Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-CT

Hà Nội, ngày 05 tháng 2 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÁC HÌNH THỨC LƯƠNG KHOÁN, LƯƠNG SẢN PHẨM VÀ TIỀN THƯỞNG TRONG CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT QUỐC DOANH NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP.

Thi hành các Quyết định số 16-CT ngày 15 tháng 1 năm 1981 và số 26-CP ngày 21 tháng 1 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ, trong năm 1981 các cơ sở sản xuất quốc doanh nông, lâm, ngư nghiệp (kể cả thuỷ lợi và cao su) đã mở rộng thực hiện các hình thức lương khoán, lương sản phẩm và tiền thưởng đối với nhiều loại lao động thuộc các ngành, nghề. Ơ những cơ sở khoán và thưởng tốt, sản xuất phát triển, năng suất lao động tăng, giá thành sản phẩm hạ, lợi nhuận của xí nghiệp và thu nhập của công nhân, viên chức ngày một tăng, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, việc khoán và thưởng trong các cơ sở sản xuất quốc doanh nói trên chưa đều khắp, chưa tác động mạnh mẽ vào phong trào quần chúng như việc khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp. Các hình thức khoán và thưởng chưa hoàn chỉnh. Việc kết hợp giữa ba lợi ích chưa tốt, có nơi thiên về lợi ích của người lao động, chưa coi trọng đúng mức lợi ích của xí nghiệp và của Nhà nước. Việc chỉ đạo thực hiện của các Bộ chủ quản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thiếu chặt chẽ, liên tục, những kinh nghiệm trong việc khoán, thưởng chưa được tổng kết và phổ biến kịp thời. Các cơ quan quản lý tổng hợp của Nhà nước chưa chú ý cải tiến cơ chế quản lý để tạo điều kiện cho cơ sở thực hiện mạnh mẽ việc khoán và thưởng v.v...

Để phát huy những ưu điểm và khắc phục những khuyết điểm nói trên, nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động, bảo đảm sản xuất kinh doanh có lãi, hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1982, và tăng thu nhập cho người lao động, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Trong năm 1982, tất cả các cơ sở sản xuất quốc doanh nông, lâm, ngư nghiệp (kể cả thuỷ lợi và cao su) đều phải mở rộng thực hiện các hình thức lương khoán, lương sản phẩm và tiền thưởng trong tất cả các ngành, nghề để tác động mạnh mẽ đến tất cả các đối tượng lao động trực tiếp sản xuất cũng như cán bộ, nhân viên quản lý và phục vụ sản xuất, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, hoạch toán kinh tế, làm ăn có hiệu quả ngày càng cao, xoá bỏ tình trạng Nhà nước phải bù lỗ.

2. Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi và Tổng cục cao su cần chọn các điển hình tốt và xây dựng thành các mẫu hình tốt về thực hiện các hình thức lương khoán, lương sản phẩm và tiền thưởng phù hợp với đặc điểm sản xuất của từng ngành nghề, làm cơ sở để phát triển mạnh phong trào khoán trong các cơ sở quốc doanh ra diện rộng. Cần chú ý hoàn thiện các mẫu như Công ty cao su Đồng Nai, điển hình khoán về trồng cây dài ngày; trại lúa giống Triệu Sơn (Thanh Hoá) và nông trường Sông Hậu, điển hình khoán về trồng cây ngắn ngày; Công ty gia cầm Trung ương, nông trường Đông Triều, điển hình khoán về chăn nuôi; lâm trường Con Cuông (Nghệ Tĩnh) và lâm trường Tân Phong (Hà Tuyên), điển hình khoán về trồng rừng và khai thác gỗ; các quốc doanh đánh cá Côn Đảo, Quảng Nam - Đà Nẵng, điển hình khoán về đánh cá; trạm máy kéo Quỳnh Phụ (Thái Bình), điển hình khoán về làm đất bằng máy; Công ty Xây dựng thuỷ lợi 6 của Bộ Thuỷ lợi, điển hình khoán về xây dựng công trình thuỷ lợi, v.v... Cần hết sức chú trọng gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động với sản phẩm cuối cùng và gắn liền trách nhiệm và quyền lợi của bộ phận gián tiếp, bộ máy quản lý với kết quả sản xuất kinh doanh.

3. Các Bộ và Uỷ ban nhân dân các địa phương phải quán triệt và làm cho các cơ sở quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa các quyết định của Hội đồng Chính phủ, trước hết là các Quyết định số 26-CP, số 16-CP và kết hợp với Quyết định số 25-CP; rà soát lại các định mức về tiêu hao vật chất và lao động cho sát với điều kiện sản xuất - kỹ thuật, chống khuynh hướng hạ thấp định mức; cải tiến công tác kế hoạch hoá, cố gắng tự cân đối các điều kiện vật chất còn thiếu để bảo đảm cho cơ sở có công việc làm liên tục, hướng dẫn các cơ sở xây dựng tốt kế hoạch theo đúng tinh thần Quyết dịnh số 25-CP ngày 21 tháng 1 năm 1981 và các quy định bổ sung

4. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và các ngành tài chính, ngân hàng, lao động, vật tư, có trách nhiệm phối hợp với các ngành chủ quản và các địa phương kịp thời giải quyết những vướng mắc do cơ chế quản lý hành chính bao cấp gò bó gây ra; kịp thời giải quyết quỹ lương tương xứng với giá trị sản lượng sản phẩm làm ra ; kịp thời giải quyết nhu cầu về vốn, vật tư; tiền mặt cho cơ sở đẩy mạnh sản xuất.

5. Các ngành, các địa phương cần tôn trọng và phát huy quyền hạn của giám đốc xí nghiệp theo chế độ đã quy định, tạo mọi điều kiện để xí nghiệp thực sự chủ động về các mặt sản xuất, kinh doanh, kể cả việc xuất, nhập khẩu và quyền sử dụng ngoại tệ, theo quy định của Nhà nước.

6. Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi, Tổng cục cao su và các địa phương phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để mở rộng thực hiện các chế độ khoán và thưởng như bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, tổ chức việc tập huấn để hướng dẫn cơ sở nắm chắc nội dung; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời uốn nắn các sai lệch và giới thiệu những kinh nghiệm tốt.

 

 

Võ Chí Công

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20-CT năm 1982 về đẩy mạnh thực hiện các hình thức khoán lương, lương sản phẩm và tiền thưởng trong các cơ sở sản xuất quốc doanh nông, lâm, ngư nghiệp do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 20-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/02/1982
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 20/02/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản