Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 05 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA IX.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 9 theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội mới sẽ tiến hành thống nhất trong cả nước vào ngày 19/7/1992.
Căn cứ Chỉ thị 09/CT-TW ngày 31/3/1992 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước và Thông tri 12/TT-TU ngày 24/4/1992 của Ban Thường vụ Thành ủy hướng dẫn việc lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX tại thành phố Hồ Chí Minh. Rút kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan chánh quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng để tổ chức cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, thực sự dân chủ, đúng pháp luật và tuyệt đối an toàn. Dưới đây những việc chính cần hoàn thành tốt: đúng thời gian quy định theo Luật bầu cử.
1- Mục đích yêu cầu:
- Bầu cử Quốc hội là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong nhân dân. Thành công việc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này sẽ góp phần quan trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực của Quốc hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới.
Để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành thực sự dân chủ, đúng pháp luật, cần nắm vững các yêu cầu sau đây:
- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX phải thể hiện tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Hiến pháp 1992 và Luật bầu cử Quốc hội mới. Yêu cầu phải đạt là bầu được một Quốc hội xứng đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có năng lực làm tròn nhiệm vụ đã được Hiến pháp quy định, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ bằng Nhà nước của nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 7 của Đảng.
- Phát động quần chúng lựa chọn giới thiệu và bầu những người có đủ tiêu chuẩn và theo cơ cấu thành phần đề ra, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, được nhân dân tín nhiệm, có trình độ hiểu biết và năng lực thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm cách làm dân chủ, không gò ép.
- Đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng sôi nổi hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1992.
2- Công tác tuyên truyền:
Vận động, cổ động cần được thực hiện chu đáo, tích cực với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực, kết hợp sử dụng các lực lượng và các phương tiện thông tin nhằm làm cho mọi người dân, trước hết là cán bộ, công nhân viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nắm vững vị trí vai trò của Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, hiểu rõ mục đích ý nghĩa quan trọng cuộc bầu cử lần này, đồng thời nâng cao cảnh giác, đề phòng và đối phó kịp thời với mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc âm mưu và hành động phá hoại của địch.
3- Phân chia đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu:
Đơn vị bầu cử Quốc hội và số đại biểu được bầu từng đơn vị bầu cử, Ủy ban nhân dân đã đề nghị Hội đồng nhân dân phê chuẩn và sẽ công bố chậm nhất là bảy mươi ngày trước ngày bầu cử - Số đại biểu Quốc hội được bầu ở từng đơn vị bầu cử theo Luật bầu cử là không quá ba đại biểu. Số ứng cử viên phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở từng đơn vị tối thiểu là 2 để cử tri lựa chọn bầu (giới thiệu 5 ứng cử viên bầu 3 đại biểu).
4- Các tổ chức phụ trách bầu cử gồm có:
- Hội đồng bầu cử ở Trung ương.
- Ủy ban bầu cử thành phố, do Ủy ban nhân dân thỏa thuận với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc thành phố ra quyết định thành lập.
- Ban bầu cử của đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban nhân dânthành phố ra quyết định thành lập chậm nhất là sáu mươi ngày trước ngày bầu cử.
- Tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thành lập, chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày bầu cử.
5- Lập và niêm yết danh sách cử tri:
Ban Tổ chức chánh quyền thành phố căn cứ Luật bầu cử hướng dẫn việc lập và niêm yết danh sách cử tri, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: “không để sót 1 người có quyền bầu cử và không ghi nhầm 1 người không có quyền bầu cử vào danh sách cử tri”.
Các trường, trại, nông lâm trường... của quận, huyện, thành phố đóng ở tỉnh khác thì tham gia bầu cử ở địa phương nơi đơn vị đóng. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... của các ngành Trung ương, lực lượng vũ trang của Quân khu 7 và của Bộ Tổng tư lệnh đóng trên địa bàn thành phố đều tham gia bầu cử tại địa phương nơi cơ quan, đơn vị đóng.
6- Kiểm tra công tác bầu cử:
Để bảo đảm cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, dân chủ và đúng pháp luật. Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Viện Kiểm sát nhân dân và các đoàn thể thành lập những đoàn kiểm tra cấp mình để tổ chức kiểm tra từ bước chuẩn bị, ngày bầu cử đến kết thúc cuộc bầu cử.
- Ở thành phố, đoàn kiểm tra bầu cử gồm có đại diện Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra, Sở Tư pháp và một số thành viên các Ban của Hội đồng nhân dânthành phố.
- Ở quận, huyện thành phần đoàn kiểm tra bầu cử tương tự như cấp thành phố.
- Ở phường, xã đoàn kiểm tra bầu cử gồm có đại diện Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, 1 số đại biểu Hội đồng nhân dân, một số cán bộ hưu trí am hiểu pháp luật.
Đoàn kiểm tra bầu cử phải có chương trình, kế hoạch công tác, báo cáo công tác kiểm tra cho Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo bầu cử cùng cấp, quan hệ chặt chẽ, góp ý kiến giúp đỡ Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện đúng pháp luật. Khi phát hiện những vi phạm, cần lập biên bản ghi rõ việc vi phạm kiến nghị cách giải quyết.
7- Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử:
Cần giáo dục, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, đề phòng và đối phó kịp thời âm mưu và hành động phá hoại của địch. Công an thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố có kế hoạch bảo vệ tốt cuộc bầu cử, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử từ mở đầu đến kết thúc.
8- Kinh phí bầu cử:
Chi phí trên tinh thần hết sức tiết kiệm, nhưng bảo đảm đầy đủ cho các yêu cầu cần thiết của cuộc bầu cử.
- Ủy ban nhân dân quận, huyện lập kế hoạch dự trù kinh phí dùng cho mọi hoạt động của Ban chỉ đạo bầu cử (quận, huyện, phường, xã), Ban bầu cử, Tổ bầu cử thuộc quận, huyện mình theo hướng dẫn của Ban Tổ chức chánh quyền thành phố và Sở Tài chánh. Sở Tài chánh có trách nhiệm xét duyệt và cấp kinh phí.
- Các tiểu ban phục vụ bầu cử (5 tiểu ban) tự lập kế hoạch dự trù hoạt động đề nghị Sở Tài chánh duyệt cấp kinh phí.
9- Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện bầu cử:
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng ở địa phương có kế hoạch tổ chức thực hiện và phục vụ tốt cho cuộc bầu cử theo đúng kế hoạch và tiến độ Ủy ban bầu cử thành phố đề ra phù hợp với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, sở cấp thành phố, các cơ quan Trung ương và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố- Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thông tin, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, bưu điện... huy động cử tri, cán bộ công nhân viên chức và lực lượng vũ trang đi bầu đông đủ, làm tròn nghĩa vụ công dân và theo chức năng nhiệm vụ của mình giúp đỡ các tổ chức bầu cử giải quyết những yêu cầu cần thiết để cuộc bầu cử Quốc hội được tiến hành thuận lợi an toàn, đạt kết quả tốt.
Để đảm bảo cho các khâu công tác trong cuộc bầu cử tiến hành đúng thời gian theo Luật bầu cử, Ủy ban bầu cử thành phố sẽ đề ra lịch công tác và chế độ báo cáo thỉnh thị, yêu cầu các cơ quan cấp trên đóng trên địa bàn thành phố, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã nghiêm chỉnh chấp hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 19/CT-UB năm 1992 về tổ chức bầu cử Quốc hội khóa IX do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 19/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/05/1992
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra