Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/BYT/CT

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ NGƯỜI BỆNH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của nhân dân về tinh thần thái độ và chất lượng phục vụ người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh, để khắc phục những khuyết điểm và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh trong tình hình hiện nay, Bộ yêu cầu các Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các ngành, các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện phải thực hiện các việc sau đây:

I- NÊU CAO TINH THẦN THÁI ĐỘ PHỤC VỤ NGƯỜI BỆNH

1. Tận tuỵ, nhiệt tình, toàn tâm toàn ý phục vụ người bệnh trong việc khám, chữa bệnh và cung cấp thuốc men.

2. Thái độ đối xử với người bệnh phải hoà nhã, tôn trọng, kiên trì giải thích những vướng mắc của bệnh nhân. Không được cửa quyền, cáu gắt hoặc thờ ơ, coi thường người bệnh và người nhà bệnh nhân.

3. Cấm các hiện tượng hối lộ, đút lót, móc ngoặc, gợi ý để người nhà bệnh nhân tổ chức chiêu đãi trước khi nhận hay làm các thủ thuật cho bệnh nhân.

4. Cấm uống rượu trong giờ làm việc, cấm hút thuốc trong khi làm chuyên môn kỹ thuật, khi khám bệnh, khi cấp phát thuốc.

5. Phải bảo đảm an toàn điều trị không để xảy ra tai biến gây tử vong, tàn phế cho bệnh nhân do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc không thực hiện nghiêm chỉnh chức trách chế độ chuyên môn.

II- TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KHÁM, CHỮA BỆNH

1. Phát triển chữa bệnh ngoại trú cả về số lượng và chất lượng tại các viện có giường bệnh, bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, bao gồm các chuyên khoa, các bệnh xã hội:

- Tính 10% số giường nội trú thành giường ngoại trú (kinh phí 1 giường nội trú chuyển thành 3 giường ngoại trú).

Những bệnh nhân chữa ngoại trú phải bảo đảm đúng quy định; có hồ sơ bệnh án, có kế hoạch điều trị, thầy thuốc theo dõi định kỳ, có ghi theo dõi và chỉ định vào bệnh lịch, có tổng kết bệnh án và đánh giá kết quả điều trị.

- Hết sức coi trọng điều trị ngoại trú bằng các phương pháp phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt...

2. Thầy thuốc khám bệnh, cho đơn thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày, chỉ sử dụng thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành theo khả năng hiện có của hiệu thuốc thông báo, cho thuốc điều trị bệnh chính, nếu cần thiết chỉ cho 1 loại thuốc hỗ trợ tăng lực.

3. Tổ chức tốt việc phục vụ đối với những người có tuổi trong diện chính sách hoặc cán bộ hưu trí:

- Cần có bàn khám riêng tại các phòng khám.

- Có kế hoạch phân công y, bác sĩ có trách nhiệm điều trị ngoại trú tại nhà cho một số đối tượng và địa điểm nhất định.

- Các bệnh viện tuyến tỉnh, thành cần tổ chức đơn nguyên điều trị riêng cho các đối tượng trên, trong khoa cán bộ.

4. Các bệnh viện miền núi, các phòng khám đa khoa khu vực, ngoài việc tăng cường khám bệnh cho nhân dân trong khu vực, cần tăng cường công tác ngoại viện, tổ chức những đội khám, chữa ngoại trú tại nhà theo từng thời gian và mô hình bệnh tật của địa phương.

5. Khi bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu đến bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào, cũng phải khám và xử trí ngay, khi bệnh nhân hết nguy kịch mới được chuyển theo tuyến.

III- THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 72-CT NGÀY 25- 3- 1986 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VÀ THÔNG TƯ LIÊN BỘ Y TẾ - TÀI CHÍNH SỐ 13-TT/LB NGÀY 15-7-1986 HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TIỀN THUỐC VÀ TIỀN ĂN CHO NGƯỜI BỆNH TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CỦA NHÀ NƯỚC.

1. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc theo đơn, đúng đối tượng và tiêu chuẩn quy định.

2. Quản lý chặt chẽ thuốc trong chế độ trợ cấp theo Quyết định số 72-CT ngày 25-3-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

3. Nhân viên y tế khi chữa bệnh ngoại trú phải bảo đảm thủ tục quy định (như điểm 1, phần II trong Chỉ thị này).

4. Xí nghiệp liên hợp dược có kế hoạch tổ chức quầy thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ bệnh nhân đến khám bệnh được mua thêm các loại thuốc hỗ trợ, hoặc các bệnh nhân không thuộc diện được cấp thuốc, không phải đi xa. Các hiệu thuốc tỉnh và huyện cần tổ chức sản xuất túi băng rốn vô trùng để bán cho các xã và nhân dân đề phòng nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh.

5. Các bệnh viện đều phải tự pha chế Oresol, hoá chất chủ yếu sẽ do Liên hiệp các xí nghiệp dược cung cấp. Loại túi Oresol đóng sẵn chỉ dành sử dụng cho tuyến y tế cơ sở.

6. Các viện có giường bệnh, bệnh viện, nhà điều dưỡng, nhà hộ sinh phải bảo đảm chế độ ăn bệnh lý và nước uống cho bệnh nhân. Thực hiện tốt việc tổ chức phục vụ bệnh nhân ăn uống hàng ngày theo mức tiền ăn quy định.

7. Các đơn vị phải tổ chức căng tin, dịch vụ để phục vụ thêm cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân như đổi cơm, bán quà sáng, thức ăn, bếp đun nấu thêm, các vật dụng phục vụ sinh hoạt khác.

- Riêng đối với việc phục vụ bệnh nhân ăn uống cần điều bớt nhân viên khoa dinh dưỡng ra làm và không tính lãi.

- Không đặt căng tin nơi cổng ra vào để bảo đảm vệ sinh và an toàn cho bệnh viện.

Nhận được Chỉ thị này, các Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương phải:

- Phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị học tập và thực hiện nghiêm túc.

- Hàng quý phải tổ chức kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị và báo cáo cấp trên.

- Xử lý nghiêm minh khi có những trường hợp vi phạm.

 

 

Đặng Hồi Xuân

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/BYT/CT năm 1986 về nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình hiện nay do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 18/BYT/CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/09/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đặng Hồi Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản