Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2006/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 04 tháng 05 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/5/1998, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1999. Qua gần 7 năm thi hành Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả tốt, nguồn tài nguyên nước đã được bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả. Song bên cạnh đó quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những biến đổi về khí hậu, sự thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép đã có những tác động mạnh mẽ đến môi trường, chế độ thuỷ văn làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên nước, làm cho nguồn tài nguyên nước ngày càng bị tác động theo chiều hướng xấu đi cả về số lượng lẫn chất lượng, nguồn nước nhiều nơi bị ô nhiễm. Việc quản lý nguồn tài nguyên nước để đảm bảo an ninh về nước cho phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề bức thiết đang được toàn xã hội quan tâm. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước cho mọi đối tượng.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thu thập và quản lý tài liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước; kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cấp phép khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

b- Sớm lập đề án kiện toàn Phòng chuyên môn nghiệp vụ giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý tài nguyên nước để trình UBND tỉnh, xem xét quyết định.

c- Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn toàn tỉnh để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên nước.

d- Phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi đối tượng trên địa bàn; thường xuyên đưa tin về kết quả thực hiện và kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những điển hình tốt để nhân rộng, đồng thời phản ánh những đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt.

3. UBND các huyện, thành phố phải xem việc quản lý tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền địa phương, các ngành chức năng trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các yêu cầu liên quan đến việc cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước; chú trọng bảo vệ tài nguyên nước ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung và các vùng trọng điểm không bị ô nhiễm.

4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên của mình hưởng ứng, chấp hành Luật Tài nguyên nước, Nghị định 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước, các văn bản hướng dẫn thi hành và Chỉ thị này.

5. Các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước nhất thiết phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiêm cấm các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của các tổ chức, cá nhân mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Định kỳ 6 tháng và hành năm tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Quản lý Tài nguyên nước (BộTN&MT);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban KTNS HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Quảng Bình; Đài PT-TH Quảng Bình;
- Sở Tư pháp;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, KTTH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 17/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/05/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 06/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản