Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TTg/VG

Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 1969 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI TRONG NHỮNG NĂM TỚI

I. NHẬN XÉT VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI TRONG MẤY NĂM QUA

Trong những năm qua, công tác giáo dục ở miền núi đã có nhiều tiến bộ, do đó đã nâng cao một bước trình độ văn hóa cho đồng bào các dân tộc và đã góp phần đào tạo ngày càng nhiều các loại cán bộ người dân tộc cho miền núi.

Tuy nhiên, công tác giáo dục ở miền núi còn chưa đáp ứng được yêu cầu của cách mạng cả về số lượng và chất lượng. Phong trào xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa phát triển không đều và không vững chắc, hàng vạn người đã thoát nạn mù chữ nay đang trở lại mù chữ, những đối tượng chính của phong trào lại ít đi học. Học sinh phổ thông đi học chưa đông, không đều, chưa đúng lứa tuổi, càn lên lớp trên thì số học sinh người dân tộc càng ít, nữ học sinh lại càng ít hơn. Chất lượng giáo dục nói chung còn thấp, nhất là ở vùng cao. Chương trình và nội dung giáo dục chưa thích hợp với đặc điểm và yêu cầu của miền núi. Số lượng giáo viên thiếu nhiều, giáo viên người dân tộc còn quá ít, trình độ của giáo viên còn thấp. Đồ dùng dạy học còn quá thiếu thốn.

Những thiếu sót nói trên trong công tác giáo dục có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của miền núi, đến việc đào tạo cán bộ cho các dân tộc.

Nguyên nhân của những thiếu sót đó chủ yếu là do nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vị trí quan trọng của sự nghiệp giáo dục ở miền núi, chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo công tác giáo dục, coi nhẹ hoặc chưa có kế hoạch tích cực đào tạo và bồi dưỡng giáo viên người dân tộc, có nơi còn ỷ lại sự giúp đỡ của miền xuôi, chưa chấp hành nghiêm túc một số chế độ, chính sách bảo đảm cho công tác giáo dục miền núi phát triển thuận lợi.

II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI TRONG THỜI GIAN TỚI

Công tác giáo dục ở miền núi phải bảo đảm làm tốt hai nhiệm vụ:

a) Thỏa mãn yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ người dân tộc;

b) Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ văn hóa, khoa học và kỹ thuật của nhân dân.

Do đó, phương hướng phát triển giáo dục ở miền núi trong thời gian tới là:

a) Quán triệt sâu sắc đặc điểm từng vùng, từng dân tộc; phải đặc biệt chú trọng đến vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh và vùng dân tộc ít người.

b) Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, nhất là về mặt đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân tộc,  vừa chuẩn bị tích cực cho yêu cầu lâu dài và toàn diện của sự nghiệp giáo dục miền núi.

c) Kết hợp đúng đắn sự nỗ lực của bản thân miền núi với sự giúp đỡ tích cực của miền xuôi.

Căn cứ vào nhiệm vụ và phương hướng trên đây, Bộ Giáo dục cần quy định mục tiêu cụ thể đến năm 1975 cho các ngành và các cấp học ở miền núi.

Trong việc phát triển giáo dục ở miền núi cần nắm vững và vận dụng đúng đắn phương châm “thầy tìm trò, trường cần dân, quy mô nhỏ, Nhà nước và nhân dân phối hợp”.

III. NHỮNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU NHẰM ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI

Muốn thực hiện được phương hướng và nhiệm vụ đề ra trên đây, cần kiên quyết thực hiện một số biện pháp chủ yếu như sau:

1. Ra sức đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên phải được đặt lên trước hết và phải được giải quyết một cách tích cực nhất. Phương hướng xây dựng đội ngũ giáo viên là:

a) Việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phải đi trước việc phát triển giáo dục một bước.

b) Miền núi phải phấn đấu để đào tạo phần lớn giáo viên là người dân tộc, thực hiện khẩu hiệu “dân tộc nào có giáo viên của dân tộc ấy”.

c) Phải coi trọng cả hai mặt đào tạo và bồi dưỡng.

d) Phải có kế hoạch, nội dung, phương pháp đào tạo và bồi dưỡn thích hợp cho từng vùng, từng dân tộc.

e) Phải nghiêm chỉnh thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên. Cần đặc biệt coi trọng công tác chiêu sinh vào các trường sư phạm, các học sinh học hết cấp I, cấp II, cấp III trường phổ thông, trường thanh niên dân tộc, trường thiếu nhi vùng cao v.v… trừ số học lên cấp trên, phải được phân phối ưu tiên vào học các trường sư phạm. Bộ Giáo dục cần nghiên cứu quy định hệ thống các trường sư phạm miền núi, nội dung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên miền núi thích hợp.

2. Tổ chức các hình thức trường, lớp thích hợp với miền núi.

a) Vể bổ túc văn hóa:

Tiếp tục phát triển các trường thanh niên dân tộc; cải tiến chương trình học của trường nhằm cung cấp nhiều thanh niên có trình độ cấp II cho việc đào tạo cán bộ. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm, Bộ Giáo dục có đề nghị cụ thể với Chính phủ xem nên theo chế độ cấp học bổng cho học sinh, hay chết độ cấp vốn đầu tiên cho trường để sản xuất tự túc.

Đối với nhưng nơi đi học tập trung ở huyện có nhiều khó khăn cần tổ chức các trường nửa tập trung tại xã hoặc liên hệ xã để bổ túc văn hóa cho cán bộ và thanh niên ở xã.

b) Về giáo dục phổ thông:

Cần xây dựng trường nội trú cho lớp 3, lớp 4 ở những nơi dân cư phân tán, và cho các trường cấp II và cấp III; Nhà nước cung cấp một số dụng cụ sinh hoạt và phương tiện thể dục thể thao, văn nghệ mà địa phương không làm được, nhân dân đóng góp xây dựng nhà học, nhà ở, bàn ghế, v.v…

Cần chấn chỉnh tổ chức các trường thiếu nhi vùng cao, đưa trường về huyện để tiện cho các cháu tham gia học tập, và trường chỉ được thu nhận học sinh vùng cao.

Những nơi có nhiều trẻ em 11 tuổi trở lên còn mù chữ, cần tổ chức loại trường phổ thông ngắn hạn học tập trung trong 3 năm để đạt trình độ lớp 4

3. Thi hành đầy đủ các chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh.

Bộ Giáo dục và các Bộ có liên quan cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách Chính phủ đã ban hành đồng thời xúc tiến nghiên cứu các chế độ, chính sách mới nhằm tạo thêm điều kiện cho giáo viên làm nhiệm vụ và học sinh đi học được thuận lợi. Trước mắt, cần thực hiện một số chính sách cụ thể sau đây:

a) Đối với giáo viên:

- Giáo viên người miền xuôi lên dạy học ở vùng cao được cấp 1 chăn bông dùng trong 3 năm.

- Học sinh các trường sư phạm ở miền núi được cung cấp tài liệu học tập; những người quá thiếu thốn được xét cho mượn chăn màn, áo rét trong thời gian theo học.

- Nghiên cứu quy định thời gian dạy học ở vùng cao để giáo viên có thời giờ đi dự lớp học bồi dưỡng; nghiên cứu ban hành chế độ nghỉ học mùa đông.

- Gia đình các giáo viên từ miền xuôi lên tham gia sản xuất trong các hợp tác xã ở miền núi được khuyến khích, giúp đỡ và được hưởng các trợ cấp như gia đình đồng bào lên tham gia phát triển kinh tế miền núi.

b) Đối với học sinh các trường phổ thông:

- Mở rộng một cách vững chắc diện học sinh ở vùng cao được cấp học bổng theo chế độ hiện hành, để khuyến khích con em đồng bào vùng cao tích cực đi học.

- Học sinh các trường nội trú ở vùng cao, nếu quá thiếu thốn, được xét cho mượn chăn, màn, áo rét trong thời gian theo học.

4. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, các đồ dùng dạy học cho các trường học.

Hiện nay, đồ dùng dạy học ở miền núi rất thiếu thốn, trường sở bàn ghế không đúng quy cách, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục.

Ủy ban hành chính và các đoàn thể quần chúng ở địa phương cần vận động nhân dân xây dựng các trường, lớp theo đúng quy cách do Bộ Giáo dục quy định, Nhà nước cung cấp các thiết bị, đồ dùng dạy học cần thiết mà thầy và trò không tự làm được.

Cần dần dần trang bị cho các trường nhất là ở vùng cao, mỗi trường một đèn chiếu. Trước mắt, cần tận dụng những đèn chiếu của ban thông tin các xã vùng cao. Bộ Giáo dục phối hợp với tổng cục Thông tin làm những bộ phim đèn chiếu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập ở miền núi.

Mỗi trường (kể cả các trường bổ túc văn hóa tập trung) được xây dựng một tủ sách giáo dục. Cần thu hồi số sách giáo khoa phát cho học sinh sau một năm học để dùng cấp phát cho học sinh những năm sau.

5. Tích cực và thường xuyên vận động đồng bào dân tộc đi học và cho con em đi học; tăng cường quản lý học sinh.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các tỉnh cần mở một đợt tuyền truyền giải thích về quyền lợi và nghĩa vụ học tập cho nhân dân các dân tộc, gây một khí thế học tập sôi nổi, đi học đông, học đều, học đúng lứa tuổi và học lên lớp, lên cấp; coi trọng việc tuyên truyền vận động tăng thêm số nữ học sinh.

Các cấp chính quyền cần quản lý chặt chẽ số học sinh các dân tộc thiểu số đang học, tránh việc lấy học sinh đi làm công tác khi đang học dở cấp. Phải có kế hoạch phân phối số học sinh học hết cấp đã quá tuổi học phổ thông vào các trường chuyên nghiệp.

IV. TĂNG CƯỜNG SỰ CHỈ ĐẠO CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP VÀ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI

Công tác giáo dục có một vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ở miền núi. Miền núi lại có nhiều vùng, nhiều dân tộc khác nhau, cho nên các cấp chính quyền cần nắm lấy công tác giáo dục làm cho sự nghiệp giáo dục gắn chặt với những nhiệm vụ chính trị và kinh tế ở miền núi và phát triển thích hợp với những đặc điểm của miền núi.

Ủy ban hành chính các cấp cần nghiên cứu chỉ thị này, tiến hành kiểm điểm sự chỉ đạo của mình đối với ngành giáo dục, phát huy ưu điểm, ra sức khắc phục những thiếu sót và tích cực thực hiện những phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp trên đây. Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính và Ủy ban kế hoạch Nhà nước cần nghiên cứu định rõ mức độ thực hiện hàng năm từ nay đến năm 1975 nhằm làm cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi phát triển mạnh mẽ, vững chắc, nhanh chóng, tiến kịp miền xuôi

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20-TTg/VG năm 1969 về công tác giáo dục ở miền núi trong những năm mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 20-TTg/VG
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/03/1969
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản