Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2197/CT-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT VÀ SINH HOẠT TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2010, ĐẦU NĂM 2011
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến thời tiết nước ta. Năm 2010 các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lũ lịch sử, trong khi đó các sông thuộc khu vực Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã qua mùa mưa mà không có lũ. Mực nước trong các hồ chứa lớn thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thấp hơn hàng chục mét so với cùng thời kỳ của các năm bình thường. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011, lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tình hình khô hạn trên diện rộng, thiếu điện, thiếu nước phục vụ canh tác nông nghiệp và sinh hoạt rất nghiêm trọng.
Để chủ động phòng, chống và khắc phục tình trạng khô hạn, đảm bảo sản xuất vụ Đông - Xuân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất; bố trí chi tiết lịch lấy nước phục vụ đổ ải làm đất canh tác vụ Đông - Xuân theo kế hoạch xả nước tăng cường từ các nhà máy thủy điện, điều hành việc lấy nước luân phiên để các địa phương đều được cấp nước, dùng nước tiết kiệm; đồng thời chỉ đạo các địa phương có kế hoạch điều chỉnh mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nguồn nước.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ vào thời gian triều cường, lên kế hoạch xả nước từ các hồ thủy điện, kết hợp với đỉnh triều, nâng cao mực nước trong sông để các địa phương có thể lấy nước canh tác vụ Đông- Xuân, tính toán chi tiết lưu lượng xả, tiết kiệm nguồn nước trong các hồ chứa, tận dụng tối đa nguồn nước xả tăng cường từ các hồ chứa thủy điện, đảm bảo đủ nguồn nước cho canh tác nông nghiệp.
- Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương bị lũ lụt khẩn trương sửa chữa, khôi phục các công trình thủy lợi cấp bách để phục vụ cấp nước cho sản xuất, đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để đưa vào khai thác sử dụng; đối với các hồ chứa đang xây dựng nếu đủ điều kiện an toàn cũng thực hiện tích nước phục vụ công tác chống hạn.
- Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Tổ điều hành công tác phòng, chống hạn phục vụ canh tác vụ Đông - Xuân 2010-2011 do một Thứ trưởng làm Tổ trưởng, thành viên gồm đại diện các Bộ, ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; Tổ điều hành công tác phòng, chống hạn có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương trong việc phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lâu dài, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn và xâm nhập mặn quốc gia.
2. Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
- Tính toán lượng nước đang trữ trong các hồ thủy điện lớn, thực hiện phát điện xả nước tăng cường theo lịch chi tiết đã thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương. Điều chỉnh lưu lượng và thời gian xả, duy trì mực nước trên sông trong thời gian lấy nước của các địa phương theo lịch, để các địa phương có thể lấy nước.
- Tổ chức tuyên truyền các biện pháp thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng trong các tháng mùa khô. Có biện pháp bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu về điện năng cho các trạm bơm của ngành nông nghiệp lấy nước canh tác vụ Đông - Xuân. Điều chỉnh, cân đối nguồn điện, bố trí thủy điện phát tăng cường kết hợp xả nước cho hạ lưu theo lịch lấy nước.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, dòng chảy để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước; thông báo kịp thời cho các nhà máy thủy điện, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và nhân dân biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo đảm sản xuất có hiệu quả.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo các cấp, các ngành kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có trên địa bàn, chống rò rỉ, thất thoát nước từ các hồ chứa, các công trình thủy lợi, có biện pháp quản lý phân phối nước hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, ưu tiên cho sản xuất vụ Đông - Xuân, cấp nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Có các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm nguồn nước và phòng, chống dịch bệnh phát sinh do tình trạng khô hạn kéo dài.
- Chỉ đạo các Công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn kiểm tra các công trình thủy lợi, chủ động tu bổ, sửa chữa các hư hỏng ở trạm bơm và công trình đầu mối lấy nước, sẵn sàng cho việc cấp nước phục vụ sản xuất. Triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện nạo vét, khai thông các kênh trục chính, các cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm và huy động nhân dân địa phương tham gia làm thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng.
- Tăng cường các biện pháp trữ nước, khi có nguồn, lấy nước dự trữ vào các ao, đầm và kênh trục lớn thực hiện sử dụng nước hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, kịp thời lấy nước theo lịch xả tăng cường của ngành điện, tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết từ các nhà máy thủy điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Rà soát lại kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nước, đảm bảo canh tác hết diện tích; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về giống, phân bón, vật tư … để canh tác thắng lợi vụ Đông Xuân.
- Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi, phục vụ công tác phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất. Các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ, sử dụng nguồn ngân sách được hỗ trợ, ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để khẩn trương khôi phục, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, sớm đưa vào khai thác để kịp thời lấy nước phục vụ sản xuất.
5. Bộ Tài chính cân đối, tạm ứng khoản cấp bù ngân sách địa phương cho các tỉnh có khó khăn về nguồn thu trong những tháng đầu năm, để có nguồn cấp bù thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định.
6. Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình giao thông thủy trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và các sông khác, chỉ đạo việc phân luồng, xử lý đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong điều kiện mực nước các sông xuống thấp.
7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đưa tin kịp thời về thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện, diễn biến mực nước trên các sông để các địa phương chủ động triển khai lấy nước; đồng thời tiếp tục tuyên truyền thực hiện sử dụng điện tiết kiệm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan quản lý thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 2197/CT-TTg năm 2010 triển khai biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng cuối năm 2010, đầu năm 2011 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 2197/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/12/2010
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra