ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND | Sơn La, ngày 05 tháng 12 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI CUNG CẦU, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG, ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI NĂM 2024 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN
Năm 2023, giá cả nhiều loại mặt hàng thiết yếu biến động thường xuyên, các loại vật liệu xây dựng, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp... có xu hướng biến động và tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân và việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chủ động triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành, qua đó đã đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Để thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đón xuân Giáp Thìn 2024, vui vẻ, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung, như sau:
I. YÊU CẦU
1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm cân đối nguồn cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Các Sở, Ban, Ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giá, các biện pháp bình ổn giá và giá cả thị trường đến các tổ chức, nhân dân trên địa bàn để phối hợp, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp, giữ ổn định chỉ số giá hàng hóa, phù hợp với chỉ số giá chung của cả nước; tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp về kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, không để biến động về giá, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân.
3. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ các quy định của pháp luật về giá, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và nội dung tại Chỉ thị này, để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại đơn vị và trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa thuận tiện. Quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương trong việc tổ chức chúc Tết, tặng quà.
4. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương triển khai công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết các thủ tục hành chính với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
II. NHIỆM VỤ CÁC NGÀNH THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, UBND tỉnh; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh và các Sở, ngành liên quan trong việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá, trợ cước, trợ giá, công khai thông tin về giá. Tham mưu đề xuất các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng.
- Theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, kịp thời tham mưu trình cấp có thẩm quyền biện pháp bình ổn giá theo quy định. Hướng dẫn đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá. Chủ động phối hợp với các Sở, Ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá, kịp thời phát hiện sự chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
- Phối hợp với Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo giá cả thị trường theo Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài chính và Thông tư số 116/2018/TT-BTC ngày 28/11/2018 của Bộ Tài chính.
- Quản lý chặt chẽ chi ngân sách bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; tổ chức rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực; quan tâm, bố trí kinh phí đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán.
3. Sở Công Thương
- Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến, thời tiết; đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thực phẩm thiết yếu cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, chủ động đề xuất phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, nhằm đảm bảo cho lưu thông hàng hóa thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
- Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các phương thức bán hàng lưu động... để cung ứng hàng hóa bình ổn đến khu vực đông dân cư, các khu vực vùng sâu, vùng xa...nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo cung ứng điện của Công ty Điện lực tại địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và cung cấp điện cho các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Chỉ đạo Công ty Điện lực chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống, chập, cháy điện tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.
- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố và cơ quan có chức năng có phương án tổ chức các Hội chợ Xuân bảo đảm an toàn, tiết kiệm.
- Kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chợ dân sinh, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn, triển khai tốt việc cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, công tác quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền về việc khuyến khích sử dụng xăng sinh học; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hại cây trồng; tăng cường hướng dẫn sản xuất, thu hoạch các sản phẩm nông sản chủ lực của tinh như quả, rau các loại…; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm.
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra, giám sát việc thu hồi thuốc thú y không đạt chất lượng theo quy định; chỉ đạo việc tiêm phòng vắc xin và phòng, chống sốt rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.
- Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, giá cả hàng hoá thuộc lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
5. Sở Giao thông Vận tải
- Tổ chức phương tiện đảm bảo phục vụ nhân dân đi lại dịp Tết Nguyên đán thuận tiện, an toàn. Phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải hành khách theo quy định, không để xảy ra tình trạng thu giá vé không đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông, không để tình trạng phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông; Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.
- Chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động vận chuyển hành khách, cũng như là vận chuyển hàng hóa; Hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo cho hàng hóa lưu thông thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
6. Sở Y tế
- Chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đặc biệt trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông; có phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế thiết yếu hỗ trợ phục vụ nhân dân.
- Chỉ đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; tham mưu trình Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm của tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc…; quản lý chặt chẽ giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân.
7. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố vận động các doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết hợp chương trình hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa chuẩn bị tốt nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết, để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.
- Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền; Các chương trình kích cầu tiêu dùng; ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các phương thức bán hàng lưu động… để cung ứng hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khó khăn, có thu nhập trung bình và thấp.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của địa phương; quan tâm đến hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa đảm bảo phù hợp.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Báo Sơn La và Đài phát thanh - Truyền hình Tỉnh, Sở Công Thương để đưa tin, tuyên truyền đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, phản ánh sát thực tế cung cầu, giá cả hàng hóa thị trường để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng góp sức cùng các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, tránh tâm lý bất an trong nhân dân.
10. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với người có công với cách mạng; người hưởng chính sách trợ giúp xã hội, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác; Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố đề xuất với Tổng cục dự trữ Nhà nước kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt; phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm trật tự, an toàn trong các cơ sở cai nghiện ma túy và tăng cường thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
11. Sở Xây dựng:
Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, nắm bắt diễn biến các mặt hàng liên quan lĩnh vực xây dựng; kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, không để các đối tượng lợi dụng đẩy giá gây bất ổn thị trường; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp bình ổn thị trường và giá vật liệu xây dựng.
12. Công an tỉnh
- Chủ trì và có kế hoạch phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức lực lượng ứng trực và vũ trang canh gác, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng, các sự kiện chính trị - xã hội tổ chức trên địa bàn tỉnh; đặc biệt cần triển khai lực lượng, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn về an ninh trật tự, hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường và các ngành chức năng tăng cường trong việc kiểm soát dịch bệnh gia súc gia cầm, phòng chống cháy nổ, chống buôn lậu, gian lận thương mại đảm bảo bình ổn giá cả thị trường.
- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ xây dựng kế hoạch kiểm tra, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ. Xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ trái phép; tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư và khu vực tập trung đông người, tổ chức chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả.
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông; Tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
13. Cục Quản lý thị trường
- Xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Chỉ đạo các Đội QLTT trên địa bàn tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại. Trong đó chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.
- Chỉ đạo các Đội QLTT phụ trách, quản lý địa bàn có đường biên giới, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành ... làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng gia súc, gia cầm và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra các khu vực kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, các tuyến đường bộ... phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào địa bàn để tiêu thụ.
14. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Sơn La
- Tổ chức tốt công tác cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời, cơ cấu hợp lý các mệnh giá tiền cho Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo đúng quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nếu phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và kinh doanh tiền mặt mệnh giá nhỏ trái phép.
- Tăng cường phổ biến, quán triệt tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và thị trường vàng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống thanh toán. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo duy trì hoạt động của các máy giao dịch tự động (ATM, CDM) an toàn, thông suốt; tăng cường hoạt động dịch vụ thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ.
15. Cục Thuế tỉnh:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tăng cường công tác quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế. Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận liên quan đến công tác quản lý thuế. Tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế và chuyển giá.
16. Kho bạc Nhà nước tỉnh: Kiểm soát chặt chẽ các nội dung chi, nhất là các khoản chi mua sắm, chi khác. Kiên quyết từ chối các khoản chi mua sắm quà tết không đúng quy định, các khoản chi không đúng quy định.
17. Điện lực Sơn La
- Rà soát, xây dựng kế hoạch cung ứng điện, thực hiện các giải pháp đảm bảo đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân và cung cấp điện cho các cơ sở y tế để phục vụ khám chữa bệnh;
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; chú trọng công tác phòng chống cháy nổ do chập điện tại các nơi công cộng, chợ, khu vui chơi và khu dân cư.
18. UBND các huyện, thành phố
- Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
- Phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi sát tình hình dịch bệnh động vật; chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường, tránh xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, mất kiểm soát.
- Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá; có biện pháp bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng do đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đến trật tự, an toàn xã hội trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
- Hướng dẫn các chợ dân sinh, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn, bảo đảm cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
- Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện các quy định về quản lý giá, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Thành lập Tổ công tác liên ngành của huyện, thành phố để thực hiện kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực giá cả, thị trường.
III. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Các Sở: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội; Công an tỉnh; Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Sơn La; Cục Thuế tỉnh; Công ty Điện lực Sơn La; Cục Quản lý thị trường; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính, Sở Công thương và Sở Y tế) để Sở Tài chính, Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND tỉnh theo quy định cụ thể như sau:
1. Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công tại chỉ thị này trước ngày 10/01/2023.
2. Báo cáo về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa tại các huyện, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ ngày 15/01/2023 đến ngày 15/02/2024 (định kỳ trước 17 giờ thứ 5 hàng tuần).
3. Tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác đảm bảo cân đối cung cầu, quản lý, điều hành bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trước ngày 20/02/2024.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 do tỉnh Sơn La ban hành
- 2Kế hoạch 288/KH-UBND năm 2021 về đảm bảo cân đối, cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2022 thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, tăng cường công tác quản lý, điều hành bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão do tỉnh Sơn La ban hành
- 4Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2023 về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 5Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2023 mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Nam Định ban hành
- 1Thông tư 116/2018/TT-BTC quy định về chế độ báo cáo giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 do tỉnh Sơn La ban hành
- 3Kế hoạch 288/KH-UBND năm 2021 về đảm bảo cân đối, cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2022 thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, tăng cường công tác quản lý, điều hành bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão do tỉnh Sơn La ban hành
- 5Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2023 về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 6Công văn 5155/UBND-TH năm 2023 về đính chính Chỉ thị 19/CT-UBND do tỉnh Sơn La ban hành
- 7Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2023 mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Nam Định ban hành
Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2023 thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, tăng cường công tác quản lý, điều hành bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn do tỉnh Sơn La ban hành
- Số hiệu: 19/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/12/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
- Người ký: Hoàng Quốc Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực