Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 18/CT-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một trong ba đột phá phát triển nhanh, bền vững đất nước đến năm 2020.

Để triển khai thực hiện đột phá về phát triển nhanh nguồn nhân lực đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành, địa phương mình. Các Quy hoạch phát triển nhân lực này là định hướng, căn cứ để tổ chức đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội, gắn kết giữa cung và cầu về nhân lực, hướng công tác đào tạo vào việc thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước và các Bộ, ngành, địa phương.

Trước bối cảnh và những yêu cầu đó, để triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 thực sự có hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Các Bộ, ngành:

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành đã phê duyệt:

a) Chỉ đạo lồng ghép các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển nhân lực vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của Bộ, ngành mình.

b) Chỉ đạo, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án cụ thể phát triển nhân lực của Bộ, ngành.

c) Chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của Bộ, ngành, kết nối với hệ thống dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia.

d) Chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các Bộ, ngành cần thường xuyên rà soát để bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển của các cơ sở đào tạo do Bộ, ngành quản lý phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước, các ngành và địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng các cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực trước mắt và lâu dài.

e) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo do Bộ, ngành quản lý thực hiện việc rà soát, đánh giá các điều kiện tổ chức đào tạo, chương trình và kế hoạch phát triển đào tạo; thực hiện tốt việc công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn thu, chi tài chính, đội ngũ giáo viên, giảng viên và sớm hoàn thành việc xây dựng, công bố chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo; đẩy mạnh đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học. Chủ động tổ chức xây dựng và ban hành các cơ chế, quy định nhằm gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng, thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào công tác đào tạo nhân lực cho Bộ, ngành mình. Hình thành cơ quan chuyên trách giúp chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội thuộc phạm vi Bộ, ngành quản lý.

g) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng khung các trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, hình thành các trung tâm đánh giá và công nhận kỹ năng nghề cho người lao động; hình thành các Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và trung cấp nghề, chú trọng đối với những ngành, nghề đào tạo về kỹ thuật và công nghệ, tài chính, ngân hàng, nông lâm ngư, khoa học xã hội, sư phạm, y tế.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước trước ngày 30 tháng 6 năm 2012.

b) Chỉ đạo lồng ghép các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như chương trình, kế hoạch 5 năm và hàng năm của địa phương.

c) Chỉ đạo, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án cụ thể phát triển nhân lực của địa phương nêu trong Quy hoạch phát triển nhân lực.

d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương, kết nối với hệ thống dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia.

đ) Chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần thường xuyên rà soát để bổ sung Quy hoạch cho phù hợp vói tình hình thực tế.

e) Chỉ đạo hình thành Hội đồng đào tạo nhân lực tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đứng đầu, có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các sở, ban ngành liên quan để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong công tác đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương. Chủ động bố trí quỹ đất để xây dựng, mở rộng các cơ sở đào tạo, đáp ứng yêu cầu về quy mô, chất lượng và phù hợp với đặc thù của ngành, vùng, địa phương.

g) Phối hợp với các Bộ, ngành trong việc phê duyệt các chương trình, dự án trọng điểm phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương; triển khai có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ nhân lực, bảo đảm điều kiện về nhà ở, trường học, bệnh viện và các điều kiện khác đáp ứng nhu cầu của người lao động; có chính sách thu hút nhân lực cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.

h) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới chung các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong cả nước; thành lập các Hội đồng chuyên gia theo ngành đào tạo của địa phương hoặc vùng; phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo về công tác đào tạo, mở ngành, nghề trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trong các cơ sở đào tạo trên địa bàn.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển nhân lực phục vụ giám sát thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2012.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành soạn thảo Thông tư liên bộ hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực cả nước, các Bộ, ngành và địa phương, ban hành trong quý III năm 2012.

c) Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển nhân lực vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như chương trình, kế hoạch 5 năm và hàng năm của Bộ, ngành, địa phương.

d) Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành và địa phương, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

đ) Chỉ đạo việc đổi mới công tác thống kê theo hướng bổ sung, mở rộng, chi tiết hóa một số chỉ tiêu thống kê về nhân lực, tiến tới xây dựng bộ dữ liệu thống kê hoàn chỉnh về nhân lực của cả nước.

e) Tổ chức xây dựng và vận hành hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia đảm bảo tính kết nối, thông suốt về thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

g) Nâng cấp, duy trì hoạt động một cách ổn định, cập nhật cả về nội dung và hình thức của trang thông tin điện tử, đảm bảo là kênh thông tin, tuyên truyền, quảng bá chính thức của Nhà nước về nhân lực.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Khẩn trương hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch sau khi được phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, trong đó tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Bộ chỉ số phát triển nhân lực và sáng tạo của Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các đề án về đào tạo nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực ưu tiên như: Quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, Luật quốc tế, Khoa học và Công nghệ, Y tế và chăm sóc sức khỏe, Tài chính, Ngân hàng, Du lịch, Kinh tế biển, Năng lượng và Môi trường. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận và xử lý thông tin từ Trung tâm quốc gia về Dự báo và Thông tin thị trường lao động để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến công tác đào tạo nhân lực; xây dựng các tiêu chí và chỉ số đánh giá kết quả của công tác đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch sau khi được phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề; thông tin hàng năm cho xã hội về hiệu quả học nghề, trong đó có thông tin về dạy nghề theo nhu cầu xã hội.

c) Tiếp tục đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956). Nhân rộng các mô hình dạy nghề hiệu quả; chú trọng việc đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp hoặc các đơn vị sử dụng lao động. Chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác đánh giá tình hình triển khai các đề án dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên, phụ nữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

d) Tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; bổ sung nhiệm vụ cho các Trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương để các Trung tâm này trở thành nơi cung cấp thông tin về lao động, việc làm, nhu cầu đào tạo cho doanh nghiệp, người học, cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

đ) Xây dựng cơ chế, chính sách huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và đào tạo lại cho người lao động trong các doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và công bố danh mục một số nghề bắt buộc phải qua đào tạo trước khi hành nghề trong xã hội; xây dựng bảng phân loại danh mục nghề nghiệp để làm cơ sở cho công tác dự thảo, thông tin thị trường lao động.

6. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp thực hiện đào tạo nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu phát triển của xã hội.

b) Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn việc hình thành cơ chế huy động nguồn lực tài chính và tiếp nhận hỗ trợ tài chính của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho các cơ sở đào tạo nhân lực; hình thành và quản lý các quỹ đào tạo nhân lực ở Trung ương và địa phương phù hợp với quy địnhh của pháp luật; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính ưu tiên, khuyến khích học sinh, sinh viên theo học những ngành học mà xã hội có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh để đảm bảo sự cân đối về cơ cấu nhân lực.

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và hoàn thiện Thông tư liên bộ hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời cân đối và phân bổ nguồn vốn đảm bảo cho đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển của xã hội đến năm 2015 và 2020.

7. Các cơ sở đào tạo:

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam; Quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương; thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thông tin và dự báo về thị trường lao động để xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo cho phù hợp.

8. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động:

a) Xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển nhân lực của đơn vị mình. Chủ động bố trí nguồn lực của doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực giai đoạn 2011 - 2015; rà soát các hợp đồng đào tạo nhân lực đã ký kết với các cơ sở đào tạo trong những năm qua, đánh giá chất lượng của học sinh, sinh viên tốt nghiệp để cung cấp ý kiến phản hồi tới cơ sở đào tạo.

b) Tiếp tục xây dựng, tăng cường hợp tác với cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu trong các hoạt động đào tạo, xác định nhu cầu nhân lực, huy động và chia sẻ nguồn lực, kinh phí cùng với các cơ sở đào tạo để đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu; phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng các chuẩn đầu ra của ngành, nghề đào tạo.

c) Hợp tác, hỗ trợ cơ sở đào tạo về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở thực tập, thực tế cho học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo.

9. Chế độ báo cáo:

Căn cứ Chỉ thị này, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai và báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực và Đào tạo theo nhu cầu xã hội để theo dõi và tổng hợp trước ngày 30 tháng 9 hàng năm./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2012 triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 18/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/05/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 389 đến số 390
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản