ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2011/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 5 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ CÁC SỰ CỐ CÓ THỂ XẢY RA TRONG MÙA MƯA BÃO NĂM 2011 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ về thời tiết vào mùa mưa năm nay sẽ có những diễn biến bất thường và phức tạp, có khả năng xuất hiện những cơn bão có cường độ mạnh và những cơn mưa có vũ lượng lớn, triều cường dâng cao. Nhằm thu hẹp phạm vi, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận -huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc các Tổng Công ty trực thuộc:
a) Chủ động triển khai và tập trung mọi nguồn lực thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố; Công văn số 719/UBND-CNN ngày 18 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phối hợp quản lý các dự án liên quan đến thoát nước, chống ngập; tập trung thực hiện chương trình xóa, giảm ngập nước trên địa bàn thành phố; Công văn số 1855/UBND-ĐTMT ngày 22 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về giải quyết tình trạng ngập và bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa và Chương trình giảm ngập nước trên địa bàn thành phố.
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến phường - xã, thị trấn, các khu phố - ấp, tổ dân phố, hộ dân và các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp, cơ quan, ban - ngành, đoàn thể đóng tại địa bàn các biện pháp chủ động và tự giác tổ chức phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn; tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường theo phương án, kế hoạch đã định; tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh từng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo yêu cầu phòng, chống, ứng phó khi lụt, bão, thiên tai xảy ra tại đơn vị, địa phương mình theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
2. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố: đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án tiêu thoát nước, chống ngập trên địa bàn thành phố để sớm xóa các điểm ngập cũ và hạn chế phát sinh các điểm ngập mới. Kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý các điểm ngập phát sinh cục bộ ngoài khu vực các dự án đang triển khai. Phối hợp với các cơ quan, ban - ngành Trung ương và thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố.
3. Sở Giao thông vận tải thành phố: tăng cường kiểm tra thi công các công trình xây dựng, khẩn trương hoàn thành các công trình thoát nước. Tổ chức giải tỏa ùn tắc, phân luồng giao thông để đảm bảo giao thông thông suốt trong tình huống xảy ra sự cố cầu, đường, cây xanh, cột điện ngã đổ; phối hợp Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cắm biển báo tại các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu để người dân biết, hạn chế đi lại; phối hợp Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố huy động lực lượng kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn tại các bến phà, đò ngang, cầu yếu. Phối hợp với Sở Xây dựng, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên, Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị, dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án Đại lộ Đông - Tây, các khu vực, tuyến đường nối có hiện tượng sụp lún để sửa chữa kịp thời…
4. Công ty Công viên cây xanh tiến hành kiểm tra toàn bộ cây xanh trên địa bàn thành phố; khẩn trương tổ chức việc mé nhánh cây khô, đốn hạ các cây bị đổ ngã trên đường sau cơn mưa, không để xảy ra tình trạng cây xanh đổ ngã gây tai nạn cho người đi đường.
5. Tổng Công ty Điện lực thành phố khẩn trương kiểm tra các hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố đảm bảo an toàn điện trước và trong mùa mưa bão; đồng thời, bảo đảm nguồn điện ổn định, liên tục phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và vận hành các trạm bơm, đập ngăn triều… trong thời gian xảy ra lụt, bão, thiên tai.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung thi công, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương, cống rãnh theo phân cấp; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt các quận - huyện ven sông Sài Gòn cần tăng cường kiểm tra bờ bao, các vị trí có nguy cơ sạt lở để giải quyết ngay, không để xảy ra thiệt hại.
Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các Tổng Công ty trực thuộc tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo, đặc biệt là khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra và trong những ngày nghỉ, ngày lễ; tập trung triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2439/QĐ-UBND năm 2011 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 5068/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ đầu đối với văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (trong kỳ hệ thống hóa 31 tháng 12 năm 2013)
- 1Chỉ thị 12/2011/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 2439/QĐ-UBND năm 2011 về Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố Hồ Chí Minh
Chỉ thị 19/2011/CT-UBND về triển khai biện pháp phòng, chống, ứng phó sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2011 trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 19/2011/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 21/05/2011
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Hoàng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 38
- Ngày hiệu lực: 31/05/2011
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực