũng còn không ít cơ quan, đơn vị xây dựng Chương trình hành động chưa cụ thể, thiếu các chỉ tiêu định lượng hoặc đưa ra mục tiêu quá cao, xa vời, thậm chí còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa gửi báo cáo về Bộ.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động theo Quyết định số 1104/2003/QĐ-BGTVT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành thực hiện ngay những việc sau đây:

1. Các cơ quan, đơn vị chưa có báo cáo Chương trình phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và gửi Chương trình hành động của cơ quan, đơn vị về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) chậm nhất là ngày 30 tháng 09 năm 20003.

2. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng Chương trình hành động và đã báo cáo Bộ cần rà soát lại tính khả thi của Chương trình, đề ra mục tiêu cụ thể và kế hoạch hàng năm để thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình của cơ quan, đơn vị và báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ).

3. Vụ Tổ chức cán bộ

- Hướng dẫn việc xây dựng Chương trình hành động,  tổng hợp chương trình hành động của các cơ quan, đơn vị trong ngành, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động và báo cáo Bộ trưởng biết.

- Tổ chức đào tạo liên thông, đào tạo kỹ sư thực hành, đào tạo công nhân bậc cao, cơ chế đào tạo trực tiếp cho các doanh nghiệp và chính sách thu hút người giỏi để phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp đào tạo.

- Tổ chức xây dựng mục tiêu, Chương trình khung cho các chuyên ngành đang được đào tạo tại các trường của ngành Giao thông vận tải.

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi của các khối trong ngành Giao thông vận tải, tạo điều kiện để các giáo viên, cán bộ của các trường được tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở trong và ngoài nước theo khả năng tối đa về kinh phí có thể được.

4. Vụ tài chính

- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng điều chỉnh định mức chi phí đào tạo và mức thu học phí/1 học sinh, sinh viên/1năm đối với các trường thuộc ngành Giao thông vận tải phù hợp với tình hình thực tế để trình Bộ trưởng xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng về các nguồn kinh phí hỗ trợ cho đào tạo, trong đó có nguồn kinh phí đầu tư trực tiếp cho cơ sở vật chất của các trường trong ngành Giao thông vận tải.

5. Vụ kế hoạch -Đầu tư:

- Xây dựng kế hoạch tăng mức đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong đó tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai có liên quan đến đào tạo nhân lực để trình Bộ trưởng quyết định theo thẩm quyền, đặc biệt là các trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe để sớm đưa vào khai thác sử dụng.

- Phối hợp với Vụ Tài chính, Vụ Khoa học – Công nghệ và Vụ tổ chức cán bộ để điều chuyển cho các Viện, Trường một số phòng thí nghiệp, thiết bị xe máy đã qua sử dụng sau khi kết thúc các dự an của ngành.

- Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong việc xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài tài trợ cho kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho hội nhập kinh tế quốc tế.

6. Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư có kế hoạch quảng bá vận động các đối tác thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài cho lĩnh vực giáo dục đào tạo của ngành; tiếp xúc; thuyết phục các nhà tài trợ, các tổ chức phi Chính phủ các nước để các dự án đào tạo nguồn lực ngành Giao thông vận tải đã được đăng ký được chấp nhận.

7. Vụ Khoa học – Công nghệ

- Hàng năm dành một phần ngân sách nghiên cứu khoa học cho các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo.

- Phối hợp với các Viện nghiên cứu thuộc Bộ thiết lập kênh thông tin nhanh đến các trường và tạo điều kiện để các trường được cử người tham dự các hội thảo về đổi mới công nghệ của ngành.

8. Cục đường bộ Việt Nam :

- Tích cực đề xuất các biện pháp để giải quyết các khó khăn của cơ sở đào tạo lái xe, trước hết giải quyết vấn đề tiêu chuẩn hóa xe, bài thi, sân sát hạch và việc lựa chọn công nghệ thiết bị chấm điểm tại sân sát hạch trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng đào tạo.

- Tăng cường kiểm tra đột xuất các buổi sát hạch lái xe tại hiện trường.

9. Các cục quản lý Nhà nước chuyên ngành, các Tổng công ty, Công ty, các Ban quản lý dự án trong ngành có kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên các trường trong ngành có địa bàn thực tập.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI


 
 
Đào Đình Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/2003/CT-BGTVT về Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 6 về Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22/2003/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/09/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 153
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản