Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2004/CT-UB | Đồng Hới, ngày 24 tháng 6 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003 VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI.
Luật Đất đai năm 2003 là một đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và sử dụng có hiệu quả đối với đất đai, góp phần tích cực vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện Chỉ thị số 05/2004/CT-TTg ngày 09/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai và để sớm đưa Luật Đất đai năm 2003 vào cuộc sống, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Khẩn trương triển khai các công tác phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai sâu rộng trong cán bộ và nhân dân.
- Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành phải làm cho các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân nắm được các quy định của Luật, nhất là các quy định có tính chất đổi mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đất đai trong các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân; ngăn ngừa các vi phạm pháp luật đất đai, giảm bớt các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, giữ vững kỷ cương pháp luật.
- Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2003 phải được thực hiện kịp thời, thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội nghị quán triệt; tập huấn chuyên sâu; biên soạn, in ấn đề cương, tài liệu hỏi đáp pháp luật đất đai, tờ in; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... phù hợp cho từng đối tượng quản lý, sử dụng đất từ tỉnh đến cơ sở và người dân.
Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai phải hoàn thành trong năm 2004.
2. Triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung quản lý Nhà nước và đất đai theo Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Tập trung đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phấn đấu đến năm 2005 cơ bản hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã; bổ sung điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Triển khai xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2005 - 2010.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải gắn liền với công tác đồn điền, đổi thửa và phải được xây dựng một cách công khai, dân chủ; chú ý lập các quỹ đất tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quỹ đất dành cho nhu cầu công ích.
- Rà soát lại diện tích đất đã giao, cho thuê của các tổ chức; đất nông nghiệp do các đơn vị hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang đang sử dụng; đất nông trường, lâm trường theo Nghị định số 264/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh lại diện tích không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, không đúng mục đích kiên quyết thu hồi để giao cho các địa phương quản lý, sử dụng theo quy hoạch.
- Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phấn đấu đến hết năm 2005 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại, nhất là đất ở thị xã Đồng Hới, các thị trấn huyện lỵ, đất lâm nghiệp. Nhanh chóng cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương đã thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa.
- Đầu tư kinh phí cho công tác đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính theo công nghệ số; xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ cho công việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất, cho thuê đất và chuẩn bị các điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đúng pháp luật.
- Tăng cường công tác quản lý giá đất, định giá đất sát hợp với từng vùng theo quy định mới của Nhà nước để áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
- Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng sau khi được xét duyệt phải nhanh chóng cắm mốc giới quy hoạch, công bố công khai bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đối với các dự án đầu tư có GPMB thì việc lập, xét duyệt phương án bồi thường, kế hoạch giải toả phải được tiến hành đồng thời với việc lập và xét duyệt dự án đầu tư. Đặc biệt phải tiến hành xây dựng sớm khu tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng. Từ nay, việc giải phóng mặt bằng đối với những nơi cần phải tái định cư chỉ được thực hiện sau khi đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện tái định cư.
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “ một nữa ” trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất, đăng ký giao dịch đảm bảo việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch đảm bảo, nhanh gọn, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
- Kiện toàn cơ quan quản lý đất đai các cấp, nhất là ở các huyện, xã để quản lý đất đai gắn với việc quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường trong một tổ chức thống nhất. Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, nhất là đối với cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn.
Xúc tiến việc thành lập tổ chức định giá đất; tổ chức phát triển quỹ đất; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp Luật Đất đai năm 2003.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về quản lý, sử dụng đất, nhất là trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất và bồi thường thiệt hại về đất khi giải phóng mặt bằng. Các trường hợp sai phạm, lấn chiếm đất đai, sử dụng lãng phí đất đai phải được xử lý một cách kiên quyết, nghiêm minh và triệt để.
- Giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền, không để tồn đọng, kéo dài; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường hoà giải các tranh chấp đất đai, tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.
3. Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện:
- Sở tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về thi hành Luật đất đai; ban ngành các văn bản hướng dẫn thực hiện; xây dựng các đề án: Thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức phát triển quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính về quản lý đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cán bộ địa chính ở các cấp.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát việc sử dụng đất các nông trường, lâm trường theo Quyết định số 264/2003/QĐ-TTg ngày 16/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
- Sở Tài chính chủ trì các ngành, địa phương liên quan căn cứ quy định về khung giá đất của Chính phủ khẩn trương tiến hành điều tra, khảo sát giá đất trên thị trường để xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành quy định về giá đất phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn; xây dựng đề án thành lập tổ chức định giá đất; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động tuyên truyền pháp luật đất đai và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí kinh phí lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, kinh phí cho các dự án về Đầu tư và phát triển quỹ đất hàng năm trên địa bàn tỉnh.
- Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, được phân cấp của ngành, địa phương để kiện toàn và thống nhất bộ máy cơ quan quản lý Tài nguyên và Môi trường ở tỉnh và các huyện, thị xã.
- Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, các cấp trong việc tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Đất đai năm 2003.
- Thanh tra tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm tra, thanh tra; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.
- Sở Văn hoá và Thông tin, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình có trách nhiệm xây dựng các chuyên mục về pháp luật đất đai, tăng thêm thời lượng và số lượng tin, bài có nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt Luật Đất đai trên địa bàn; đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã; tập trung chỉ đạo công tác dồn điền, đổi thửa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; nhất là đất ở tại các đô thị, đất nông nghiệp sau khi hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa; thực hiện nhanh chóng việc giao đất, thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư phục vụ cho việc thu hồi đất để xây dựng các công trình.
- Giám đốc các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm thi hành nghiêm túc Chỉ thị này.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo giỏi, kiểm tra và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH |
- 1Quyết định 1135/QĐ-UBND năm 2007 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/7/1989 đến ngày 30/6/2006 đã hết hiệu lực
- 2Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2014 triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 do tỉnh Sơn La ban hành
- 3Chỉ thị 16/2014/CT-UBND triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 4Chỉ thị 28/CT-UB năm 1993 tăng cường công tác quản lý đất xây dựng trong tỉnh Quảng Bình
- 5Chỉ thị 08/CT-UB năm 1994 tăng cường quản lý nhà nước về nhà ở và đất đai tại các đô thị trong toàn tỉnh Quảng Bình
- 6Quyết định 1000/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 1Quyết định 1135/QĐ-UBND năm 2007 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/7/1989 đến ngày 30/6/2006 đã hết hiệu lực
- 2Chỉ thị 28/CT-UB năm 1993 tăng cường công tác quản lý đất xây dựng trong tỉnh Quảng Bình
- 3Chỉ thị 08/CT-UB năm 1994 tăng cường quản lý nhà nước về nhà ở và đất đai tại các đô thị trong toàn tỉnh Quảng Bình
- 1Luật Đất đai 2003
- 2Chỉ thị 05/2004/CT-TTg thi hành Luật Đất đai năm 2003 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 264/2003/QĐ-TTg về một số giải pháp quản lý, sử dụng đất trong các nông, lâm trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2014 triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 do tỉnh Sơn La ban hành
- 5Chỉ thị 16/2014/CT-UBND triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 6Quyết định 1000/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 do tỉnh Tây Ninh ban hành
Chỉ thị 17/2004/CT-UB triển khai thi hành Pháp luật Đất đai năm 2003 và tăng cường công tác quản lý đất đai do tỉnh Quảng Bình ban hành
- Số hiệu: 17/2004/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 24/06/2004
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Phan Lâm Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/06/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra