Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/CT-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHỮNG NỘI DUNG BỘ TRƯỞNG ĐÃ NÊU TẠI PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 2012

Để triển khai thực hiện những nội dung Bộ trưởng đã nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 12 tháng 11 năm 2012, yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai một số việc cụ thể như sau:

1. Về vấn đề thủy điện

a) Tổng cục Năng lượng chủ trì phối hợp với các đơn vị, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

- Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện của cả nước và từng địa phương nhất là thủy điện vừa và nhỏ để có báo cáo sơ bộ tại kỳ họp thứ 5 và báo cáo tổng thể tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, trong đó khẳng định với Quốc hội những dự án loại bỏ khỏi quy hoạch.

- Phối hợp với các địa phương để rà soát việc thực hiện các quyết định về di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện từ đó xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án thủy điện, kể cả các dự án thủy điện đã được đưa vào vận hành từ những năm trước đây nhưng hiện còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

- Kiểm tra, rà soát việc trồng rừng thay thế cho diện tích rừng bị mất do các dự án thủy điện.

b) Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương và các chủ dự án công trình thủy điện:

- Hoàn thành việc kiểm định an toàn đập và cắm mốc giới hồ thủy điện trong năm 2013.

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ Xây dựng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý địa cầu…theo dõi và xử lý các công việc liên quan đến dự án thủy điện Sông Tranh 2.

2. Về quản lý thị trường:

a) Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai một số công việc sau đây:

- Có biện pháp ngăn chặn ngay, chấm dứt cơ bản tình trạng vận chuyển, kinh doanh mũ bảo hiểm xe máy không bảo đảm chất lượng trên thị trường trong năm 2013.

- Có biện pháp ngăn chặn việc pha chế, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, tạo chuyển biến cơ bản trong năm 2013.

- Triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát để tạo bước chuyển rõ rệt và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, ngăn chặn việc nhập lậu gà, gia cầm và các Ioại thực phẩm không bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, kiên quyết đấu tranh với các hành vi nhập lậu và kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Tiếp tục hoàn thiện Đề án triển khai thành lập một số đội cơ động thuộc quyền điều hành của Cục Quản lý thị trường để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn liên tỉnh.

- Tiếp tục hoàn chỉnh các quy định liên quan đến vấn đề quản lý thị trường: lực lượng, các phương tiện tác nghiệp, vấn đề xử phạt đối với những hành vi vi phạm, trong đó có vấn đề nâng cao đạo đức nghề nghiệp của lực lượng tham gia quản lý thị trường...

b) Cục Hóa chất phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đôn đốc việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó quy định rõ việc xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định về sản xuất và kinh doanh phân bón.

c) Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm đối với chất lượng sản phẩm.

3. Vụ Thị trường trong nuớc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan:

- Tiến hành đánh giá việc thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung báo cáo Chính phủ trong đầu tháng 12 năm 2012.

- Đôn đốc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên phạm vi cả nước, tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vai trò định hướng và hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản của Việt Nam.

4. Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các Sở Công Thương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đôn đốc việc tiếp tục triển khai khẩn trương và quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

5. Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan:

- Quản lý chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu để góp phần kiềm chế nhập siêu.

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp để thực hiện quy định ân hạn 275 ngày chưa phải nộp thuế nhập khẩu được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

- Phối hợp với các Bộ, các ngành nghiên cứu các giải pháp căn cơ để rút ngắn hơn lộ trình cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, có thể cân bằng được trong thời gian trước năm 2020.

6. Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan:

- Đôn đốc để hoàn chỉnh văn bản Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

- Hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Thông tư hướng dẫn Nghị định.

7. Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, xây dựng các hoạt động nhằm khẳng định vị thế, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế để nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung.

8. Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục đấu tranh chống phân biệt đối xử đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước

9. Các Vụ Thị trường ngoài nước:

- Tích cực tìm kiếm các thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngoài những thị trường truyền thống.

- Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trao đổi với phía Trung Quốc để có thể ký được thỏa thuận về hợp tác thương mại, tăng cường xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, chậm nhất cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013.

10. Giao Vụ Kế hoạch phối hợp với Văn phòng Bộ đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ trong Hội nghị giao ban hàng tháng./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Cục, Vụ, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
- Đăng MOIT;
- Lưu: VT, KH (2b).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 19/CT-BCT năm 2012 thực hiện nội dung Bộ trưởng đã nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 12 tháng 11 do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 19/CT-BCT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/11/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản