Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 202-HĐBT | Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT CỦA HẢI QUAN TẠI CÁC SÂN BAY, HẢI CẢNG, CÁC CỬA KHẨU KHÁC
Từ trước đến nay, chúng ta chưa chú ý đúng mức công tác hải quan, chưa xây dựng ngành Hải quan có đủ khả năng kiểm tra và kiểm soát ở các sân bay, hải cảng và các cửa khẩu khác.
Để tăng cường công tác hải quan (từ một Cục nằm trong Bộ Ngoại thương) Đảng và Nhà nước đã thành lập Tổng cục Hải quan với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức như Nghị định số 139-HĐBT ngày 20-10-1984 đã quy định.
Chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, ngành Hải quan đã tăng cường một bước việc kiểm tra, kiểm soát ở các cửa khẩu nước ta, nhằm bảo đảm thực hiện đúng đắn chính sách của Nhà nước về độc quyền ngoại thương, ngoại hối, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống đầu cơ buôn lậu, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội và phục vụ tốt công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, do các ngành và các địa phương chưa nhận thức rõ vị trí quan trọng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành Hải quan; do sự phối hợp giữa Tổng cục Hải quan và các Bộ, các ngành Trung ương có liên quan thiếu chặt chẽ, đồng bộ; do đội ngũ cán bộ, nhân viên hải quan chưa được rèn luyện, bồi dưỡng cả về chính trị và nghiệp vụ, cách làm việc của một số cán bộ, nhân viên hải quan có thiếu sót; do quy chế của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát người và hàng hoá ở cửa khẩu còn có nhiều điểm thiếu cụ thể, hoặc chưa được bổ sung, sửa đổi cho thích hợp với tình hình hiện nay; do thiếu trang bị những điều kiện và phương tiện làm việc cần thiết cho ngành Hải quan ở các cửa khẩu; cho nên công tác hải quan ở cửa khẩu chưa đáp ứng với yêu cầu của tình hình hiện nay và còn nhiều nhược điểm.
Để kịp thời khắc phục những thiếu sót và nhược điểm trong công tác hải quan, đưa việc kiểm tra, kiểm soát của hải quan ở các cửa khẩu vào nền nếp đúng đắn, bảo đảm việc xử lý các hàng hoá phi mậu dịch của những người xuất nhập cảnh theo đúng những nguyên tắc hải quan quốc tế, theo đúng chính sách và luật pháp của Nhà nước ta về hải quan, trong phiên họp ngày 18 tháng 5 năm 1985. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định một số vấn đề trước mắt dưới đây:
A. VỀ CHẾ ĐỘ MIỄN KHÁM
Căn cứ Điều 33 của Điều lệ Hải quan được ban hành theo Nghị định số 3-CP ngày 27-2-1960 của Hội đồng Chính phủ, nay quy định bổ sung những đối tượng sau đây được hưởng chế độ miễn khám:
1. Những người lãnh đạo, đoàn viên và tuỳ tùng thuộc các Đoàn đại biểu Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Chấp hành Trung ương các đoàn thể trong Mặt trận đi công tác nước ngoài và trở về.
2. Những người lãnh đạo, đoàn viên và tuỳ tùng thuộc các Đoàn đại biểu Đảng, Quốc hội, Chính phủ các nước, của các phong trào giải phóng dân tộc, các tổ chức quốc tế, các đoàn thể nhân dân, các nhân sĩ là khách mời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương các đoàn thể trong Mặt trận vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc là khách mời dự các hội nghị ngoại giao, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật ở Việt Nam và trở ra hoặc qua Việt Nam để đi nước khác.
3. Những người có hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao của những nước đã công nhận nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp hoặc những người có hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.
4. Những viên chức thuộc các tổ chức quốc tế được Bộ Ngoại giao ta quy định hưởng quy chế ngoại giao theo các văn bản chính thức mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia ký kết.
5. Vợ và các con cùng đi theo trong danh sách những người nêu trong các điểm 1, 2, 3, 4 ở trên.
Đối với những người trong diện miễn khám kể trên khi xuất nhập cảnh thì hành lý của họ được miễn khai và miễn khám (gồm các loại xách tay và hành lý ký gửi trước, sau hay cùng chuyến khi xuất nhập cảnh). Hải quan ở cửa khẩu phải dành mọi sự dễ dàng, thuân lợi cho những đối tượng này.
Cơ quan chủ quản của các đoàn khách nói trên (như Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương...) phải thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan chậm nhất 24 giờ trước khi khách đến tại cửa khẩu. Trường hợp có khách đến đột xuất thì lãnh đạo cơ quan và đoàn thể cấp Trung ương có trách nhiệm đưa đón khách có thể thông báo bằng điện thoại cho Tổng cục Hải quan biết, để Tổng cục Hải quan chỉ thị kịp thời cho hải quan cửa khẩu thực hiện chế độ miễn khám, đồng thời, lãnh đạo cơ quan hay đoàn thể vẫn phải thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan.
Bộ Ngoại giao phải quản lý chặt chẽ việc cấp các loại hộ chiếu đúng đối tượng, đúng cấp bậc và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những vụ việc xảy ra do việc cấp hộ chiếu sai đối tượng.
Ngoài những người thuộc diện miễn khám từ điểm 1 đến điểm 5 kể trên, nếu xét cần được miễn khám, thì lãnh đạo các cơ quan, các đoàn thể cấp Trung ương cần có văn bản yêu cầu để Tổng cục Hải quan cấp giấy miễn khám.
B. VỀ VIỆC KHÁM XÉT HÀNH LÝ CỦA NHỮNG NGƯỜI XUẤT NHẬP CẢNH
Đối với những người được hưởng chế độ miễn khai, miễn khám hành lý, nếu hải quan biết chắc người nào có mang hàng cấm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có thể ra lệnh cho hải quan cửa khẩu tiến hành khám xét hành lý người đó. Khi khám xét phải có mặt đương sự, hoặc người đương sự uỷ nhiệm; phải làm theo đúng thủ tục pháp lý Nhà nước ta và phù hợp với tập quán quốc tế mà Nhà nước ta đã thừa nhận, bảo đảm lợi ích quốc gia đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị đối ngoại. Trường hợp khám không đúng thì hải quan phải xin lỗi về sự nhầm lẫn với khách và báo cho Bộ Ngoại giao hoặc Ban đối ngoại Trung ương Đảng biết để thông cảm lại với khách.
Ngoài những đối tượng được hưởng chế độ miễn khám nói trên, những hành khách xuất, nhập cảnh khác phải làm đầy đủ các thủ tục hải quan ở các cửa khẩu; các hành lý, hàng hoá xuất nhập khẩu phi mậu dịch đều phải kê khai và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan ở cửa khẩu theo đúng luật lệ của Nhà nước Việt Nam.
C. VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU PHI MẬU DỊCH
Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm cùng các Bộ Ngoại thương, Ngoại giao, Nội thương, Tài chính, Lao động, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước soát xét lại nội dung các văn bản hiện hành, nghiên cứu và đề nghị Hội đồng Bộ trưởng bổ sung, sửa đổi những quy định trước đây không còn thích hợp với tình hình hiện nay.
Trước mắt, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quy định một số điểm cụ thể dưới đây:
1. Đối với hàng hoá cấm xuất khẩu và nhập khẩu phi mậu dịch.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan ở các cửa khẩu tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nếu phát hiện thì tịch thu, không để lọt vào thị trường nước ta cũng như xuất khẩu ra ngoài nước những mặt hàng Nhà nước đã cấm xuất hoặc nhập khẩu phi mậu dịch (thi hành theo danh mục quy định trong Thông tư liên Bộ Tài chính - Ngoại thương số 9-TTLB/TC/NgT ngày 25-3-1981). Riêng các loại quần áo, chăn màn, giầy dép đã sử dụng của những người Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài nay trở về nước thì trả lại cho đương sự.
Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu miễn thuế của Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế công tác tại Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cùng Bộ Ngoại thương, Bộ Nội thương, Tổng cục Hải quan cần soát xét lại các quy định hiện hành, nếu xét cần bổ sung, sửa đổi thì nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định lại danh mục các chủng loại mặt hàng và số lượng mặt hàng được xuất nhập khẩu cho từng quý, từng năm phù hợp với nhu cầu công tác và sinh hoạt của các đối tượng nói trên, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam và phù hợp với tập quán thông dụng quốc tế. Bộ Ngoại giao sẽ thông báo quy định nói trên cho Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.
Đối với thuốc lá nước ngoài, trước đây theo Công văn số 2921-V6 ngày 9-7-1980 do Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ký ban hành, Nhà nước quy định mỗi người nhập cảnh vào nước ta chỉ được đem theo hai tút (mỗi tút 10 bao, mỗi bao 20 điếu), nay quy định lại như sau:
Người nước ngoài không có hộ chiếu ngoại giao mỗi lần nhập cảnh vào nước ta, Việt kiều về nước và mọi người công dân nước ta đi ra nước ngoài trở về nước được mang về sử dụng không quá năm tút (5 tút, mỗi tút 10 bao, mỗi bao 20 điếu), nhưng không được đem bán trên thị trường.
2. Đối với hàng hoá mang tính chất quà biếu mà người trong nước nhận được của người thân định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về thì việc xử lý vẫn theo Quyết định số 151-HĐBT ngày 31-8-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và các Thông tư hướng dẫn thi hành của các Bộ, các ngành liên quan.
3. Đối với hàng hoá của những người Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, Pháp lệnh ngày 26-2-1983 của Hội đồng Nhà nước về sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp đã quy định: "Công nhân Việt Nam được Nhà nước cử đi công tác, học tập hoặc lao động ở nước ngoài, dùng thu nhập chính đáng của mình mua hàng mang về hoặc gửi về cho gia đình thì được miễn thuế theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng".
Tuy nhiên, để kết hợp giải quyết thoả đáng quyền sở hữu về hàng hoá của chủ hàng với công tác cải tạo và quản lý thị trường trong nước hiện nay, các loại hàng hoá của anh chị em mang về hoặc gửi về nước sẽ được phân loại, giải quyết theo quy định cụ thể trong danh mục các loại hàng hoá kèm theo Chỉ thị này.
Các tổ chức thu mua quốc doanh thuộc các ngành nội thương, y tế, vật tự nhất là ở những nơi có sân bay, hải cảng có đông người đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài, phải tổ chức mạng lưới và có phương thức thu mua thuận tiện ngay tại cửa khẩu và ở những địa điểm khác đặt trong thành phố, thị xã để mua hết nguồn hàng này, không để lọt vào tay tư thương.
Giá mua các loại hàng hoá, vật tư nói trong danh mục kèm theo phải được niêm yết công khai ở các địa điểm thu mua; cơ quan chủ quản cấp tỉnh, thành phố phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ, không để các đơn vị thu mua tuỳ tiện ép cấp, ép giá đối với người bán.
D. VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT CỦA NGÀNH HẢI QUAN Ở CÁC CỬA KHẨU
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hải quan cần xây dựng đề án tăng cường tổ chức ngành Hải quan trong cả nước; khẩn trương củng cổ, cải tiến các mặt hoạt động của ngành từ cơ quan Tổng cục đến các tổ chức hải quan ở các cửa khẩu, trước hết là ở những cửa khẩu trọng điểm thường xuyên giao tiếp với khách nước ngoài, số lượng người xuất, nhập cảnh đông; đồng thời Tổng cục Hải quan cùng với các ngành liên quan, trước hết là Ban Đối ngoại Trung ương, các Bộ Ngoại giao, Nội thương, Ngoại thương, Tài chính, Ngân hàng, Nội vụ, Tổng cục Hàng không dân dụng, Tổng cục Đường biển, Tổng cục Du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ để giải quyết kịp thời công việc phát sinh hàng ngày. Trước mắt, Tổng cục Hải quan cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục và tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên hải quan ở các cửa khẩu thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chu đáo, chặt chẽ nhưng khẩn trương, lịch sự, vừa bảo đảm đạt hiệu quả cao, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của mọi người; mặt khác, cần có thái độ nghiêm khắc đối với những cán bộ, nhân viên hải quan có những sai phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đối với khách xuất, nhập cảnh, đối với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đối với uy tín của ngành Hải quan.
Tổng cục Hải quan cùng các ngành có liên quan nghiên cứu dự thảo Pháp lệnh về Hải quan cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Cán bộ, nhân viên hải quan ở trong lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự được hoãn gọi nhập ngũ như cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường và củng cố ngành Hải quan, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng giao trách nhiệm cho các ngành sau đây:
- Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép Tổng cục Hải quan sử dụng một số ngoại tệ mua sắm trang thiết bị cho ngành; đồng thời giải quyết theo đúng chế độ việc trích thưởng và lập quỹ của ngành Hải quan.
- Bộ Lao động cùng Tổng cục Hải quan tổ chức tốt việc làm thủ tục hải quan đối với số cán bộ, công nhân đi lao động hợp tác ở nước ngoài và từ nước ngoài trở về.
- Tổng cục Hàng không dân dụng, Tổng cục Đường biển dành một diện tích cần thiết trong các sân bay, bến cảng để xây dựng địa điểm làm công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan và xây dựng các kho lưu giữ hàng hoá tạm thời của hải quan.
- Bộ Tài chính, Bộ Lương thực, Bộ Nội thương giải quyết việc cấp phát tem phiếu, lương thực, thực phẩm và trang phục cho cán bộ, nhân viên hải quan theo tiêu chuẩn của lực lượng nửa vũ trang do Nhà nước quy định.
- Ban Tổ chức của Chính phủ sớm xác định biên chế của ngành Hải quan. Trên cơ sở do Tổng cục Hải quan cùng các ngành liên quan và các địa phương tuyển chọn những thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ văn hoá, ngoại ngữ đưa vào bồi dưỡng chính sách, nghiệp vụ kỹ thuật chuyên môn để kịp thời bổ sung lực lượng hải quan.
- Các Bộ có liên quan (Ngân hàng Ngoại thương, Y tế, Nội thương) cần khẩn trương triển khai đồng bộ việc đặt các bộ phận nghiệp vụ, kinh doanh cần thiết ở các sân bay, bến cảng và các cửa khẩu khác (như tổ thu đổi ngoại tệ, tổ kiểm dịch của y tế, các tổ thu mua hàng hoá phi mậu dịch của những người nhập cảnh...), để phối hợp công tác với ngành Hải quan.
Trong quá trình làm việc với các Bộ, các ngành có liên quan, nếu có những vướng mắc không tự giải quyết được thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xử lý.
Nhận được Chỉ thị này, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phổ biến sâu rộng trong toàn ngành và có kế hoạch chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, khẩn trương. Ban Đối ngoại Trung ương, các Bộ Ngoại giao, Nội thương, Ngoại thương, Lao động, Giao thông vận tải, Vật tư, Y tế, Tài chính, Ngân hàng, Tổng cục Hàng không dân dụng... tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà vạch kế hoạch thi hành, đồng thời thông báo những phần bổ sung và sửa đổi nói trong Chỉ thị này cho các đối tượng có liên quan trong nước và ngoài nước biết để thi hành thống nhất.
Hàng tháng, Tổng cục Hải quan báo cáo lên Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng biết kết quả và những vướng mắc cần giải quyết tiếp. Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm theo dõi việc thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị này.
DANH MỤC
NHỮNG HÀNG HOÁ PHI MẬU DỊCH ĐƯỢC MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU DO CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐI CÔNG TÁC, HỌC TẬP, LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI MANG VỀ HOẶC GỬI VỀ NƯỚC CHO GIA ĐÌNH
(kèm theo Chỉ thị số 202-HĐBT ngày 10-7-1985 của Hội đồng Bộ trưởng)
I. Những hàng hoá Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu, mỗi lần nhập cảnh chỉ được mang về một lượng hàng theo định mức quy định dưới đây; nếu vượt định mức đó thì phần vượt mức phải bán cho Nhà nước theo giá mua thấp hơn giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp từ 10% đến 20%.
1. Thuốc lá nước ngoài:
- Thuốc lá điếu 50 bao, mỗi bao 20 điếu.
- Xì gà 100 điếu.
- Thuốc lá rời 1 kilôgam.
2. Rượu mạnh (trên 40 độ) 5 chai (loại 0,75 lít).
3. Súng săn một chiếc nhưng phải có giấy phép của cơ quan công an.
4. Súng hơi 1 chiếc.
5. Xe máy loại 125 phân khối trở lên 1 chiếc; dưới 125 phân khối 2 chiếc;
6. Video cat-set 1 bộ hoàn chỉnh.
II. Những vật tư kỹ thuật, nguyên liệu sản xuất thuộc danh mục Nhà nước độc quyền kinh doanh, nhưng Nhà nước khuyến khích công dân Việt Nam đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài mua đem về hoặc gửi về nước, gồm:
1. Các loại phụ tùng ôtô thuộc hệ điện và hệ dầu (kể cả săm lốp xe vận tải và xe con).
2. Các loại dây diện.
3. Các loại vòng bi.
4. Các loại vật liệu về điện và điện tử quan trọng; các loại máy tính điện tử và phụ kiện, phụ liệu (trừ máy móc phục vụ sinh hoạt).
5. Các loại dụng cụ cơ khí (trừ những máy móc phục vụ sản xuất).
6. Các loại dây điện trở.
7. Các loại hoá chất dùng cho mạ.
8. Các loại bột mầu.
9. Các loại hương liệu thực phẩm.
10. Các loại nguyên liệu sản xuất, như:
a. Giấy cuốn thuốc lá và các phụ kiện, phụ liệu, hương liệu khác để sản xuất thuốc lá.
b. Nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh cho người (kể cả thuốc nội tiết tố) và gia súc.
c. Đầu bút bi.
d. Nhựa P.E.
đ. Các loại hoá chất tinh tế, v.v...
11. Các loại dụng cụ, vật tư dùng cho nghiên cứu khoa học. Đối với những loại vật tư, thiết bị lẻ và nguyên liệu trên đây, cách xử lý như sau:
1. Trường hợp chủ hàng mang về hoặc gửi về cho các cơ sở sản xuất quốc doanh, tập thể hoặc các cơ quan Nhà nước, nếu có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện trở lên thì chủ hàng được nhận giao cho cơ sở sản xuất hoặc cơ quan nói trên sau khi làm đầy đủ các thủ tục hải quan ở cửa khẩu.
2. Trừ trường hợp nói trên, các vật tư, nguyên liệu đem về hoặc gửi về đều bán cho Nhà nước với giá thoả đáng, theo giá bán buôn vật tư trong nước, hoặc theo giá vốn bằng nguyên tệ nhân với tỷ giá kiều hối; trong cả hai trường hợp đều cộng thêm một tỷ lệ thưởng đủ mức khuyến khích anh chị em mang các loại vật tư, nguyên liệu về bán cho Nhà nước có lợi hơn mang các loại hàng hoá khác. (Bộ Vật tư cùng với Bộ Ngoại thương và các Bộ có liên quan khác cụ thể hoá các mặt hàng trong danh mục này và xác định giá mua từng loại hàng trong từng thời gian để thông báo nội bộ cho cán bộ, nhân viên của ta đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài biết, không để lọt cho người nước ngoài biết).
III. ĐỐI VỚI NHỮNG HÀNG HOÁ CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG.
Ngoài loại hàng cấm và những loại hàng Nhà nước không khuyến khích nhập khẩu theo điểm I của danh mục này, thì Nhà nước khuyến khích những người Việt Nam đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài mua hàng cần thiết đem về hoặc gửi về nước. Những hàng hoá đó thuộc quyền sở hữu của chủ hàng.
Riêng đối với những hàng hoá tiêu dùng do Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán (theo Quyết định số 111-HĐBT ngày 25-8-1984 của Hội đồng Bộ trưởng), chủ hàng được giữ lại dùng cho bản thân và gia đình, hoặc làm quà cho bà con; khi cần bán thì chỉ bán cho Nhà nước, không được bán cho tư thương. Các tổ chức kinh tế Nhà nước mua lại theo giá thoả đáng (thấp hơn giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp từ 5% đến 10%), trả tiền mặt sòng phẳng. Đối với các loại thuốc chữa bệnh, trước mắt vẫn thi hành theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế. Bộ Y tế cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi ngay những điều cần thiết phù hợp với tinh thần Chỉ thị này.
Chủ hàng nào dùng hàng hoá đó để buôn bán với tư thương sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp lệnh chống đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép của Hội đồng Nhà nước.
Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương có trách nhiệm cụ thể hoá danh mục trên đây và thông báo ngay cho các Bộ chủ quản để phổ biến cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của mình, đồng thời báo cho Tổng cục Hải quan để chỉ đạo hải quan cửa khẩu niêm yết công khai tại các sân bay, hải cảng danh mục các mặt hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
- 1Thông tư liên bộ 297-TT/LB năm 1986 quy định chế độ xuất nhập khẩu hành lý của cán bộ, công nhân, lái xe, lái tầu, và thuyền viên Việt Nam làm việc trên các phương tiện vận tải thường xuyên qua lại biên giới bằng đường bộ, đường sông; của thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tầu thuyền Việt Nam hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế do Bộ Giao thông vận tải - Tổng cục hải quan cùng ban hành
- 2Quyết định 1815-BNgT/VP/HQ năm 1981 về tiêu chuẩn hàng lý xuất nhập khẩu của cán bộ, công nhân, lái xe Việt Nam thường xuyên quan lại biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia; của sĩ quan, thuỷ thủ Việt Nam làm việc trên các tàu Việt Nam hoạt động trên các đường biển quốc tế, của lái máy bay và nhân viên Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương ban hành
- 3Quyết định 111-HĐBT năm 1984 về danh mục những hàng hoá Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chỉ thị 202-HĐBT năm 1985 về chấn chỉnh công tác kiểm tra, kiểm soát của Hải quan tại các sân bay, hải cảng, các cửa khẩu khác do Hội đồng bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 202-HĐBT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/07/1985
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 25/07/1985
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra