THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ******** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2005/CT-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2005 |
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÁC HOẠT ĐỘNG TIÊU CỰC TRONG QUÁN BAR, NHÀ HÀNG KARAOKE, VŨ TRƯỜNG
Để quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, mát sa, tắm hơi v.v…, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, kiện toàn cơ quan quản lý các cấp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm nên đạt được một số tiến bộ, đẩy lùi một bước các biểu hiện tiêu cực.
Từ năm 1999 trở lại đây, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng loại hình kinh doanh này tìm cách hoạt động biến tướng, trá hình, gây ra hậu quả xấu. Các biểu hiện tiêu cực và các vi phạm ngày càng nghiêm trọng: hoạt động quá giờ quy định, sử dụng băng, đĩa ca nhạc có nội dung cấm phổ biến; tổ chức múa khoả thân, khiêu dâm; sử dụng hêrôin, thuốc lắc; biến địa điểm kinh doanh thành nơi ăn chơi sa đọa; hoạt động mại dâm hoặc môi giới mại dâm; sử dụng hung khí hoặc thuê bảo kê giết người v.v… Những biểu hiện tiêu cực trên đây làm xói mòn đạo đức, lối sống, ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục dân tộc, gây mất an ninh trật tự công cộng, tạo nên sự lo lắng và phản ứng gay gắt của nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên đây là do chủ kinh doanh chạy theo mục đích lợi nhuận bất chính, coi thường luật pháp, đạo lý và trách nhiệm công dân; chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở buông lỏng quản lý, chưa thực hiện tốt cơ chế hậu kiểm, không kịp thời xử lý nghiêm ngay từ đầu các vi phạm tại cơ sở. Các cấp, các ngành thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thấy hết tác hại to lớn về mặt xã hội, đạo đức do các tệ nạn này gây ra cho đất nước, nhất là đối với thế hệ trẻ; chưa xử lý thích đáng một số ít cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, ăn chơi sa đọa hoặc bao che, tiếp tay cho các sai phạm; một số quy định của pháp luật chưa phù hợp.
Để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, bài trừ các tệ nạn xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
2. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Thương mại, Công an, Tư pháp; Tổng cục Du lịch theo chức năng quản lý được phân công, tiến hành ngay các việc sau đây:
- Rà soát lại các quy định trong Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan, đề xuất điều chỉnh những nội dung không phù hợp; khẩn trương trình Chính phủ trong quý II năm 2005 Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin.
- Tổ chức lực lượng điều tra, thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các chủ kinh doanh vi phạm. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm thì phải kiên quyết tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp có dấu hiệu phạm tội, phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Chỉ đạo và tăng cường phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền hạn và trách nhiệm cho cơ sở trong việc quy định chế độ kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý cấp trên đối với cấp dưới, xác định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý để xảy ra các vi phạm pháp luật trên địa bàn, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, ăn chơi sa đọa hoặc bao che, tiếp tay cho các sai phạm.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí phát hiện và công bố công khai các hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người kinh doanh; khuyến khích, động viên nhân dân phát giác, lên án và đấu tranh với các vi phạm.
3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hoá - Thông tin, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Thương mại; Tổng cục Du lịch, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan, tổ chức đợt kiểm tra trên phạm vi cả nước, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, kiên quyết truy quét, ngăn chặn và triệt phá các tệ nạn xã hội trong hoạt động của quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường và các nghề kinh doanh nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội; tổng hợp kết quả báo cáo Chính phủ vào cuối quý IV năm 2005.
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng quy hoạch các điểm dịch vụ quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường ở từng quận, huyện, thị xã, thành phố phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương, gửi Bộ Văn hoá - Thông tin để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Có kế hoạch thường xuyên chủ động triển khai, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn và triệt phá các tệ nạn xã hội trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn.
- Tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia tích cực công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội; phát giác, ngăn chặn và đấu tranh với các hành vi vi phạm.
- Khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực trên.
Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Công văn số 6785/VPCP-VX của Văn Phòng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ
- 2Thông tư 54/2006/TT-BVHTT hướng dẫn quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành
- 3Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
Chỉ thị 17/2005/CT-TTg về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 17/2005/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/05/2005
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 17/06/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực