Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2002/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VỊÊC TIẾP TỤC NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ ĐÀO TẠO SÁT HẠCH VÀ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

Thực hiện Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông Đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng các Bộ ban hành đầy đủ các văn bản Pháp quy liên quan đến công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe, phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành tổng kiểm tra toàn diện định kỳ 2 năm một lần để từng bước chấn chỉnh, kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo lái xe, kiện toàn các Ban quản lý sát hạch lái xe trong cả nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch cấp Giấy phép lái xe góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, do các cơ quan quản lý Nhà nước được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe còn buông lỏng quản lý mà tập trung chủ yếu vào việc chưa thường xuyên kiểm tra quá trình đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe ở cơ sở; khi có vụ việc thì xử lý chưa nghiêm túc, nên thời gian qua đã để xảy ra việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe ở một số nơi đã bị thương mại hoá; một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã bán hàng nghìn Giấy phép lái xe ôtô, mô tô không qua đào tạo, sát hạch nên đã bị Pháp luật xử lý như ở Long An, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Bình Phước.

Mặc dù đã có cảnh báo như vậy, nhưng qua đợt tổng kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải năm 2002, có 23/139 cơ sở đào tạo lái xe vẫn còn để tồn tại như: Chưa thật sự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị dạy học, sân bãi chưa đúng quy định; đào tạo vượt quá lưu lượng cho phép nên đã bị đình chỉ tuyển sinh hoặc giảm cấp đào tạo và lưu lượng đào tạo, không cho tiếp tục đào tạo. Một số Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính chưa chú ý đúng mức trong quản lý đào tạo, sát hạch: Thiếu cán bộ quản lý; tuyển chọn người còn nể nang, không đủ tiêu chuẩn; không thường xuyên kiểm tra, giám sát, giáo dục nhân viên; chưa quan tâm xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe; những tồn tại đó dẫn đến chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe chưa cao và có nguy cơ dẫn đến tiêu cực, nhũng nhiễu.

Trước tình hình tai nạn giao thông gia tăng gần đây, Thủ Tướng Chính phủ đã chỉ thị cho Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường nhiệm vụ quản lý Nhà nước để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe. Vì vậy Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, Ngành có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cùng thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ Tướng Chính phủ. Đồng thời để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm còn tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe hiện nay, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt nam, Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính các Tỉnh, Thành phố, các cơ sở đào tạo lái xe và các cơ quan có liên quan phải nghiêm túc thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau đây:

I) ĐỐI VỚI UBND TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Đề nghị UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra các Sở GTVT, GTCC nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ Bộ GTVT đã phân cấp trong công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe; tạo điều kiện, hỗ trợ cho các Sở GTVT, GTCC khẩn trương xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe trong quy hoạch Bộ GTVT đã duyệt; kiểm tra và chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực xẩy ra trong công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe tại địa phương.

II) ĐỐI VỚI CÁC BỘ, NGÀNH CÓ LIÊN QUAN:

Đề nghị Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở GTVT, GTCC các Tỉnh tham gia quản lý chặt chẽ công tác đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo giống như quản lý đào tạo các ngành nghề khác.

Các Bộ có Trường đào tạo lái xe cần chỉ đạo, kiểm tra các Trường này thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý Nhà nước của Bộ GTVT.

III) ĐỐI VỚI CỤC ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM:

1- Cục Đường bộ Việt nam được Bộ giao nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe thống nhất trong cả nước, phải có biện pháp tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở tất cả các Sở GTVT, GTCC và các cơ sở đào tạo lái xe ở các địa phương. Cục trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng nếu để xảy ra các tiêu cực liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe; đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết các cán bộ của Cục nếu có biểu hiện tiêu cực trong công tác Quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe.

2 - Không cho phép thành lập và cấp thêm giấy phép đào tạo lái xe cho các cơ sở mới thành lập.

3 - Phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ lao động kiểm tra ngay tất cả các cơ sở đào tạo lái xe còn để tồn tại trong đợt tổng kiểm tra năm 2002, nếu các cơ sở này vẫn không khắc phục thì thu hồi Giấy phép đào tạo lái xe và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát.

4 - Chỉ đạo Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái của các Khu quản lý đường bộ II, IV, V, VII phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra quá trình đào tạo của các cơ sở đào tạo lái xe và công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe của các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính để thực hiện đúng các quy định của Bộ Giao thông vận tải. Khi phát hiện cá nhân và tập thể có vi phạm, phải kịp thời báo cáo Cục Đường bộ Việt nam để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Giao thông vận tải xử lý.

5 - Phối hợp các cơ quan liên quan, kiểm tra cụ thể, chặt chẽ đối với các cơ sở đào tạo xin cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe. Nếu cơ sở nào không có đủ điều kiện theo quy định, còn có sai phạm thì cương quyết không được cấp Giấy phép đào tạo lái xe nữa.

6 - Hướng dẫn về trình tự, thủ tục để các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh và Thành phố hoặc Bộ , Ngành cho phép đầu tư xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe nằm trong quy hoạch và theo tiêu chuẩn đã được Bộ giao thông vận tải ban hành.

- Phối hợp với Vụ Tài chính kế toán của Bộ làm việc với Bộ Tài chính xác định cơ chế tài chính thích hợp, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Trung tâm sát hạch lái xe; trước mắt có cơ chế tài chính cho các sân sát hạch hoàn thành giai đoạn xây dựng cơ bản. Phấn đấu đến cuối năm 2004 phải có ít nhất 10 Trung tâm sát hạch lái xe phân bố đều ở phía Bắc, khu vực Miền trung, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu long đi vào hoạt động (bao gồm cả Trung tâm mới hoàn thành xây dựng phần cơ bản)

- Phải kiên quyết chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính trong khi chưa có sân sát hạch tập trung chỉ chọn một địa điểm, riêng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không quá hai địa điểm để tổ chức sát hạch, không dùng cơ sở đào tạo để tổ chức sát hạch.

- Có kế hoạch hứơng dẫn đưa tất cả các hạng lái xe đào tạo ở cơ sở thuộc 5 tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh vào Trung tâm sát hạch lái xe Chí Linh để sát hạch vào quý I/2003.

- Cục Đường bộ chỉ được trực tiếp tổ chức sát hạch hai cơ sở đào tạo lái xe ở Hà Nội để rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện văn bản pháp quy về đào tạo, còn lại giao cho Sở Giao thông công chính Hà Nội đảm nhận. Ngay từ quý I/2003 phải đưa tất cả các hạng xe (trừ B1, B2) đào tạo ở cơ sở mà Cục tổ chức sát hạch về Trung tâm sát hạch Chí Linh để sát hạch.

7 - Cục thường xuyên nghiên cứu để tham mưu Bộ hoàn thiện văn bản pháp quy liên quan đến đào tạo để các cơ sở thực hiện.

8 - Thành lập và duy trì đường dây nóng của Cục và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đường dây nóng của Cục, nếu có thông tin tiêu cực phản ánh, phải kịp thời tổ chức xử lý và báo cáo Bộ.

9 - Cục Đường bộ Việt nam có trách nhiệm chỉ đạo nghiệp vụ đối với tất cả các Trung tâm sát hạch của cả nước thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Giao thông vận tải. Sớm nối mạng thông tin từ Cục đến các Sở GTVT, GTCC để chỉ đạo chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở các địa phương.

IV) ĐỐI VỚI SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI, GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH CÁC ĐỊA PHƯƠNG:

1 - Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính được Bộ Giao thông vận tải giao trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo ở địa phương; tổ chức sát hạch cấp Giấy phép lái xe một cách nghiêm túc, kể cả sát hạch cấp phép xe xe gắn máy. Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe tại địa phương mình.

2 - Phối hợp thường xuyên với Sở Lao động thương binh và Xã hội, cơ quan cấp trên của cơ sở đào tạo lái xe, thực hiện định kỳ kiểm tra hoặc kiểm tra đột xuất các lớp học đào tạo lái xe để thực hiện đầy đủ quy chế Bộ GTVT ban hành.

3 - Giao cho các cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm mở các lớp học đào tạo lái xe mô tô, thực hiện bồi dưỡng cho người học nắm vững Luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe an toàn. Nghiêm cấm các Sở tự tổ chức lớp đào tạo lái xe mô tô. Hiện nay còn số lượng lớn người điều khiển xe mô tô chưa có Giấy phép lái xe nhưng vẫn tham gia giao thông, các Sở cần tập trung chỉ đạo công tác này, phấn đấu đến hết năm 2003 cơ bản giải quyết xong tình trạng người điều khiển xe mô tô không có Giấy phép lái xe, kể cả cho phép mở lớp học tại các cơ quan và đơn vị có nhu cầu.

4 - Sở bố trí một đồng chí lãnh đạo chịu trách nhiệm về công tác Quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe trong phạm vi của Tỉnh và bố trí đủ cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn để quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe. Xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân của người được phân công thực hiện công tác này, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát để cán bộ được giao nhiệm vụ hoàn thành chức trách của mình. Trường hợp có dư luận phản ánh hoặc phát hiện thấy cán bộ có biểu hiện tiêu cực cần cương quyết điều chuyển sang công tác khác hoăc xử lý kỷ luật nghiêm minh. Sở cần sử dụng các sát hạch viên là các giáo viên ở các cơ sở đào tạo đã được Cục cấp chứng chỉ cùng các cán bộ thuộc Phòng, Ban của Sở để tham gia công tác sát hạch.

5 - Tập trung xây dựng Trung tâm sát hạch là công việc thiết yếu và mang tính khẩn trương, nghiêm túc nhằm thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy các Sở cần có kế hoạch cụ thể, từng bước thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Nếu có vướng mắc phải liên hệ ngay Cục Đường bộ Việt nam để tìm biện pháp giải quyết.

Trong khi chưa xây dựng được Trung tâm sát hạch, các Sở chỉ được tổ chức sát hạch lái xe tại một địa điểm, ( đối với TP.Hà nội và TP.Hồ Chí Minh không quá hai địa điểm) có đủ điều kiện thực hiện theo quy trình thi và báo cáo Cục Đường bộ Việt nam để theo dõi quản lý, đồng thời thông báo rộng rãi để các cơ quan, nhân dân biết, kiểm tra, giám sát.

V) ĐỐI VỚI CƠ QUAN CẤP TRÊN CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO LÁI XE:

1- Thủ trưởng cơ quan cấp trên của cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đầy đủ các quy định về Quản lý đào tạo lái xe của Bộ Giao thông vận tải. Nếu để xảy ra tiêu cực, Thủ trưởng cơ quan cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm.

2 - Hỗ trợ các cơ sở đào tạo lái xe trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị và xe tập lái để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.

3 - Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong việc kiểm tra các lớp, khoá đào tạo lái xe, thu và chi học phí đào tạo lái xe để các cơ sở thực hiện đúng quy chế quản lý đào tạo và các chế độ hiện hành về đào tạo lái xe.

VI) ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO LÁI XE:

1- Tổ chức đào tạo đúng các hạng, lưu lượng, địa điểm và thời gian ghi trên Giấy phép đào tạo lái xe. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình, thời gian đào tạo lái xe. Thực hiện việc tuyển sinh, khai giảng, tổ chức đào tạo, thi cuối khoá, cấp

Chứng chỉ tốt nghiệp cho học sinh và lưu giữ hồ sơ, tài liệu khoá học theo đúng quy chế dạy nghề của Nhà nước và những quy định của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo lái xe.

2- Tăng cường thêm cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe. Năm 2004, định kỳ theo quy chế đào tạo lái xe, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức tổng kiểm tra, nếu cơ sở nào không đủ tiêu chuẩn, vi phạm quy chế và không thay thế xe tập lái cũ, lạc hậu hiện nay bằng các xe hiện đại hơn tương đương như xe dùng trong Trung tâm sát hạch sẽ không được tiếp tục đào tạo lái xe.

3- Tuyệt đối không được liên doanh, liên kết hoặc mở các chi nhánh đào tạo trái Pháp luật.

4- Thủ trưởng các cơ sở đào tạo lái xe để xảy ra tiêu cực cũng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

VII) ĐỐI VỚI CÁC VỤ CHỨC NĂNG CỦA BỘ:

1- Vụ Tổ chức cán bộ-Lao động: Có trách nhiệm theo dõi quá trình thực hiện các quy chế của Bộ liên quan đến công tác Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe. Phối hợp cùng Thanh tra Bộ tổ chức tốt đợt tổng kiểm tra công tác này vào năm 2004.

2- Vụ Pháp chế vận tải đã có đường dây nóng khi nhận được các thông tin tiêu cực trong công tác này cần báo cáo lãnh đạo Bộ để giao cơ quan chức năng giải quyết.

3- Vụ Tài chính kế toán: Tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để có cơ chế tài chính cho các Trung tâm sát hạch cấp Giấy phép lái xe.

4- Vụ Kế hoạch đầu tư tiếp tục tìm nguồn kinh phí, đầu tư hoàn thành xây dựng các Trung tâm sát hạch tại Sơn Tây, Chí Linh, Trường kỹ thuật Giao thông vận tải III, Trường kỹ thuật Giao thông vận tải Khu vực Đồng bằng sông Cửu long.

Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe có vai trò rất quan trọng, thực hiện tốt sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt nam, các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, cơ sở đào tạo lái xe, các cơ quan có liên quan thực hiện đúng các nội dung của chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần kịp thời phản ánh để Bộ giao thông vận tải xem xét giải quyết.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)