BỘ NÔNG LÂM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 21-NL-CT | Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 1957 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG CƠ SỞ Ở XÃ ĐỂ CHỈ ĐẠO KỸ THUẬT CHĂN NUÔI
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
Kính gửi | - Ô. Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, |
Tổng kết công tác chăn nuôi toàn niên 1956, nhiều địa phương đã có kinh nghiệm là cần xây dựng những cơ sở để chỉ đạo kỹ thuật chăn nuôi sát tới cấp xã, thứ nhất là để kịp thời phòng chống các dịch bệnh gia súc thường năm hay xảy ra và gây nhiều tai hại.
Nhiều khu và tỉnh đã tiến hành việc đào tạo cán bộ chăn nuôi xã, và đã có kết quả.
Năm nay, để đẩy mạnh việc lãnh đạo công tác chăn nuôi, tiến tới chủ động đối với các dịch bệnh gia súc, và để chỉ đạo kỹ thuật chăn nuôi được tốt, Bộ chủ trương xây dựng những cơ sở ở cấp xã để:
- Đào tạo cán bộ chăn nuôi xã.
- Huấn luyện cốt cán chăn nuôi cho các tổ đổi công hay hợp tác xã.
1. – Đào tạo cán bộ chăn nuôi xã - quyền hạn và nhiệm vụ của cán bộ chăn nuôi xã.
a) Để giúp Ủy ban xã việc thực hiện kế hoạch chăn nuôi, thứ nhất là việc phòng chống dịch bệnh gia súc, mỗi xã cần có một người chuyên trách về công tác chăn nuôi . Có thể cử trong Ban chấp hành nông hội, hoặc phần tử tích cực trong thanh niên, phụ nữ, hoặc trong các tổ đổi công. Cán bộ chăn nuôi xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban xã. Ty Nông lâm tỉnh chịu trách nhiệm huấn luyện và bổ túc thường kỳ cho các cán bộ chăn nuôi xã. Ủy ban Hành chính tỉnh sẽ chú ý lãnh đạo, đôn đốc kế hoạch đào tạo và bổ túc cán bộ chăn nuôi xã trong tỉnh và sẽ dự trù kinh phí cần thiết vào ngân sách địa phương. Nên tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày theo từng vùng, trước mỗi thời vụ. Nội dung huấn luyện cần gọn, đơn giản nhằm những kiến thức thông thường về vệ sinh gia súc, về phòng chữa các bệnh gia súc và phương pháp chăm sóc chăn nuôi gia súc. Các khu Nông lâm sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương và các công tác chính trước mắt mà có kế hoạch cụ thể hướng dẫn các ty thực hiện việc huấn luyện cán bộ xã.
b) Nhiệm vụ của người cán bộ chăn nuôi xã.
- Hướng dẫn nhân dân trong việc bảo vệ gia súc phòng chống các bệnh dịch, các bệnh thông thường, tiêm phòng dịch.
- Hướng dẫn nhân dân chăn nuôi hợp cách để phát triển chăn nuôi, phòng chống đói chống rét cho gia súc, gây giống tốt đẩy mạnh chăn nuôi sinh sản, thiến loại những đực xấu.
Tùy hoàn cảnh mà Ủy ban Hành chính tỉnh có thể giao thêm những nhiệm vụ khác để giúp Ủy ban xã như theo dõi tình hình gia súc mua vào, bán ra, sinh sản, chết chốc, kiểm soát sát sinh.
c) Quyền hạn của người cán bộ chăn nuôi xã:
Cán bộ chăn nuôi xã không phải là cán bộ thoát ly sản xuất cũng như cán bộ Y tế xã, Bình dân học vụ xã không có lương của Chính phủ, (Danh từ cán bộ đây chỉ có nghĩa là những người chuyên trách một công tác ở xã).
Tùy theo hoàn cảnh địa phương mà cán bộ chăn nuôi xã được hưởng những quyền lợi như các cán bộ Bình dân học vụ, Y tế xã v.v… Ủy ban Hành chính xã cấp cho giấy bút mực để làm việc, phụ cấp để đi dự các cuộc họp ở huyện, tỉnh. Phụ cấp trong các lớp của Ty Nông lâm huấn luyện sẽ do ngân sách của Ủy ban Hành chính tỉnh đài thọ.
Vì không phải là cán bộ ăn lương của Chính phủ, nên cán bộ chăn nuôi xã trong khi làm các việc như chạy chữa bệnh gia súc của nhân dân, tiêm, thiến trâu bò lợn gà, có thể tiếp nhận sự đãi ngộ của nhân dân theo sự thỏa thuận của hai bên, (thí dụ thiến trâu bò của nhân dân, có thể nhận một số tiền lương tương đương với giá của thợ thiến).
Vì đây chỉ là một sự thỏa thuận giữa nhân dân nên Bộ không quy định gì về việc đó. Nhưng Ủy ban địa phương cần có sự lãnh đạo để một mặt tránh sự lạm dụng, một mặt có tác dụng khuyến khích, một cách thiết thực cán bộ chăn nuôi xã tiến hành công tác.
- Cán bộ chăn nuôi xã sẽ được Ty Nông lâm bổ túc thường kỳ hàng năm. Những người có nhiều thành tích sẽ được khen thưởng.
2. - Huấn luyện cốt cán chăn nuôi cho các tổ đổi công hay hợp tác xã
Để thực hiện phương châm : “Chỉ đạo kỹ thuật nhằm phục vụ phong trào đổi công hợp tác của nông dân” trong năm 1957 cần bắt đầu thực hiện việc huấn luyện cốt cán chăn nuôi cho các tổ đổi công hoặc hợp tác xã.
Những cốt cán chăn nuôi này sẽ là những tổ viên hoặc xã viên khá (nếu là tổ trưởng, tổ phó thì càng tốt) do tổ đổi công hoặc hợp tác xã giới thiệu để Ty Nông lâm huấn luyện.
Sau khi được huấn luyện rồi, người cốt cán chăn nuôi trở về sản xuất như một tổ viên hoặc xã viên thường, nhưng được tổ hay hợp tác xã giao cho họ trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc ở trong phạm vi tổ hoặc hợp tác xã. Họ sẽ là chỗ dựa tốt trong việc phổ biến cải tiến kỹ thuật chăn nuôi và thú y của các cấp tỉnh, huyện và xã.
Việc tổ chức huấn luyện cho cốt cán chăn nuôi chưa thể làm ruộng khắp ngay trong toàn tỉnh được. Ty sẽ chú ý trước hết đến vùng nào phong trào đổi công, hợp tác khá hơn cả, tiến hành trong một phạm vi hẹp, rút kinh nghiệm rồi mới loang dần ra. Nội dung huấn luyện là những tài liệu phổ thông về chủ trương sản xuất và kỹ thuật phổ biến, phục vụ cho những kế hoạch sản xuất chính trong năm. Chỉ nên chọn những chủ trương và kỹ thuật thích hợp với nơi định tổ chức huấn luyện.
Tùy theo thời vụ và tùy theo địa phương mà chỉ nên chọn lấy một hai vấn đề để hướng dẫn trong từng thời kỳ huấn luyện ngắn – Hàng mùa, hàng năm, kết hợp với việc chỉ đạo công tác chăn nuôi ở địa phương, tỉnh cần có chương trình tổ chức bồi dưỡng những cốt cán chăn nuôi của tổ đổi công và hợp tác xã.
Do tính chất và phạm vi công việc hoạt động của cốt cán chăn nuôi như nói ở trên, cho nên họ không cần có chế độ thù lao. Chi phí trong khi đi huấn luyện, thì hoặc do họ tự túc, hoặc do hợp tác xã và tổ đổi công đài thọ.
Huấn luyện, đào tạo cán bộ chăn nuôi xã và cốt cán chăn nuôi cho tổ đổi công hoặc hợp tác xã là hai việc mới. Các ty cần phải coi đó là những công tác ghi vào chương trình hoạt động của mình trong năm nay để có kế hoạch thực hiện cho tốt.
Trên đây, Bộ tạm quy định những điểm chính để các Ủy ban và Khu Ty Nông lâm làm căn cứ, xây dựng dần dần những cơ sở nói trên để tăng cường việc chỉ đạo kỹ thuật chăn nuôi xã. Nói chung là trong 6 tháng đầu năm 1957, nay các địa phương cần cố gắng thực hiện nhưng cũng phải có kế hoạch làm dần, tránh làm ồ ạt chỉ có số lượng mà kém chất lượng.
Trong quá trình tiến hành các việc trên,các Ủy ban hay Khu Ty có ý kiến gì thêm để bổ sung cho chủ trương và kế hoạch chung thì cần báo cáo về Bộ rõ.
| BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM |
Chỉ thị 21-NL-CT năm 1957 về việc xây dựng cơ sở ở xã để chỉ đạo kỹ thuật chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông Lâm ban hành.
- Số hiệu: 21-NL-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/03/1957
- Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
- Người ký: Nghiêm Xuân Yêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 27/03/1957
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định