Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2164/CT-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU HÀNG HÓA, DỊCH VỤ, BÌNH ỔN GIÁ CẢ, THỊ TRƯỜNG TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN TÂN MÃO VÀ QUÝ I NĂM 2011

Từ đầu năm 2010 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp để phát triển sản xuất, bảo đảm cân dối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường nên đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Trong 11 tháng qua, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu về cơ bản đã được đáp ứng đủ nhu cầu; tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2010 đã ở mức 9,58%, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Để xảy ra tình hình trên là do một số Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cá tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chưa quán triệt đầy đủ và chưa tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường đã được chỉ đạo. Một số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc việc quản lý giá và chấp hành các quy định về kiểm soát giá. Tình trạng găm hàng, đầu cơ, thậm chí việc đưa tin thất thiệt về tình hình tài chính, tiện tệ, giá cả, khan hiếm nguồn hàng... không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời, làm ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ về kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhằm chấn chỉnh kịp thời những yếu kém trên và tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, đồng thời để tạo cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010; trong đó cần tập trung những công việc trọng tâm sau:

1. Các Bộ, ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, vốn, mạng lưới kinh doanh để các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung ứng đủ và ổn định giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu: gạo, thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả; sữa, xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng; thuốc phòng chữa bệnh; dịch vụ đi lại... không để xảy ra mất cân đối cung cầu giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão.

2. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước một cách chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực (chi liên hoan, tổng kết, hội nghị, đoàn vào, đoàn ra, chi mua sắm tài sản...) nhằm tiếp tục giảm bội chi ngân sách nhà nước; rà soát, loại bỏ các khoản phí, lệ phí không hợp lý, không hợp lệ giúp giảm chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh phát triển sản xuất rau, củ, quả ở những vùng bị bão, lũ; hướng dẫn sử dụng ngân sách địa phương thực hiện các biện pháp bình ổn, giá cả, thị trường.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh: giữ ổn định giá bán điện, giá bán than cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy; áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu; giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết ngừng việc đăng ký tăng giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá có mức giá tăng không hợp lý.

3. Ngân hàng Nhà nước:

a) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tốt lượng tiền trong lưu thông nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định vĩ mô và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, đi đôi với kiểm soát tốc tộ tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng.

b) Kịp thời áp dụng các giải pháp mạnh, hiệu quả để bảo đảm kiểm soát, ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và lãi suất; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ làm lũng đoạn thị trường.

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rà soát cân đối cung cầu từng loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và thuộc diện bình ổn giá; kịp thời có ngay các giải pháp cân đối và điều hòa cung cầu; chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia bình ổn giá mở rộng mạng lưới, tăng điểm bán hàng, tích cực đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, bảo đảm mức nhập siêu thấp hơn mục tiêu đề ra.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trên đại bàn tỉnh; tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện dự trữ hàng hóa, cung ứng dịch vụ bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán.

5. Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường:

a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành: Công an, Hải quan, Thuế, Khoa học và Công nghệ… tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng tăng giá trái pháp luật, nhất là các mặt hàng thuộc bình ổn giá.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng ở đại phương chủ động thành lập các đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ … trên đại bàn tỉnh; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tổ chức ngay các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá, thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá, trợ cước, trợ giá, công khai thông tin về giá.

6. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là chi thường xuyên về xăng, dầu, điện, mua sắm tài sản; tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ bản. Nghiêm cấm sử dụng công quỹ, tài sản công sai mục đích; chi lương, thưởng không đúng quy định.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng phát động phong trào thực hiện tiết kiệm tiêu dùng ở trong cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và trong toàn xã hội.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chủ quản của cơ quan truyền thông, báo chí theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần chủ động phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền để xã hội và nhân dân tiếp cận được nhanh, chính xác hoạt động điều hành của Chính phủ và các thông tin về tài chính, tiền tệ, thị trường, giá cả; có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ; phản ánh sát thực về cung cầu, giá cả để các doanh nghiệp, nhân dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp sức cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, tránh tâm lý bất an trong nhân dân.

8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UB TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Thông tấn xã Việt Nam;
-VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b). XH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 2164/CT-TTG năm 2010 tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I năm 2011 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2164/CT-TTG
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/11/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 715 đến số 716
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản