Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 10 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ RỪNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG MÙA KHÔ NĂM 2016 - 2017

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được các sở, ban, ngành và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn nhưng Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đã tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng xảy ra. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy rừng tại các huyện Tân Sơn, Yên Lập, với tổng diện tích thiệt hại là 3,4 ha. Nguyên nhân là do người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng.

Hiện nay, đã bước vào mùa khô hanh, để tiếp tục tăng cường và chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2016 - 2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Khi xảy ra phá rừng, cháy rừng tại địa bàn nào, Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó phải trực tiếp, huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại hiện trường nhanh chóng đình chỉ hành vi vi phạm, tổ chức dập tắt đám cháy khi còn ở phạm vi hẹp; trường hợp vượt quá khả năng xử lý phải báo cáo trực tiếp lên cấp trên trực tiếp để có sự chi viện, ứng cứu kịp thời. Nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng mà không chỉ đạo xử lý kịp thời, gây thiệt hại lớn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh;

- Chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện và cấp xã, các tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở; xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn với địa bàn trực tiếp chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng. Chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở tăng thời lượng đưa thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cho từng khu vực để chủ rừng, người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Chủ động rà soát xây dựng đường băng cản lửa; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của cấp huyện, xã, các công ty lâm nghiệp và các chủ rừng; đảm bảo đầy đủ vật tư, dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ;

- Chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp giữa lực lượng cấp huyện (Công an, Quân đội, Kiểm lâm) nhất là trong công tác hiệp đồng phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo thực hiện tốt các cuộc diễn tập bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo kế hoạch được giao và Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một số quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

- Tăng cường quản lý, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ các hoạt động đốt dọn thực bì trồng rừng, phát nương làm rẫy và sử dụng lửa gần các khu vực có rừng; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có rừng quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo đúng Quyết định số 2213/2006/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định xử lý thực bì bằng phương pháp đốt;

- Chỉ đạo thực hiện công tác tuần tra, canh gác; chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, thống kê báo cáo về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời đúng theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; kịp thời xử lý các tình huống khi xảy ra cháy rừng;

- Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 10/2016/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2016 ban hành một số quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh:

+ Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; phối hợp với các cơ quan thừa hành pháp luật tổ chức điều tra, xử lý và tham mưu cho các cấp chính quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

+ Chủ động rà soát, xây dựng đường băng cản lửa; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp huyện, cấp xã, các công ty lâm nghiệp và các chủ rừng; đảm bảo phương châm 4 tại chỗ; xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Huy động và tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.

+ Chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội thực hiện quy chế phối hợp; tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy lớn có thể xảy ra;

+ Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng I, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng.

3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Tổ chức thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tăng cường tin, bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Minh Châu