Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 202-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1980

 

CHỈ THỊ

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 1980 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP VÀ THUẾ SÁT SINH

Để phát huy tác dụng của chính sách thuế công thương nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh theo đúng đường lối, chính sách kinh tế và phương hướng kế hoạch của Nhà nước, thực hiện đóng góp công bằng hợp lý giữa các cơ sở, các ngành kinh doanh công thương nghiệp tập thể và cá thể, ngày 23 tháng 6 năm 1980 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra pháp lệnh quyết định sửa đổi và bổ sung một số điểm trong Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo nghị quyết số 200-NQ/TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966 và thuế sát sinh ban hành theo nghị quyết số 489 - NQ/QHK4 ngày 26 tháng 9 năm 1974.

Thi hành pháp lệnh nói trên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây.

1. Về suất miễn thu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh công thương nghiệp tập thể và cá thể.

Để bảo đảm mức miễn thu về thuế lợi tức doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới, bảo đảm quan hệ hợp lý giữa các ngành nghề, giữa khu vực kinh tế tập thể, cá thể và khu vực kinh tế quốc doanh, pháp lệnh ngày 24 tháng 6 năm 1980 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quy định cụ thể như sau:

" - Suất miên thu đối với các ngành sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng và kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp tương đương với mức bình quân lương chính của công nhân xí nghiệp quốc doanh cùng ngành nghề ở địa phương".

" - Suất miễn thu đối với ngành phục vụ và ngành ăn uống thấp hơn suất miễn thu đối với các ngành sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp 10%".

" - Suất miễn thu đối với ngành thương nghiệp thấp hơn suất miễn thu đối với các ngành sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp 20%".

Theo nguyên tắc tính suất miễn thu trên đây và theo sự hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương, căn cứ mức lương chính bình quân của từng ngành công nghiệp, xây dựng, vận tải... quốc doanh ở địa phương để xác định suất miễn thu cụ thể cho người sản xuất kinh doanh cùng ngành thuộc khu vực kinh tế tập thể và cá thể, và căn cứ vào suất miễn thu đối với ngành sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp để xác định suất miễn thu đối với ngành phụ vụ ăn uống thấp hơn 10%, đối với ngành thương nghiệp thấp hơn 20%. Việc xác định suất miễn thu phải bảo đảm sự thống nhất về nguyên tắc trong cả nước, quan hệ hợp lý giữa các địa phương, sát với tình hình từng địa phương, và có sự phân biệt giữa những ngành cần khuyến khích và những ngành không cần khuyến khích.

Khi có sự thay đổi về tiến lương trong khu vực kinh tế quốc doanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc điều chỉnh suất miễn thu đối với các ngành sản xuất và kinh doanh thuộc khu vực tập thể và cá thể.

2. Về việc vận dụng biểu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với hộ riêng lẻ sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng và kinh doanh nông nghiệp (không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp)

Để khuyến khích những người sản xuất, doanh nghiệp riêng lẻ đi dần vào con đường làm ăn tập thể, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định sửa đổi điều 22 của điều lệ thuế công thương nghiệp như sau:"Thuế lợi tức doanh nghiệp đối với hộ riêng lẻ sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng và doanh nghiệp nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp tính trên lợi tức chịu thuế của cả hộ theo biểu thuế quy định ở điều 16 mới cộng thêm 5% hoặc 10% số thuế đã tính; đối với các ngành nghề xét thấy không cần đưa và tổ chức sản xuất tập thể thì không phải chịu mức thuế cộng thêm".

Mức cộng thêm 10% là để áp dụng đối với những ngành nghề và ở những nơi xét cần và có điều kiện đưa người sản xuất, kinh doanh đi vào con đường làm ăn tập thể, và chính quyền địa phương đã có kế hoạch vận động đưa họ vào tổ chức làm ăn tập thể.

Đối với những cơ sở, những ngành nghề và ở những nơi tuy thuộc diện cần đưa vào làm ăn tập thể, nhưng địa phương chưa có kế hoạch vận động và tổ chức người sản xuất, kinh doanh làm ăn tập thể thì áp dụng mức cộng thêm 5%.

Đối với những cơ sở, những ngành nghề và ở những nơi xét thấy không cần phải tổ chức vào làm ăn tập thể mà để sản xuất kinh doanh phân tán có năng suất lao động cao hơn, hay phục vụ nhân dân thuận tiện hơn, thì không áp dụng mức thuế công thêm.

Theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình thực tế của các hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương, và chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp để vận dụng cụ thể những quy định về mức thuế cộng thêm hay không cộng thêm cho từng cơ sở trong từng ngành nghề.

3. Về thuế buôn chuyến.

Để phát huy tác dụng của thuế buôn chuyến trong việc quản lý thị trường, hỗ trợ cho việc thu mua nắm nguồn hàng trong tay Nhà nước, điều 3 của pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào biểu thuế buôn chuyến thêm một thuế suất 15% thu vào những trường hợp buôn chuyến lớn. Như vậy, chính sách thuế buôn chuyến hiện nay gồm thuế suất 5 bậc: 5%, 7%, 10%, 12% và 15%. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể loại hàng và mức doanh thu xếp vào loại buôn chuyến chịu thế suất 15%.

4. Về thuế sát sinh - Điều 4 của pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 sửa lại điểm 1 của nghị quyết số 489 - NQ/QHK4 ngày 26 tháng 9 năm 1974 như sau :

"Thuế sát sinh thu vào trâu, bò, lợn giết thịt theo thuế suất 10% giá trị con vật giết thịt, theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước".

Để phát huy tác dụng của thuế sát sinh, khuyến khích người chăn nuôi tăng trọng lượng súc vật ra chuồng đem giết thịt, và làm đẩy đủ nghĩa vụ bán sản phẩm cho Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quy định một số điểm cụ thể trong việc vận dụng chính sách như sau:

a) Trọng lượng (hơi) để tính thuế sát sinh cho mỗi con lợn giết thịt tối đa là 60 kg, tối thiểu là 40 kg; lợn giết thịt trên 60 kg không phải nộp thêm thuế sát sinh, lợn giết thịt dưới 40kg phải nộp thuế như 40 kg.

Căn cứ vào tập quán và điều kiện chăn nuôi ở từng địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh, thành phố về việc quy định trọng lượng lợn, trâu, bò giết thịt và giá cả để tính thuế sát sinh.

b) Đối với những hộ nông dân có nghĩa vụ bán lợn sau khi đã làm đầy đủ nghĩa vụ Nhà nước, và những hộ phi nông nghiệp đã tận dụng mọi khả năng để chăn nuôi, khi giết thịt lợn do mình chăn nuôi, được giảm 25% thuế sát sinh cho phần thịt để lại sử dụng, phần bán ra ngoài không được giảm thuế.

c) Để khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi và đẩy mạnh việc thu mua lợn, trâu, bò cung cấp thịt cho các nhu cầu do Nhà nước phụ trách, từ nay thương nghiệp quốc doanh kinh doanh thực phẩm phải nộp thuế sát sinh tại địa phương thu mua súc vật; toàn bộ số thuế sát sinh thu được dành lại cho ngân sách địa phương cung cấp gia súc giết thịt, trong đó có 15% dành cho ngân sách xã.

5. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giải thích và hướng dẫn cụ thể việc thi hành toàn bộ điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo quyết định số 200- NQ/TVQH và những điểm bổ sung, sửa đổi theo pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

6. Chỉ thị này thi hành thống nhất trong cả nước kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1980.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 202-TTg năm 1980 hướng dẫn Pháp lệnh sửa đổi chính sách thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 202-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/06/1980
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1980
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản