Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2010/CT-UBND

Hải Dương, ngày 07 tháng 9 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, GIÁO DỤC GIÚP ĐỠ TRẺ EM HƯ, TRẺ EM LÀM TRÁI PHÁP LUẬT TẠI CỘNG ĐỒNG

Trong những năm qua, công tác quản lý, giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế sự gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên do sự tác động tiêu cực của mặt trái đời sống xã hội, sự thiếu quan tâm chăm sóc, dạy dỗ của gia đình, nhà trường, của các tổ chức đoàn thể xã hội. Mặt khác một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng, chưa coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Việc tổ chức thực hiện công tác này còn mang tính hình thức, thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể.

Để đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng, Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo lực lực lượng Công an phối hợp các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

a) Tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng không phải là trách nhiệm của riêng một ngành, một cấp mà là trách nhiệm chung của toàn thể hệ thống chính trị và xã hội.

b) Xây dựng mối quan hệ phối hợp và các hình thức hoạt động thích hợp trong việc tổ chức quản lý giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật với phương châm: Lấy gia đình có trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật là nhân tố trung tâm quyết định trong việc thực hiện quản lý, giáo dục; cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhà trường ở địa phương là nhân tố quan trọng trong việc tạo ra môi trường lành mạnh để giúp các em sửa sai, tiến bộ. Kịp thời có các hình thức biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng.

c) Gắn việc thực hiện công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" với việc thực hiện các cuộc vận động khác. Xây dựng tiêu chí trong giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng tiến bộ là một chỉ tiêu cụ thể trong tiêu chuẩn xét công nhận các danh hiệu thi đua cấp cơ sở của các đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ.

d) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các ngành, tổ chức đoàn thể tại cơ sở thông qua việc phân công trách nhiệm cụ thể trong tiến hành các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy, chính quyền cơ sở nhằm khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quá trình tiến hành các biện pháp quản lý giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng. Việc thực hiện lấy nguyên tắc giáo dục thuyết phục là chính. Bên cạnh đó những trẻ em cá biệt đã được giáo dục nhiều lần song không có biểu hiện tiến bộ hoặc có hành vi làm trái pháp luật phải được xử lý kịp thời nhằm nâng cao tác dụng giáo dục trong cộng đồng.

2. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp công tác, phối hợp với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật; xây dựng và thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm của người vị thành niên; thông báo kịp thời cho gia đình, người quản lý, nhà trường, địa phương nơi cư trú các trường hợp trẻ em làm trái pháp luật để có các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp.

3. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền, lợi ích của trẻ em cho các đối tượng liên quan, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em; những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến công tác quản lý giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Quyết định 134/CP/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật và giáo dục, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan nghiên cứu, góp ý nhằm khắc phục sơ hở, thiếu sót và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực, tạo môi trường thân thiện để học sinh rèn luyện tiến bộ; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; chú trọng việc giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện các kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử, tự bảo vệ bản thân, ý thức tập thể cho học sinh trong nhà trường.

5. Tỉnh đoàn Thanh niên chỉ đạo các cấp đội, đoàn thanh niên trong các nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên cơ sở xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức các chương trình hoạt động bổ ích, lành mạnh để thu hút đông đảo các tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh tham gia, thông qua đó quản lý, giáo dục các em, góp phần phòng ngừa hiện tượng trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật.

6. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý con em mình; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục trẻ em. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể giúp đỡ số hội viên phụ nữ có con em bỏ học, bỏ nhà đi lang thang có nguy cơ vi phạm pháp luật để quản lý, giáo dục.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền bình đẳng và phòng chống bạo lực trong gia đình, làm giảm tới mức thấp nhất nguyên nhân dẫn tới trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật xuất phát từ các vụ bạo lực gia đình; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan Báo chí tuyên truyền, giáo dục giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình để gia đình thực sự là chỗ dựa tin cậy và an toàn cho các em.

8. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ về thông tin và truyền thông, chú trọng thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh đại lý Internet công cộng; kiểm soát chặt chẽ nội dung trò chơi trực tuyến có tác động tiêu cực tới tâm lý, hoạt động của trẻ em; các hoạt động kinh doanh về báo chí, xuất bản (bao gồm xuất bản in, phát hành xuất bản phẩm) dành cho trẻ em và liên quan đến trẻ em; xử lý nghiêm những hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin dành cho trẻ em có nội dung đồi trụy, kích động bạo lực, trái thuần phong mỹ tục.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tham gia thực hiện tốt nội dung tại khoản 1 của chỉ thị.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các ngành, các cấp triển khai thực hiện. Giao Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Công an và Ủy ban nhân tỉnh theo chế độ quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Cục kiểm tra văn bản- Bộ tư pháp;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VT, N.chính (55B).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/2010/CT-UBND đẩy mạnh việc thực hiện công tác quản lý, giáo dục giúp đỡ trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 18/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/09/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Thị Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản