Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 20/CT-CTUB

Long Xuyên, ngày 24 tháng 07 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM 1996-2000 VÀ NĂM 1997.

Căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 442/TTg ngày 03 tháng 7 năm 1996 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 1997; và công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 21 BKH/TH ngày 10 tháng 07 năm 1996 hướng dẫn xây dựng và cụ thể hoá kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1996-2000;

Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang chỉ thị về yêu cầu nhiệm vụ và biện pháp tiến hành xây dựng các loại kế hoạch nói trên như sau :

1- Các loại kế hoạch mà các Sở ngành tỉnh và UBND huyện thị xã cần xây dựng bao gồm kế hoạch 5 năm 1996-2000 và kế hoạch năm 1997 về :

a. Phát triển kinh tế xã hội.

b. Vốn và danh mục đầu tư xây dựng.

c. Dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước.

2- Yêu cầu của việc xây dựng kế hoạch 5 năm 1996 – 2000 là nhằm cụ thể hoá “Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1996 – 2000 đã được Đại hội Đảng lần thứ VIII thông qua; và “Báo cáo những định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1996 – 2000” đã được Đại hội Đại biểu Tỉnh Đảng bộ An Giang lần VI thông qua; bằng kế hoạch Nhà nước của từng ngành, từng huyện thị xã và của toàn tỉnh.

Nội dung kế hoạch cần tập trung một số vấn đề then chốt sau:

a. Xác định mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chủ yếu đến năm 2000.

b. Hạn chế tối đa phần lý thuyết, lý luận chung hoặc đề ra quá nhiều chỉ tiêu vụn vặt; mà cần bảo đảm kế hoạch phải mang tính hành động cao bằng việc cụ thể hoá 11 chương trình đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII nói trên bằng những chương trình then chốt có mục tiêu cụ thể cùng hệ thống các giải pháp thực hiện mang tính tích cực, hiện thực và cân đối.

c. Ở mỗi chương trình cần xác định rõ danh mục các dự án đầu tư trọng yếu, dự kiến mức vốn đầu tư và các nguồn cân đối; đề ra biện pháp cơ chế chính sách cụ thể, thiết thực đối với từng dự án để bảo đảm huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

Lưu ý một số điểm sau đây:

- Mục tiêu đầu tư cần tập trung thực hiện: Quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ, Quyết định 99/TTg của Chính phủ, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu, phát triển giáo dục, giải quyết việc làm và giảm hộ nghèo, phát triển miền núi và dân tộc.

            - Để bảo đảm các mục tiêu và chỉ tiêu tăng tốc và phát triển; kế hoạch tổng mức vốn đầu tư chiếm từ 30-35% GDP; vốn đầu tư của Ngân sách Nhà nước chiếm không quá 20%. Còn lại 80% vốn đầu tư là từ các nguồn lực xã hội, trước hết là các nguồn lực nội tỉnh.

Đề ra các danh mục dự án đầu tư và nêu mức vốn đầu tư không khó. Cái khó và là điều có tính quyết định là lãnh đạo từng Sở ngành, từng Huyện thị cần nghiên cứu đề ra cho được những biện pháp huy động vốn đầu tư một cách cụ thể, khả thi đối với từng dự án, không dựa dẫm vào Ngân sách Nhà nước và vay tín dụng thương mại mà phải cụ thể hoá việc xã hội hoá thật mạnh trên mọi lĩnh vực đầu tư, kể cả đầu tư phát triển văn hoá xã hội.

Do vậy, nguyên tắc đầu tiên để UBND Tỉnh phể duyệt kế hoạch đầu tư của mỗi ngành, mỗi Huyện thị là xét các biện pháp huy động vốn đầu tư xã hội có tích cực và hiện thực không.

3- Trên cơ sở xây dựng kế hoạch 5 năm 1996-2000 mà tiến hành xây dựng kế hoạch năm 1997 nhằm cụ thể hoá kế hoạch 5 năm đối với năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm và thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, đảm bảo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng trưởng và phát triển nhanh, mạnh hơn năm 1996.

4- Đối với việc xây dựng kế hoạch của UBND huyện thị xã; do những điều kiện khó khăn hạn chế nên không cần phải lập kế hoạch toàn diện như Sở ngành tỉnh mà chủ yếu là tập trung vào các yêu cầu nội dung thiết thực sau:

a. Cụ thể hoá 11 chương trình phát triển kinh tế xã hội vào điều kiện cụ thể của Huyện thị.

b. Xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi và đô thị, trong đó các mục tiêu cần quan tâm hàng đầu: thực hiện Quyết định 99/TTg của Chính phủ, phát triển điện, nước, vệ sinh môi trường ...

c. Đề xuất kiến nghị cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án nêu trên.

d. Lập dự toán NSNN của cấp Huyện Thị xã và Ngân sách Xã.

5- Tổ chức thực hiện:

a. UBND tỉnh giao cho:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch đầu tư xây dựng.

- Sở Tài chính Vật giá chủ trì hướng dẫn lập dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước.

b. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính Vật giá xúc tiến ngay việc xây dựng kế hoạch để thông qua các cơ quan lãnh đạo địa phương vào đầu tháng 8 năm 1996 để sau đó tu chỉnh báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước 10/8/1996. Đó cũng là tài liệu quan trọng để hướng dẫn các ngành và Huyện thị lập kế hoạch.

c. Các Sở ngành Tỉnh và UBND Huyện Thị triển khai xây dựng kế hoạch đến 10/9/1996 cho xong.

d. Sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính Vật giá tổng hợp đến 30/9/1996 cho xong thông qua UBND Tỉnh góp ý hoàn chỉnh thông qua Hội nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh.

 

 

Nơi nhận:        
- Thường trực Tỉnh uỷ            
- Thường trực HĐND tỉnh
- Các Sở Ngành tỉnh                Đã ký
- UBND Huyện Thị xã             
- Lưu.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH  
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị