Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 17/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 4 năm 1981

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM VÀ BẢO VỆ NGUỒN ĐIỆN LỰC

Trong tình hình đang khó khăn về nhiên liệu, việc sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý trong sản xuất cũng như trong tiêu dùng, chống lãng phí điện, chống hao hụt và ăn cắp điện, bảo vệ tốt nguồn phát và tải điện là mục tiêu quan trọng và cấp bách đối với một thành phố công nghiệp. Thực hiện chỉ thị số 04/CT-TU ngày 30-3-1981 của Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương vận động và chỉ đạo chặt chẽ, có những biện pháp thích hợp và thiết thực để tiếp tục thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị 63/CT-UB ngày 17-11-1978 của Ủy ban nhân dân thành phố:

A.- ĐỐI VỚI KHU VỰC SẢN XUẤT

1) Mỗi nhà máy, xí nghiệp đều phải xây dựng định mức sử dụng điện cho một đơn vị sản phẩm làm cơ sở lập kế hoạch phân phối và phấn đấu giảm tiêu hao điện năng; ngành điện lực phấn đấu giảm chỉ tiêu điện năng hao hụt mất mát và chống ăn cắp dầu v.v…

2) Tìm mọi biện pháp giảm tối đa việc dùng điện trong giờ cao điểm tối: xí nghiệp hay cơ sở tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp làm việc một, hai ca ngừng hẳn sản xuất từ 18 giờ đến 22 giờ, xí nghiệp 3 ca ngừng các phân xưởng hoặc các máy có thể ngừng được (trừ một số xí nghiệp đặc biệt mà yêu cầu công nghiệp không thể ngừng được, có danh mục do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi lấy ý kiến các Bộ và các ngành chuyên môn);

3) Các nhà máy, xí nghiệp thực hiện kế hoạch tự làm hay sản xuất phụ đều phải được sở chủ quản xác nhận và báo cho Ủy ban Kế hoạch và Sở Thương nghiệp để nắm hàng. Sở quản lý và phân phối điện trên cơ sở hợp lý hết sức cố gắng để bảo đảm phục vụ sản xuất.

4) Các cơ sở sản xuất xuất khẩu được đảm bảo ưu tiên có điện để sản xuất theo kế hoạch Nhà nước. Nếu sản xuất xuất khẩu vượt mức thì cần đóng góp một phần ngoại tệ để nhập dầu (Công ty điện lực Miền Nam nghiên cứu và trình Ủy ban thông qua hướng dẫn vấn đề này);

5) Sở quản lý và phân phối điện thành phố có trách nhiệm cùng các ngành liên quan bố trí ngày nghỉ và ngày làm việc của các cơ sở tiêu thụ nhiều điện để công suất phát điện suốt 7 ngày trong tuần được điều hoà.

B.- ĐỐI VỚI KHU VỰC TIÊU DÙNG

1) Các cơ quan hành chánh sự nghiệp, các đơn vị công an, quân đội, các khách sạn, cửa hàng ăn uống, các khu nhà tập thể, các câu lạc bộ văn hoá phải triệt để tiết kiệm điện, giảm bớt các bóng điện hay dụng cụ điện, đóng mở điện hợp lý. Xây dựng nội quy sử dụng điện hết sức tiết kiệm ở các hội trường, nhà tập thể cơ quan đơn vị v.v… để phấn đấu giảm ít nhất 15% mức điện sử dụng so với mức đã dùng năm 1980;

2) Nghiêm cấm việc đun nấu bằng điện và sử dụng các dụng cụ tiêu hao nhiều điện vào giờ cao điểm tối (từ 17 giờ đến 21 giờ).

3) Tổ chức tốt việc quản lý sử dụng điện xuống tận phường và tổ dân phố kết hợp với phong trào xây dựng khu vực an toàn và vững mạnh xã hội của phường, tổ dân phố để tiết kiệm điện, chống ăn trộm điện, bảo vệ hệ thống lưới điện chống mọi hiện tượng tiêu cực khác trong sử dụng và bảo vệ nguồn điện.

C.- MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC:

1) Cấm triệt để việc sản xuất nước đá tủ, đá bẹ để bán kiếm lời. Tạm ngưng cấp giấy hành nghề cho các cơ sở tư nhân sản xuất kem. Cấm chế tạo máy sản xuất nước đá bẹ, tạm ngưng bán các dụng cụ thông dụng bằng điện từ 500W trở lên (trừ yêu cầu sản xuất, an ninh quốc phòng)

2) Cấm các cơ quan, đơn vị, quân đội, xí nghiệp, nhà máy, công trường, trường học, khách sạn, bệnh viện, rạp chiếu bóng, Ủy ban nhân dân phường hay các trạm trại v.v…. đưa máy sản xuất nước đá vào cơ sở để sản xuất tạo quỹ tự túc.

Thu hồi và không cấp giấy phép sản xuất nước đá cho tư nhân, hợp tác và tổ hợp, không cấp giấy phép làm kem mới. Đối với một số hộ trong diện chính sách trước đây được phép sản xuất nước đá để giải quyết khó khăn nay cũng phải ngưng sản xuất. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có biện pháp giúp đỡ chuyển nghề là cơ bản, trước mắt có khó khăn, chính quyền xem xét để giúp đỡ thích hợp.

Sở quản lý và phân phối điện thành phố có nhiệm vụ nắm vững các cơ sở làm nước đá, làm kem (tập thể và tư nhân) để có kế hoạch thực hiện tốt chỉ thị này, tránh gây xao động không cần thiết.

Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố kết hợp với ngành thủy sản, thương nghiệp, khách sạn ăn uống và quận, huyện có quản lý cơ sở nước đá quốc doanh, công tư hợp doanh nhanh chóng củng cố quản lý toàn bộ sản xuất, tiêu thụ nước đá, góp phần ổn định thị trường, chống đầu cơ nước đá.

3) Các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý nghiêm ngặt theo các hình thức: vừa cắt điện, vừa phạt tiền, dùng quá định mức điện thì tính giá cao và cắt trừ số dùng quá định mức, tịch thu tang vật kể cả các máy sản xuất nước đá lậu.

4) Riêng điện dùng cho nông nghiệp, cho vùng rau và cây công nghiệp thì vẫn được đảm bảo yêu cầu. Sở Quản lý và phân phối điện kết hợp ngành có liên quan nghiên cứu sớm trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản pháp quy để nghiêm khắc xử lý các trường hợp ăn trộm điện, ăn cắp dây điện, dầu phát điện, dầu biến thế điện, thu tiền điện giả mạo, ăn hối lộ khi cho điện và các trường hợp cơ quan, khu nhà tập thể, sử dụng điện một cách lãng phí.

Ban chỉ đạo điều hoà tiết kiệm điện thành phố, các đoàn thể, các cơ quan văn nghệ, truyền thanh, báo chí truyền hình cần vận động phong trào tiết kiệm điện đều khắp, thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú và có hiệu quả thiết thực.

Muốn thực hiện tốt việc đẩy mạnh sản xuất và ổn định đời sống không thể nào không giải quyết tốt khâu điện lực, đặc biệt là khâu tiết kiệm và chống mất mát điện. Do vậy các ngành, các cấp, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ chỉ thị này và các quy định cụ thể của Ủy ban để chỉ đạo bên dưới thi hành nghiêm chỉnh. Hàng tháng có kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện cho Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Quản lý và phân phối điện có trách nhiệm theo dõi để kịp thời có những thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện đúng đắn tinh thần chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT: CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-UB năm 1981 về việc triệt để tiết kiệm và bảo vệ nguồn điện lực do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 17/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/04/1981
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Đình Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/04/1981
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản