ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UBND | Thái Bình, ngày 12 tháng 9 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA GIÁO DỤC ĐÀO TẠO THÁI BÌNH NĂM HỌC 2016 - 2017 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO.
Năm học 2015-2016, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, cùng với nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo, công chức, viên chức và các em học sinh trong tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã thu được những thành tựu đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh về giáo dục và đào tạo; Chương trình hành động số 34-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình quán triệt và tập trung triển khai thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo như sau:
I. Phương hướng chung
Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.
II. Các nhiệm vụ chủ yếu
1. Rà soát, thực hiện nghiêm túc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được phê duyệt
Căn cứ vào các chuẩn, quy chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức rà soát và thực hiện nghiêm túc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp... đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, bảo đảm phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp
Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn; xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn.
Tăng cường gắn kết giữa các cơ sở đào tạo sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên ngay tại nhà trường cho đội ngũ giáo viên thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, trao đổi, tự học.
3. Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, nhằm định hướng các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ nhu cầu của địa phương. Nghiêm túc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Tham gia, góp ý cho tài liệu giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh và quản lý giáo dục hướng nghiệp.
Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho việc tổ chức các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, bảo đảm giáo dục cơ bản ở trung học cơ sở, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả.
4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông. Triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ mới; xây dựng chương trình và triển khai bồi dưỡng giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành, giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ.
Tiếp cận nhanh, đầy đủ chương trình, sách giáo khoa, hệ thống học liệu ngoại ngữ trực tiếp và trực tuyến đáp ứng mục tiêu đào tạo chung. Bước đầu triển khai thực hiện chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ tăng cường, chuyên ngữ và song ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo. Triển khai thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay trong quá trình và theo kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo. Tiếp cận với các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi của tỉnh phù hợp với của quốc gia.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục
Phát triển hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin toàn ngành theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nghiên cứu áp dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức đầu tư, trong đó quan tâm tới hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin và xã hội hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai Chính phủ điện tử ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông. Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ công tác hoạch định chính sách và quản lý cho các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Xây dựng kho bài giảng e-Leaming trực tuyến đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học, thu hẹp khoảng cách tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo có chất lượng của người học giữa các địa phương trong tỉnh.
6. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo
Tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp theo mô hình phối thuộc để đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo, đồng thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
7. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động. Điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm dần các ngành nghề đào tạo đang dư thừa trên thị trường lao động như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng..., tăng cường đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Kiểm soát quy mô đào tạo theo hướng giảm chỉ tiêu các ngành ít có nhu cầu tuyển dụng và chất lượng thấp; tăng dần quy mô đào tạo các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và chất lượng cao.
III. Các giải pháp cơ bản
1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo
Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục và liên quan đến ngành đang bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thường xuyên đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách để kịp thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.
Rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm giải trình. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xử lý công việc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các cấp và các cơ sở đào tạo trực thuộc.
2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp
Tổ chức quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục và đào tạo chủ chốt ở các cấp, các trường để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phong phú, có chất lượng tốt.
Trên cơ sở quy hoạch và đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý giáo dục, thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở địa phương, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo
Căn cứ vào quy hoạch các cơ sở giáo dục và yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục các bậc học, các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục đào tạo chủ động xây dựng các đề án/dự án trình các cấp có thẩm quyền ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học. Khuyến khích các cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện chương trình chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để có thêm nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục
Công tác khảo thí thực hiện theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học.
Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở đó giao quyền tự chủ và nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các định hướng và nhiệm vụ chủ yếu của ngành về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tới các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo viên và học sinh, sinh viên, cầu thị tiếp thu góp ý của xã hội để điều chỉnh kịp thời các quyết định trong quản lý nhà nước và điều hành các hoạt động giáo dục và đào tạo ở cơ sở bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao.
Quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông giáo dục để xã hội hiểu và chia sẻ về các chủ trương đổi mới của ngành. Xây dựng kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp, bài bản với sự tham gia của các ban ngành chức năng, các cơ sở giáo dục và đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội về các hoạt động của ngành.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo cụ thể các nhiệm vụ thành từng chương trình hành động, trong đó xác định rõ công việc, mục tiêu phải đạt được trong từng thời gian cụ thể và phân công, phân nhiệm rõ ràng. Theo đó, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chương trình hành động năm học, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.
2. Các phòng Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016 - 2017 ở địa phương và tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của Bộ và của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chủ động, sáng tạo, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2016 - 2017.
3. Cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan quản lý giáo dục các cấp; nhà giáo ở các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục khác quán triệt thực hiện Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2016 thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017 tại thành phố Hồ Chí Minh
- 2Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 3Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 4Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ
- 5Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2017 về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2017-2018 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 1Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2016 thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017 tại thành phố Hồ Chí Minh
- 2Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 3Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục và đào tạo năm học 2016-2017 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 4Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ
- 5Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2017 về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2017-2018 do tỉnh Bắc Giang ban hành
Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục đào tạo Thái Bình năm học 2016-2017 và các năm tiếp theo
- Số hiệu: 18/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/09/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Nguyễn Hồng Diên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/09/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực