Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Sơn La, ngày 12 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CỦA RÉT ĐẬM, RÉT HẠI ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Trong những ngày đầu tháng 12 năm 2019 xảy ra rét đậm, rét hại kèm theo sương muối, băng giá đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp số liệu của các huyện, thành phố, tính đến ngày 10/12/2019 diện tích cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại: 2.167,93 ha (cà phê 1.314,83 ha; xoài 171 ha; nhãn 166 ha; chè 7,1 ha; mít 509 ha); Diện tích rau màu bị thiệt hại: 131,4 ha; Gia súc bị chết: 7 con (Trâu 2 con; Nghé 2 con; Bò 1 con; Bê 2 con).

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc, thời tiết trong vụ Đông Xuân năm 2019-2020 có nhiều diễn biến phức tạp, có thể đi kèm với nhiều đợt rét đậm, rét hại, sương muối gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại và sương muối gây ra đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đặc biệt là trước, trong và sau Tết dương lịch năm 2020, Tết Nguyên đán Canh Tý. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy tại Công văn số 4736-CV/TU ngày 09/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1.1. Tiếp tục nắm tình hình, chỉ đạo hướng dẫn các huyện thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối gây hại cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản; theo dõi, đôn đốc các huyện, thành phố trong việc triển khai sản xuất vụ Đông Xuân theo đúng kế hoạch đề ra.

1.2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường cán bộ, công chức, viên chức xuống cơ sở nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối để hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và thủy sản để đảm bảo tăng sức đề kháng cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

1.3. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, sửa chữa những công trình thủy lợi bị hư hỏng; bảo đảm đủ nước phục vụ tưới cho vụ Đông Xuân; làm tốt công tác quản lý nguồn nước tưới, hướng dẫn tưới tiết kiệm, tưới chủ động khi cần thiết; đánh giá mức độ thiệt hại của cây trồng, vật nuôi và thủy sản do rét đậm, rét hại, sương muối gây ra để có biện pháp khắc phục kịp thời.

1.4. Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố đánh giá tình hình thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá đối với cây trồng vật nuôi; lập hồ sơ đề nghị nhà nước hỗ trợ theo quy định. Tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Tài chính trước ngày 28 tháng 02 năm 2020.

1.5. Tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục trên địa bàn toàn tỉnh với Thường trực tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh hàng ngày trước 16h30. Thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại và sương muối, băng giá.

1.6. Chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh do sương muối, băng giá, thời tiết khô hanh làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và rừng trồng; chỉ đạo chăm sóc tốt diện tích rừng mới trồng năm 2018, 2019 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai và cháy rừng

2. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

2.1. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời cho các huyện, thành phố và trên các phương tiện truyền thông để mọi người dân, nhất là các hộ vùng cao, vùng sâu, vùng xa có biện pháp phòng chống kịp thời.

2.2. Hướng dẫn, rà soát, tổng hợp mức độ thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi và thủy sản để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân theo đúng quy định, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

2.3. Tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục rét đậm, rét hại báo cáo Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước 16 giờ hàng ngày.

3. UBND các huyện, thành phố

Thực hiện ngày các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá trên địa bàn. Thành lập các đoàn công tác của huyện xuống xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối gây ra; giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và các đoàn thể, huy động nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản đạt hiệu quả cao nhất, trong đó:

3.1. Đối với vật nuôi: Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng, không để vật nuôi bị đói, khát. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12°C tuyệt đối không thả rông trâu, bò; không cho trâu, bò đi làm việc; di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao và đưa trâu, bò thả rông về nuôi nhốt tại chuồng; che chắn chuồng trại, thắp điện hoặc đốt lửa sưởi ấm..., mặc áo cho trâu bò khi nhiệt độ xuống thấp; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ đàn vật nuôi, đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động chuẩn bị vật tư, phân bón, giống, thức ăn tinh cho chăn nuôi dự phòng để đảm bảo ổn định sản xuất và chuẩn bị tốt đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Xuân Hè 2020.

3.2. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm mới trồng và cây rau màu: Tiến hành chăm sóc, tưới đủ ẩm, tủ gốc bằng mùn, rơm, rạ để giữ ẩm và ấm cho cây, bón phân đầy đủ, cân đối giữa các loại phân theo quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt. Trong những ngày có sương muối, băng giá hướng dẫn các hộ tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng; khôi phục sản xuất sau đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối gây ra cho cây trồng theo đúng quy trinh, kỹ thuật (nhất là đối với cây cà phê) theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.3. Đối với diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả giai đoạn kinh doanh: Tăng cường các biện pháp chăm sóc, tủ gốc, nơi có điều kiện tưới nước thì tiến hành tưới ẩm cho cây trồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đối với những ngày có sương muối tiến hành hun khói vào buổi sáng, lưu ý đề phòng hỏa hoạn khi hun, với những nơi có điều kiện tưới nước thì dùng nước tưới cho cây vào buổi sáng rửa sương trước khi mặt trời lên tránh táp lá. Đối với cây cà phê bị ảnh hưởng, thiệt hại do sương muối cành đã bị cháy cắt bỏ cành từ vị trí cành bị hư cắt sâu vào khoảng 5cm để hạn chế cây bị thoát hơi nước; Đối với cây bị hư hại 1/2 hoặc 1/3 phần trên của thân và các tán cây đều bị khô héo cưa đốn cây để tạo lại cành mới, dùng những cành đã cắt hoặc cây cỏ để tủ quanh gốc cây, như vậy để giữ nước cho gốc cây khỏi bị khô héo.

3.4. Bố trí nguồn kinh phí dự phòng để kịp thời hỗ trợ ổn định sản xuất; rà soát, tổng hợp xác định mức độ thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi và thủy sản khi thiệt hại lớn, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ cho các hộ theo đúng quy định, đảm bảo lập thời, hiệu quả.

3.5. Triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn do thời tiết khô hanh, sương muối, băng giá. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

3.6. Hàng ngày báo cáo tình hình phòng, chống; thiệt hại, các biện pháp khắc phục hậu quả về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp vào 16h hàng ngày để theo dõi chỉ đạo chung.

4. Sở Tài chính:

4.1. Hướng dẫn các huyện, thành phố sử dụng kinh phí để phòng, chống, khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá đối với cây trồng, vật nuôi.

4.2. Tham mưu cho UBND tỉnh, trình cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ cho nhân dân khắc phục hậu quả của thiên tai đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo quy định.

5. Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Tăng thời lượng phát sóng, thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết và hướng dẫn các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản; các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất sau đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối gây ra cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản để người dân hiểu và thực hiện.

6. Đề nghị Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc thông tin kịp thời tình hình, khí hậu, thời tiết; cảnh báo kịp thời cho UBND tỉnh, BCH PCTT&TKCN tỉnh và các huyện, thành phố để có biện pháp phòng, chống.

Yêu cầu các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Tài chính;
- Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh;
- Trung tâm thông tin tỉnh;
- Báo Sơn La, Đài phát thanh truyền hình tỉnh;
- Đài khí Tượng thủy văn KV Tây Bắc;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Mạnh KT, 03bản.

CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của rét đậm, rét hại đối với cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La

  • Số hiệu: 20/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Hoàng Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản