Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2004/CT-BKHCN

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀQUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU.

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Trong những năm gần đây, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức thực thi quyền đã được đẩy mạnh. Hệ thống pháp luật ngày càng chặt chẽ, phù hợp thông lệ quốc tế, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ được nhanh chóng và đơn giản về thủ tục, nhiều hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bị xử lý.

Hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường được đẩy mạnh, công tác quản lý chất lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu được coi trọng đúng mức.

Bộ Khoa học và Công nghệ với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và các Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành nhiều hoạt động để công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và chất lượng hàng hoá ngày càng có hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác quản lý và thực thi đối với quyền sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Ban Công tác về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường và xuất, nhập khẩu ( dưới đây gọi tắt là Ban Công tác ) do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng Ban.

Tuy nhiên, trước tình hình vi phạm về sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường và hàng hoá xuất nhập khẩu còn phổ biến và có lúc, có nơi có vụ việc ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trí tuệ, quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp ở thị trường trong và ngoài nước, để chấn chỉnh tình trạng nêu trên và đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ và quản lý tốt chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong bối cảnh hội nhập, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ thị:

1. Vụ Pháp chế tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá; năng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này trong nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Sở Khoa học và Công nghệ; đồng thời có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng vai trò của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm huy động các thành phần xã hội tham gia hoạt động chống hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về sở hữu trí tuệ và chất lượng.

2. Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ và các Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch và triển khai mạnh mẽ, thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường và hàng hoá xuất, nhập khẩu.

3. Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng xây dựng đề án quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường và hàng hoá xuất, nhập khẩu. Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng đề án thực thi quyền sở hữu trí tuệ để Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khẩn trương tổ chức, triển khai hoạt động của Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Miền Trung và Miền Nam, hoàn thành trong năm 2004.

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ và Vụ Hợp tác Quốc tế phối hợp chuẩn bị các phương án để tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế trong hai lĩnh vực nêu trên.

4. Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế và Văn phòng Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Khoa học và Công nghệ, tạo điều kiện đảm bảo để công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong thời gian tới có hiệu quả.

5. Báo Khoa học và Phát triển, Tạp chí Hoạt động Khoa học, các tạp chí của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và của các Sở Khoa học và Công nghệ có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, phổ biến quy định và tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, thường xuyên đưa tin xử lý các vụ, việc để phòng ngừa vi phạm.

6. Các Sở Khoa học và Công nghệ cần tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm, hàng hoá; tăng cường hoạt động hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các Sở KH&CN quan tâm thích đáng đến việc kiện toàn, bổ sung cán bộ có phẩm chất, năng lực cho tổ chức thanh tra và quản lý chất lượng để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra; chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các lực lượng ở địa phương như Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế và các ngành có trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hoá để tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Các Sở Khoa học và Công nghệ cần tổ chức bộ phận thường trực để làm đầu mối tổng hợp tình hình, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất.

7. Ban Công tác có nhiệm vụ triển khai các công việc liên quan đến thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu; xây dựng các đề án về các nội dung này; có kế hoạch tổ chức, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để thực hiện tốt công tác nói trên.

Ban Công tác là đầu mối tổ chức, phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này. Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban Công tác.

8. Trước mắt, trong Qúy III/2004 tổ chức Cuộc Thanh tra chuyên đề về chất lượng, đo lường và sở hữu trí tuệ đối với hàng đóng gói sẵn định lượng theo Đề cương Cuộc Thanh tra đã được duyệt.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ và các Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Cuộc Thanh tra.

Ban Công tác của Bộ thay mặt Lãnh đạo Bộ chỉ đạo Cuộc Thanh tra, tổ chức tổng hợp, đánh giá kết quả Cuộc Thanh tra này.

Trên đây là một số công tác cấp bách, cần khẩn trương triển khai trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, quán triệt nội dung Chỉ thị, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị.

Ban Công tác của Bộ hướng dẫn cụ thể, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị và các Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện; định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kết quả thực hiện Chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNGBỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
 


 
Hoàng Văn Phong

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/2004/CT-BKHCN về tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 18/2004/CT-BKHCN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/07/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Hoàng Văn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 47 đến số 48
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản