Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 18/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 03 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ CÁC TRƯỜNG GIÁO DỤC LAO ĐỘNG CÔNG NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG TÁC XÉT DUYỆT BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG

Thi hành Quyết định số 333/QĐ-UB ngày 14-12-1979 và các văn bản hướng dẫn của UBND Thành phố, công tác giáo dục bắt buộc lao động ở Thành phố đã có nhiều tiến bộ. Hệ thống Trường đã được mở rộng, nhiều Trường đã được cấp ủy, UBND quận huyện, thủ trưởng các ngành quan tâm chỉ đạo, đưa nội dung hoạt động của Trường ngày càng đi vào chiều sâu của công tác giáo dục lao động cải tạo ; cơ sở vật chất của nhiều Trường khang trang hơn ; sản xuất của Trường được đầu tư có kế hoạch, tăng thu nhập cải thiện một bước đời sống của học viên. Việc xét duyệt đưa người đi giáo dục lao động tập trung được chặt chẽ, có nề nếp hơn. Tình trạng giữ người quá hạn đã giảm nhiều, việc xét duyệt hết hạn, cho về trước thời hạn đối với người học tập lao động tiến bộ được dựa vào tập thể trên cơ sở bình xét của anh chị em học viên đã nâng thêm trách nhiệm của học viên, động viên người tốt việc tốt.

Tuy nhiên, sự tiến bộ của các Trường chưa đều, nhiều Trường còn có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống, công tác giáo dục, tổ chức sản xuất chưa tốt… do đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà Trường chưa được củng cố, cấp ủy - UBND quận huyện và thủ trưởng một số ngành chưa quan tâm chỉ đạo, chưa phân công người chuyên trách, chưa thông qua kế hoạch đầu tư, chưa kiểm tra thực tế giúp đỡ Trường giải quyết khó khăn.

Công tác giáo dục người chậm tiến, giáo dục cải tạo lao động đối loại người tệ nạn xã hội còn lâu dài và có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội ; thể hiện trách nhiệm, tính nhân đạo, tình thương của Đảng - Nhà nước ta, của chế độ mới xã hội chủ nghĩa.

Qua kiểm tra xem xét tình hình thực tế và sau khi nghiên cứu trao đổi với các ngành liên quan, UBND Thành phố chỉ đạo như sau :

1. Cần xác định đối tượng để có nhận thức và thái độ đúng đắn trong quản lý giáo dục :

Theo Quyết định 333/QĐ-UB của UBND Thành phố, đối tượng ta đưa vào các trường giáo dục lao động công nông nghiệp là những phần tử thuộc loại tệ nạn xã hội (xì ke ma túy, gái điếm…), người có sức lao động, người vi phạm trật tự công cộng hoặc phạm pháp nhưng chưa đến mức độ truy tố trước pháp luật, chưa đến mức phải xử lý bằng biện pháp tập trung cải tạo. Nói chung đối tượng này là người chậm tiến mà xã hội cần tập trung giáo dục, nhưng họ không phải là phạm nhân, họ vẫn còn quyền công dân.

Cần xác định rõ tính chất như vậy để trong chỉ đạo, trong tổ chức quản lý, giáo dục có thái độ, chính sách đúng đắn. Chính sách của ta là giáo dục bằng biện pháp học tập và lao động nhằm giúp cho họ thấy lỗi lầm, chịu lao động và quý trọng lao động, sống và làm ăn chánh đáng, trở thành người công dân tốt. Cán bộ hoạt động ở Trường giáo dục lao động công nông nghiệp phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, thật sự gương mẫu, nêu cao trách nhiệm và tình thương, thuyết phục và cảm hóa họ, luôn tôn trọng và nâng cao tính tự giác của mỗi người, phát huy vai trò làm chủ tập thể của họ trong tổ chức quản lý giáo dục, sản xuất cải thiện đời sống.

2. Kiểm tra, củng cố và tăng cường chỉ đạo các Trường giáo dục lao động công nông nghiệp .

Chủ tịch UBND quận huyện và Thủ trưởng các ngành có Trường giáo dục lao động công nông nghiệp cần kiềm tra, có kế hoạch củng cố các Trường một cách toàn diện: tổ chức cán bộ, kế hoạch học tập giáo dục, kế hoạch học tập giáo dục, kế hoạch sản xuất, chăm sóc đời sống… và thường xuyên chỉ đạo, giúp Trường giải quyết kịp thời các khó khăn để Trường hoạt động có hiệu quả. Mỗi quận huyện và ngành có Trường cần phân công một đồng chí Phó Chủ tịch, một đồng chí trong Ban lãnh đạo ngành phụ trách theo dõi công tác của Trường như các mặt công tác khác.

UBND huyện Duyên Hải, nơi có nhiều Trường giáo dục lao động công nông nghiệp của các quận và các ngành cần tổ chức định kỳ các cuộc sinh hoạt với các Trường để kiểm điểm giải quyết kịp thời mối quan hệ giữa Trường với địa phương và việc tổ chức sản xuất xây dựng cơ sở kinh tế lâu dài ở Duyên Hải. Các Trường đứng trên địa bàn Duyên Hải cũng như trên các địa phương khác phải thường xuyên liên hệ, báo cáo tình hình, tranh thủ sự giúp đỡ của địa phương, tôn trọng kỷ luật địa phương.

Sở Thương binh xã hội, cơ quan chức năng được UBND Thành phố phân công theo dõi chỉ đạo các Trường (thay cho Ban Giáo dục lao động trước đây) cần có kế hoạch nắm tình hình, chỉ đạo nội dung hoạt động, giúp Trường giải quyết khó khăn, kịp thời phát hiện những việc làm tốt, những điển hình tốt, những việc chưa tốt, rút kinh nghiệm phổ biến chung và thường xuyên báo cáo cho UBND Thành phố.

3. Tổ chức công tác xét duyệt bắt buộc giáo dục lao động tập trung và phân cấp ra quyết định :

Người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung tuy chưa mất quyền công dân, chưa chịu trách nhiệm về hình sự trước pháp luật những do lỗi lầm và qua nhiều lần giáo dục, chưa chịu sửa chữa nên bị sử lý hành chánh, bị hạn chế một số quyền nhứt định trong thời gian bị bắt buộc giáo dục tập trung. Do đó việc phân loại đối tượng, xét duyệt đối tượng cần chặt chẽ, khách quan, đảm bảo đúng người, đúng lỗi, đúng chính sách và đủ thủ tục theo quy định. Chỉ bắt buộc giáo dục lao động tập trung đối với người không có khả năng giáo dục cải tạo tại chỗ, còn nói chung nên áp dụng rộng rãi và có hiệu quả hình thức giáo dục cải tạo tại chỗ, vừa đảm bảo sinh hoạt bình thường của gia đình, vừa qua gia đình, đoàn thể, tổ dân phố giáo dục đối tượng như nhiều địa phương đã thực hiện có kết quả.

Căn cứ tính chất của đối tượng bao gồm nhiều loại, rút kinh nghiệm xét duyệt và giáo dục vừa qua, UBND Thành phố tạm quy định như sau :

a) Đối người đang cư ngụ tại địa phương, đã phạm nhiều lỗi, đã qua giáo dục nhiều lần mà không chịu sửa chữa, xét thấy cần thiết phải bắt buộc giáo dục lao động tập trung thì Công an phường, xã lập hồ sơ đưa ra Hội đồng xét duyệt địa phương xem xét và trình Chủ tịch UBND quận huyện quyết định.

Chủ tịch UBND Thành phố ủy nhiệm Chủ tịch UBND quận huyện ký quyết định số đối tượng này.

b) Đối với số vi phạm trật tự công cộng, tệ nạn xã hội do Công an địa phương (quận huyện) tạm giữ, thì cần phân loại sớm theo thời gian quy định và giải quyết như sau :

- Trả tự do số oan sai hoặc giáo dục trả tự do số chưa cần thiết phải áp dụng hình thức cải tạo.

- Trả tự do và thông báo về địa phương số cần thiết giáo dục cải tạo tại chỗ.

- Lập hồ sơ, báo cáo Chủ tịch quận huyện xem xét và quyết định số cần thiết phải bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

Chủ tịch UBND Thành phố ủy nhiệm Chủ tịch UBND quận huyện ký quyết số đối tượng này .

c) Đối với số vi phạm trật tự công cộng, tệ nạn xã hội, giựt dọc do các đơn vị Công an thành phố bắt giữ, thu gom trong các đợt, Công an thành phố cần chỉ đạo các đơn vị phân loại và giải quyết sớm theo điểm b trên. Số cần thiết phải bắt buộc giáo dục lao động tập trung. Công an thành phố lập hồ sơ và Giám đốc Công an thành phố đề nghị để Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, ra quyết định.

4. Thực hiện đúng quy định về thời hạn bắt buộc giáo dục tập trung, việc xét cho về trước thời hạn và kéo dài thêm thời hạn :

Chủ tịch UBND quận huyện và thủ trưởng các ngành có Trường giáo dục lao động công nông nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo Ban Giám hiệu các Trường thực hiện đúng việc xem xét cho về gia đình số học viên ở Trường theo thời hạn đã ghi trong quyết định. Người học tập lao động tiến bộ, không vi phạm nội quy của Trường phải được cho về đúng hạn. Người lập thành tích trong thời gian học tập lao động ở Trường được xét cho về trước thời hạn. Người vi phạm nhiều lần nội quy của Trường, chây lười học tập lao động, trốn Trường bị kéo dài thời hạn.

Việc cho về đúng thời hạn do Ban Giám hiệu nhà trường quyết định và ký giấy xác nhận giới thiệu về địa phương. Việc cho về trước thời hạn hoặc kéo dài thời hạn do Ban Giám hiệu trường xét đề nghị cấp đã ra quyết định bắt buộc giáo dục lao động tập trung quyết định.

Mọi trường hợp giữ quá thời hạn, vì động cơ cá nhân xét đề nghị cho về trước thời hạn hoặc kéo dài thời hạn đều cần được xử lý theo quy định của Quyết định 333/QĐ-UB của UBND Thành phố.

Người hết hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung trở về được khôi phục ngay hộ khẩu với gia đình và địa phương cần giúp đỡ, tạo công ăn việc làm để ổn định đời sống.

Chủ tịch UBND quận huyện và thủ trưởng các ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả về UBND Thành phố (đồng gởi Sở Thương binh xã hội Thành phố).

Sở Thương binh xã hội, Công an thành phố và Văn phòng UBND Thành phố củng cố tốt bộ phận theo dõi các Trường giáo dục lao động công nông nghiệp, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng khác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện, hướng dẫn thực hiện tốt công tác bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/CT-UB năm 1985 về củng cố các Trường Giáo dục lao động công nông nghiệp và công tác xét duyệt bắt buộc giáo dục lao động tập trung do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 18/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/03/1985
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản