Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND | Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 5 năm 2011 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh do nhóm vi rút đường ruột (enterovirus) gây nên. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Bệnh tay chân miệng lây truyền bằng đường “phân - miệng” và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà,…. Đặc biệt khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp, thì việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người.
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay có trên 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 09 trường hợp tử vong.
Tại Quảng Ngãi, theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 27/5/2011, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 141 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 9/14 huyện, thành phố (Bình Sơn 30, Sơn Tịnh 20, thành phố 48, Tư Nghĩa 12, Nghĩa Hành 08, Mộ Đức 05, Đức Phổ 16, Sơn Hà 01, Sơn Tây 01); 02 trường hợp tử vong. Bệnh xuất hiện và tăng nhanh kể từ cuối tháng 4/2011 đến nay.
Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát triển và dễ lây lan ra cộng đồng. Số trường hợp mắc bệnh đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là tại các nhà trẻ, mẫu giáo. Trước tình hình trên, để tập trung mọi biện pháp phòng, chống có hiệu quả bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành; Hội, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt những việc sau đây:
1. Sở Y tế:
- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch và huy động mọi nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng.
- Chỉ đạo hệ thống y tế trong toàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng; giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, ngăn chặn biến chứng và hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị... để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch trên diện rộng; thành lập đội cấp cứu lưu động ở tất cả các tuyến y tế, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương. Định kỳ hàng tuần, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bệnh, đối chiếu với các quy định, điều kiện về công bố dịch tại Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ “về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm” để kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xử lý, giải quyết theo đúng thẩm quyền.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố, các trường mẫu giáo trong tỉnh phối hợp với ngành y tế các cấp tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh, giáo viên, cô nuôi dạy trẻ các biện pháp phòng bệnh.
- Đối với các nhà trẻ, trường mẫu giáo có trường hợp mắc bệnh, phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:
Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.
Thầy, cô giáo, hoặc người hướng dẫn tại nhà trẻ phải theo dõi hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, các biểu hiện sốt, xuất hiện loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình, y tế xử lý kịp thời.
Bảo đảm tất cả trẻ em, người lớn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: như vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ. Thực hiện một số biện pháp hạn chế lây truyền theo đường “phân-miệng” khác như ăn chín, uống sôi.
Làm sạch các dụng cụ, vật dụng thường xuyên sờ mó của trẻ, nhà vệ sinh bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng chloramin B 2% hàng ngày. Làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bị nhiễm dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng và lau bằng chloramin B 2%; để xa khỏi tầm tay trẻ em. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc: ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xem xét, cân đối, bổ sung kinh phí kịp thời và đầy đủ cho Sở Y tế khi có yêu cầu để triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả (mua thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống dịch bệnh, các hoạt động tuyên truyền…).
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi:
- Phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là phụ huynh học sinh tại các nhà trẻ, mẫu giáo, để mọi người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của dịch bệnh, chủ động thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ngay tại gia đình, cộng đồng.
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh nghiên cứu tăng thời lượng thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng. Lồng ghép chương trình truyền thông phòng, chống bệnh tay chân miệng vào chuyên mục “Sức khoẻ cộng đồng”.
- Nghiêm cấm đưa tin thiếu chính xác gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương
5. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
- Huy động hệ thống chính trị các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân đặc biệt là những phụ huynh học sinh, người làm công tác hậu cần ở nhà trường các kiến thức về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng.
- Trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng. Chỉ đạo ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và tập trung xử lý triệt để ngay từ trường hợp mắc bệnh đầu tiên, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.
- Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng ở địa phương, nhất là trong các đợt phun hoá chất, tẩy uế môi trường, vệ sinh dụng cụ, cơ sở nhà cửa tại các hộ gia đình, nhà trẻ, trường mẫu giáo có trường hợp mắc bệnh.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên cho Chủ tịch UBND tỉnh về diễn biến tình hình bệnh tay chân miệng và công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để theo dõi, chỉ đạo./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Công văn 2550/UBND-VX năm 2011 về việc khẩn cấp tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng do tỉnh An Giang ban hành
- 2Quyết định 1931/QĐ-CTUBND năm 2011 ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3Công văn 2411/UBND-VX năm 2023 tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định điều kiện công bố dịch và hết dịch bệnh truyền nhiễm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 2550/UBND-VX năm 2011 về việc khẩn cấp tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng do tỉnh An Giang ban hành
- 3Quyết định 1931/QĐ-CTUBND năm 2011 ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 4Công văn 2411/UBND-VX năm 2023 tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chỉ thị 19/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Số hiệu: 19/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 31/05/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/05/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra