Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/CT-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN TIẾT KIỆM ĐIỆN

Trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển nguồn và lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước và đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, năm 2011 và một vài năm tới, Việt Nam có thể sẽ còn gặp khó khăn trong việc bảo đảm cung cấp điện trong các tháng mùa khô, nhất là khi gặp hạn hán kéo dài, không đủ nước cho các nhà máy thủy điện phát điện. Trong khi đó, việc thực hiện tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng còn chưa được triệt để; tiết kiệm điện chưa được sự quan tâm thật sự của cộng đồng xã hội, người dân và các doanh nghiệp, gây lãng phí tài nguyên của đất nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân, tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng mùa khô (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm), với các biện pháp cụ thể sau đây:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện ngay một số giải pháp sau:

a) Đối với các cơ quan, công sở:

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện năng sử dụng hàng năm của cơ quan, đơn vị theo Thông tư 111/2009/TTLT/BTC-BCT của Liên Bộ Tài chính - Công Thương về hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Xây dựng và ban hành quy định về sử dụng điện, thay thế, sửa chữa các trang thiết bị sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc sau:

+ Tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị khi hết giờ làm việc.

+ Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng hành lang, sân vườn, khu vực bảo vệ theo tiêu chuẩn …

+ Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 250C trở lên. Dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng.

+ Khi cải tạo hoặc trang bị mới phải sử dụng phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao theo quy định hoặc thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; nghiêm cấm thay thế, mua sắm mới đèn nung sáng.

+ Phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ nhân viên phải thực hiện tiết kiệm điện, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.

b) Đối với việc chiếu sáng công cộng:

- Kiểm tra, đánh giá chế độ chiếu sáng công cộng theo các tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành, đảm bảo nguyên tắc chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm theo tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 259:2001.

- Áp dụng hệ thống thiết bị điều khiển tự động có chế độ điều chỉnh công suất để giảm công suất chiếu sáng về đêm khi mật độ giao thông giảm.

- Triển khai thực hiện đầu tư, trang bị hệ thống điều khiển tự động cho các hệ thống chiếu sáng đường phố chính, điều chỉnh thời gian chiếu sáng đường phố hợp lý theo mùa trong năm, phù hợp theo đặc điểm nhu cầu sinh hoạt và các hoạt động, các sự kiện tại địa phương, tránh lãng phí điện.

- Khi thay thế đèn hư hỏng phải sử dụng nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, chiếu sáng đường phố sử dụng bóng đèn natri cao áp và thấp áp; chiếu sáng ngõ nhỏ và đường dành cho người đi bộ sử dụng bóng đèn natri thấp áp công suất nhỏ và đèn compact; chiếu sáng quảng trường dùng đèn metal halide. Khuyến khích sử dụng bóng đèn LED tại các vị trí thích hợp;

- Trong hệ thống đèn chiếu sáng vườn hoa, công viên chỉ sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện, giảm 50% công suất chiếu sáng vào giờ cao điểm buổi tối của hệ thống điện, trừ các dịp ngày lễ, ngày tết và các sự kiện lớn tại địa phương.

c) Đối với việc dùng điện cho sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ:

- Các hộ gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là điện …) trong thời gian cao điểm của hệ thống điện, từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày; khuyến khích sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng compact hoặc bóng đèn huỳnh quang T8, T5, chấn lưu hiệu suất cao, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, ngắt các thiết bị điện không sử dụng ra khỏi nguồn điện.

- Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối của hệ thống điện; trường hợp có yêu cầu đặc biệt, từ sau 22 giờ tắt toàn bộ đèn chiếu sáng các pano quảng cáo tấm lớn.

- Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, … tuân thủ nghiêm các quy định tại địa phương về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của Điện lực tại địa phương trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

2. Các doanh nghiệp sản xuất thực hiện ngay các giải pháp tiết kiệm điện sau:

- Xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn  chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí … vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải.

- Các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện mỗi năm ít nhất 1%.

- Tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng không cần thiết trong thời gian nghỉ giữa ca. Triệt để tiết kiệm điện chiếu sáng sân, vườn, đường nội bộ trong các khu công nghiệp.

- Chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:

- Thực hiện nghiêm các quy định cụ thể về tiết kiệm trong phát điện, truyền tải và phân phối điện. Thực hiện các giải pháp quản lý, kỹ thuật, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn mới tiếp nhận, phấn đấu giảm tổn thất ở khu vực này xuống còn 15% vào cuối năm 2011, còn 10% vào năm 2015.

- Các Công ty Điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các Công ty Điện lực tỉnh) tổ chức thống kê, theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện tại các công sở, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, có so sánh với mức sử dụng điện của tháng cùng kỳ năm trước, đối chiếu chỉ tiêu tiết kiệm 10% sản lượng điện sử dụng cơ quan công sở, thông báo cho khách hàng và báo cáo Sở Công Thương, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân tỉnh) để có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, khách hàng không thực hiện tiết kiệm điện.

- Thực hiện phương thức vận hành ổn định, an toàn trong hệ thống điện; bố trí kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện hợp lý; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, nâng cao năng lực khai thác thiết bị; hạn chế sự cố, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giảm tổn thất điện năng nhằm huy động tối đa và có hiệu quả các nguồn điện; huy động một cách hợp lý công suất và điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng.

- Các Công ty Điện lực tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện khi xảy ra thiếu điện; lập danh sách các hộ sản xuất theo thứ tự ưu tiên hạn chế ngừng, giảm mức cung cấp điện trong điều kiện thiếu điện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, thực hiện đúng các quy định của Luật Điện lực, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tránh việc cắt điện sinh hoạt trên diện rộng, kéo dài.

- Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, cập nhật dự báo về thời tiết và nguồn nước để chủ động đề ra các phương án vận hành hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để phát điện.

4. Bộ Công Thương có trách nhiệm:

- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy điện độc lập (IPP), các nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT có giải pháp vận hành tối ưu, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi để cán bộ, nhân dân biết và có những giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các giờ cao điểm.

- Chỉ đạo các Sở Công Thương phối hợp với các tổ chức tư vấn, các Trung tâm tiết kiệm năng lượng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xây dựng và thực hiện đầu tư, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng; phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm:

- Thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các nhiệm vụ sau:

+ Xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch sản xuất của ngành, địa phương và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

+ Tổ chức, bố trí nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

+ Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp thông tin các báo cáo và kế hoạch sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong phạm vi quản lý.

- Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Chỉ thị này, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, công bố công khai thông tin về tình hình sử dụng điện đối với các cơ quan công sở.

- Trong trường hợp mất cân đối cung - cầu điện, Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo việc điều hoà cung ứng điện trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên để đáp ứng hợp lý nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, các Đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các chương trình phát thanh và truyền hình về tiết kiệm điện, áp dụng đơn giá phù hợp cho việc tuyên truyền về tiết kiệm điện vì mục đích chung của quốc gia; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.

7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện có trách nhiệm chỉ đạo và thi hành nghiêm Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (4).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng