Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 6 năm 1989 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1990
Năm 1990 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 1986-1990, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IV, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho kế hoạch 1991-1995. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, việc xây dựng kế hoạch cần nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong việc đổi mới công tác quản lý, bảo đảm phát triển sản xuất, lưu thông phân phối, ổn định đời sống xây dựng văn hóa xã hội tiến bộ, an ninh, trật tự được giữ vững. Trên tinh thần đó, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp lãnh đạo tổ chức xây dựng kế hoạch năm 1990 theo phương hướng, tiến độ như sau :
I- TƯ TƯỞNG, CHỈ ĐẠO :
1- Năm 1990, thành phố sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những mặt mất cân đối lớn về vốn, ngân sách, ngoại tệ, tiền mặt, vật tư… nhưng cũng xuất hiện những thuận lợi và nhân tố mới như cơ chế chính sách kinh tế của Trung ương tiếp tục được tháo gỡ, nguồn năng lượng bổ sung của thủy điện Trị An, nhiều công trình mới được đưa vào hoạt động, năng lực các thành phần kinh tế tiếp tục mở rộng, nguồn vật tư, nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất trong nước có khả năng tăng nhiều, các đơn vị điển hình tiên tiến với cách làm ăn mới có hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Trong tình hình và điều kiện đó, các ngành và quận huyện cần khẳng định việc xây dựng kế hoạch 1990 phải theo tinh thần đổi mới của Đảng, cách mạng cả quan điểm và cách làm kế hoạch, tổ chức xây dựng kế hoạch ở đơn vị cơ sở, các xí nghiệp và cơ sở phải chủ động tính toán lập kế hoạch tự cân đối, tự chủ sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính, kế hoạch phải gắn với thị trường. Các cấp, các ngành chủ quản và tổng hợp thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước tạo đủ điều kiện cho cơ sở nắm bắt được kịp thời về yêu cầu và nguồn khả năng của Nhà nước. Các ngành và quận huyện cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và thông báo Hội nghị Thành ủy lần thứ 10, đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay để tập trung giải quyết những vấn đề thiết yếu, động viên mọi tiềm năng sử dụng và phát huy năng lực của cả 5 thành phần kinh tế. Đón bắt thời cơ thuận lợi mới nhằm vào việc ổn định và phát triển sản xuất, điều hòa phân phối lưu thông, kềm giữ giá cả, ổn định đời sống nhân dân, cân đối được ngân sách đưa nền kinh tế - xã hội thành phố tiến lên một bước mới, tạo tiền đề cho kế hoạch 5 năm 1991-1995 được tươi sáng hơn.
2- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1990 cần được hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây :
- Phát triển các ngành kinh tế - xã hội phải lấy chất lượng, năng suất và hiệu quả làm nhiệm vụ hàng đầu.
Cùng với việc huy động năng lực các ngành kinh tế quốc dân, phải củng cố và phát triển các đơn vị kinh tế quốc doanh, thực hiện nghiêm túc chế độ hạch toán kinh tế và quyền tự chủ của đơn vị cơ sở, tạo điều kiện cho kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của thành phố.
Xây dựng kế hoạch năm 1990 phải nhằm vào việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của thành phố : chương trình lương thực, thực phẩm, chương trình hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng, lưu thông phân phối, chương trình năm du lịch, chương trình xã hội và một phần cho việc xây dựng cấu trúc hạ tầng cơ sở.
- Tiếp tục giải phóng năng lực sản xuất trong các thành phần kinh tế, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của các đơn vị cơ sở, của ngành trên địa bàn thành phố theo định hướng cơ cấu kinh tế thích hợp, thực hiện đầu tư chiều sâu, hiện đại và đồng bộ hóa các quy trình công nghệ bằng nhiều nguồn vốn thu hút được, đẩy mạnh việc tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, nghiên cứu đề xuất chế độ bảo hiểm cho sản xuất để sản xuất ổn định và phát triển.
- Chuyển mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại bằng cách đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mặt hàng, đồng thời tạo mặt hàng chủ lực xuất khẩu của thành phố mở rộng thị trường để xuất khẩu nhiều hơn, bảo đảm nhập khẩu vật tư nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng và phục vụ đời sống nhân dân, nâng cao giá trị hàng xuất bằng cách tăng tỷ lệ hàng chế biến, hạn chế xuất hàng thô, mở rộng các dịch vụ có thu ngoại tệ (du lịch, kiều hối…), tạo sự hấp dẫn cần thiết để thu hút nguồn vốn và kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài, tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật với Liên Xô, Lào, Cămpuchia và các nước xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng cơ chế quản lý tài chính với chính sách phân phối thu nhập quốc dân hợp lý và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, vật tư, lao động, ưu tiên tập trung các điều kiện vật chất này vào các mục tiêu quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao. Có các chính sách đòn bẩy về tài chính nhằm tạo thêm những tác động thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích mọi đơn vị làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách, xây dựng ngân sách để đảm bảo công bằng thu chi phấn đấu có mức dự trữ… phải trên cơ sở phát triển sản xuất là chủ yếu, ra sức tạo nguồn thu mới mà không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân lao động. Đồng thời triệt để tiết kiệm trên mọi phương diện, phấn đấu đưa tới ổn định tài chính thành phố và có bội thu ngân sách.
- Hoạt động khoa học kỹ thuật phải phục vụ cho sản xuất phát triển, phục vụ cho 3 chương trình kinh tế và chương trình xã hội của thành phố phấn đấu để tiến kịp đà phát triển khoa học kỹ thuật của thế giới, chuyển dần các hoạt động khoa học kỹ thuật sang hạch toán kinh doanh, kinh phí thuộc ngân sách thành phố cấp chỉ dành cho nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội, khoa học quản lý kinh tế và hỗ trợ một phần cho khoa học ứng dụng.
- Đẩy mạnh công tác quy hoạch theo ngành, theo lãnh thổ, theo vùng trên phạm vi địa bàn thành phố, quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các đơn vị trung ương và các tỉnh đóng tại thành phố, từ đó tổ chức sắp xếp sản xuất kinh doanh, xây dựng, dịch vụ…
- Nhanh chóng xác định rõ chức năng quản lý Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh, xoá bỏ các tổ chức trung gian không hợp lý, đổi mới công tác quản lý cán bộ nhằm lựa chọn, đào tạo và sử dụng những cán bộ có phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
- Tiếp tục đổi mới về cơ chế quản lý, nghiên cứu ban hành các chế độ pháp quy như : chế độ thống kê - kế hoạch kinh tế, lãi suất cho vay, thu và chi ngân sách, tiền lương, bảo hiểm sản xuất kinh doanh, phương pháp kế hoạch hóa, sử dụng lao động… cho phù hợp với tình hình của thành phố.
II- TỔ CHỨC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH :
1/ Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm thông báo các thông tin hướng dẫn của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các dự kiến về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch 1990 đã được Ủy ban nhân dân thành phố thông qua và hướng dẫn phương pháp kế hoạch hóa cho các sở, ban, ngành, quận, huyện tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch đến tận đơn vị cơ sở.
2/ Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Sở Kinh tế đối ngoại, Công ty vật tư tổng hợp, Ủy ban Vật giá, Cục Thống kê, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Trọng tài kinh tế thành phố… triển khai ngay việc đặt mối quan hệ mật thiết với hộ chủ quản, các Bộ chuyên ngành có liên quan, nắm bắt các khả năng vật chất của Trung ương có thể dành cho thành phố và thông báo ngay các số liệu và những thông tin đã được dự kiến về : thu chi ngân sách, cân đối tín dụng, sửa đổi lãi suất, nguồn ngoại tệ, vật tư nguyên liệu, vấn đề giá và thuế, các hợp đồng kinh tế sơ bộ… và hướng dẫn phần nghiệp vụ của ngành mình cho các sở, ban, ngành, quận, huyện để tạo sự cân đối toàn diện đồng bộ ban đầu cho các mặt kế hoạch.
3/ Căn cứ vào tinh thần chỉ thị này, vào các thông tin và sự hướng dẫn của Ủy ban Kế hoạch thành phố, của các cơ quan chức năng tổng hợp, các sở, cơ quan ngang sở, Ủy ban nhân dân quận-huyện chỉ đạo tổ chức hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các thành phần kinh tế xây dựng kế hoạch 1990, đồng thời tổng hợp cân đối thành phương án kế hoạch toàn diện của ngành, quận, huyện gởi lên thành phố theo tiến độ đã quy định ở phần (III).
4/ Trong quá trình xây dựng kế hoạch, Ủy ban Kế hoạch thành phố, Sở Tài chính, Ngân hàng thành phố, Ủy ban Vật giá, Cục Thống kê, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Trọng tài Kinh tế… cử người trực tiếp giúp đỡ các sở, quận, huyện và cơ sở xây dựng tốt phương án kế hoạch theo đúng tinh thần của chỉ thị này.
5/ Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề, thủ trưởng đơn vị một mặt phải phấn đấu tổ chức thực hiện bảo đảm hoàn thành kế hoạch cả năm 1989, mặt khác phải quan tâm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch 1990 có bộ phận cán bộ chuyên lo nghiên cứu nắm bắt thị trường, giá cả, tìm nguồn cân đối sản xuất tiêu thụ sản phẩm thật sự đổi mới cung cách kinh doanh tạo ra bước chuyển biến mới thật sự cho năm 1990 và chuẩn bị cho kế hoạch 1991-1995.
III- TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP KẾ HOẠCH :
- Cuối tháng 6/1989, tổ chức Hội nghị Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn các sở, ban, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch 1990.
- Từ sau Hội nghị đến 15/7/1989 các sở, quận, huyện và các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố nghiên cứu tổ chức hướng dẫn ngay cho các đơn vị cơ sở, các thành phần kinh tế xây dựng kế hoạch, đồng thời chỉ đạo cơ sở ký kết hợp đồng sơ bộ đối với những đơn vị tiếp xúc được khách hàng.
- Ngay trong tháng 7 các sở, quận huyện cần thống nhất với các đơn vị cơ sở trọng điểm tính toán lên phương án sơ bộ về kế hoạch 1990 và gửi ngay cho Ủy ban Kế hoạch thành phố để kịp tổng hợp làm báo cáo gởi ra Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (theo yêu cầu của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng thành phố phải gởi báo cáo kế hoạch 1990 vào ngày 10/8/1989).
- Từ 16/7/1989 đến 30/8/1989 : các đơn vị cơ sở thuộc các thành phần kinh tế xây dựng xong kế hoạch và gởi lên Sở chủ quản, quận, huyện.
- Tháng 9/1989 các sở, quận huyện và cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp cân đối thành dự án kế hoạch ngành và kế hoạch của quận, huyện gởi về Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Kế hoạch thành phố chậm nhất vào ngày 30/9/1989.
- Tháng 10/1989 :
Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức nghe một số sở, quận, huyện báo cáo kế hoạch. Lần này Thường Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Kế hoạch thành phố không tổ chức bảo vệ kế hoạch như mọi năm, chỉ tổ chức nghe báo cáo phương án kế hoạch của một số ngành quan trọng và một số quận huyện trọng điểm. Các kế hoạch còn lại giao cho các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách khối xem xét và có ý kiến trước khi gởi dự án kế hoạch lên Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Kế hoạch thành phố.
Ủy ban Kế hoạch thành phố tổng hợp lên các phương án phát triển kinh tế - xã hội năm 1990 trên địa bàn thành phố và báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân trước khi gởi ra Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
- Tháng 11 và tháng 12/1989 sau khi làm việc với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng kết hợp với việc tổng hợp kế hoạch từ cơ sở của các sở, ngành, quận, huyện, Ủy ban Kế hoạch thành phố bổ sung hoàn chỉnh lại phương án kế hoạch của thành phố, báo cáo ra Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố - Ban Thường vụ Thành ủy và tổ chức tạm giao kế hoạch 1990 cho các sở, ngành, quận, huyện để các sở, ngành, quận, huyện giao cho cơ sở trước 20/12/1989.
Ủy ban Kế hoạch thành phố tiếp tục tu chỉnh lại kế hoạch để trình Ban chấp hành Đảng bộ thành phố - Hội đồng nhân dân thành phố xét duyệt và chuẩn bị cho Ủy ban nhân dân thành phố giao chính thức kế hoạch 1990 cho các sở, quận, huyện vào giữa tháng 2/1990.
Năm 1990, Ủy ban nhân dân thành phố không giao kế hoạch trực tiếp cho một số đơn vị cơ sở như năm 1989, vì qua thí điểm xét thấy chưa cần thiết. Các sở, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận -huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố phần kế hoạch của các đơn vị cơ sở trực thuộc và các phần kế hoạch khác do mình trực tiếp quản lý.
Các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành thuộc khối mình phụ trách bảo đảm xây dựng và tổng hợp kế hoạch theo đúng nội dung và tiến độ quy định. Ủy ban Kế hoạch thành phố cùng các cơ quan tổng hợp và các cơ quan có liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi và kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc cho các sở, ngành, quận, huyện và cơ sở trong quá trình xây dựng và tổng hợp kế hoạch, bảo đảm kế hoạch năm 1990 có căn cứ vững chắc để thực hiện.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 18/CT-UB năm 1989 về xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1990 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 18/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/06/1989
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra