Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2000/CT-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐỐI PHÓ VỚI LŨ LỤT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Lũ năm 2000 về sớm hơn so với hàng năm gần 01 tháng, lũ lên nhanh và mức nước lũ cao làm các tỉnh đầu nguồn: Long An, Đồng Tháp và An Giang, Kiên Giang bị ngập sâu trong nhiều ngày gây thiệt hại lớn cho lúa Hè - Thu, đường xá, trường học, nhà cửa ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân trong vùng.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng, Thuỷ văn lũ ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn đang tiếp tục lên nhanh, trong vòng 5 đến 10 ngày tới có khả năng đạt tới đỉnh ở mức tương đương đỉnh lũ năm 1961, diện ngập sâu lớn hơn lũ năm 1978 và năm 1996. Đỉnh lũ cao, diện ngập sâu còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một số việc cấp bách sau đây:

I. UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH THUỘC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:

1. Phải khẩn trương bổ sung các giải pháp để đối phó với lũ lớn, trên diện rộng và kéo dài, phương án cứu hộ, cứu trợ phải rất cụ thể. Vấn đề số một là phải bảo vệ an toàn tính mạng cho dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền các cấp vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long.

2. Tập trung lực lượng, phương tiện di dời ngay dân ở những vùng bị ngập sâu, sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; động viên đồng bào di dời, trường hợp cần thiết phải bắt buộc di dời để bảo vệ an toàn tính mạng cho dân, trước hết là người già và trẻ em; đồng thời phải có biện pháp để đảm bảo ổn định đời sống số dân ở các khu vực sơ tán và bảo vệ tài sản của bà con khi phải di dời sơ tán.

3. Tổ chức triển khai ngay việc cứu trợ đồng bào nghèo vùng ngập lũ đang gặp khó khăn gay gắt, kể cả số người từ vùng khác đến làm ăn, sinh sống. Kiên quyết không để dân đói, càng không được để dân chết do đói, đảm bảo đủ thuốc, phòng chữa bệnh, hạn chế dịch bệnh, nhất là sau khi lũ rút. Thực hiện việc cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, công bằng, không được để thất thoát, tiêu cực.

4. Các tỉnh phải tổ chức lực lượng trực cứu hộ khẩn cấp ngay ở huyện, xã, ấp và những khu vực xung yếu; có phân công chỉ huy, chỉ đạo và xử lý kịp thời các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bảo đảm đủ lực lượng xung kích và phương tiện ứng cứu.

5. Lực lượng Quân khu 7, Quân khu 9 và các đơn vị bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ giúp các địa phương trong việc ứng cứu, di dời, tổ chức cứu trợ cho nhân dân kịp thời.

6. Y tế phải có biện pháp thật cụ thể để chăm lo sức khoẻ cho dân, nắm chắc số người ốm đau, số chị em phụ nữ đến kỳ sinh nở trên cùng địa bàn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Có phương án xử lý vấn đề vệ sinh phòng dịch bệnh phát sinh (bệnh đường tiêu hoá, đau mắt, bệnh ngoài da...), xử lý nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, có phương án chủ động dập tắt dịch bệnh ngay từ khi phát hiện.

7. Những vùng ngập sâu, việc đến trường không đảm bảo an toàn cần cho học sinh nghỉ học, nhưng phải có kế hoạch học bù phù hợp, đảm bảo chương trình, chất lượng dạy và học.

8. Chính quyền địa phương các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tiếp tục vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần tương thân, tương ái vượt qua khó khăn hoạn nạn.

9. Các tỉnh phải chủ động làm bờ bao để bảo vệ vùng cây ăn trái; có phương án bảo vệ kho tàng, vật tư hàng hoá và nhà cửa, tài sản của dân cố gắng giảm tối đa thiệt hại do lũ gây ra. Các tỉnh vùng phía dưới hạ lưu phải chủ động đề phòng, có phương án đối phó với lũ ở mức cao đang dồn về và sẽ có thể duy trì trong nhiều ngày.

10. Cùng với việc đối phó với lũ, các tỉnh phải chuẩn bị ngay kế hoạch cho sản xuất vụ Đông Xuân, khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi cấp bách bị hư hại để phục vụ sản xuất và lo việc xây cất lại nhà cửa, trường học, trạm xá bị hư hại để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân khi nước rút.

11. Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát lại và bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong toàn tỉnh và trên từng địa bàn, nhất là quy hoạch cụ thể các cụm dân cư, tuyến dân cư để có kế hoạch đầu tư cho phù hợp, phấn đấu trong một số năm bảo đảm được cho dân vùng lũ có thể chung sống với lũ, ổn định và phát triển bền vững.

II. CÁC BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG CÙNG CÁC ĐỊA PHƯƠNG XỬ LÝ MỘT SỐ VIỆC NGAY SAU KHI LŨ RÚT:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có kế hoạch cân đối vốn để khôi phục các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại.

2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị hoàn tất các thủ tục, cân đối vốn của ngành để thực hiện việc khôi phục, nâng cấp các tuyến lộ 62, 30, 91; phối hợp với các địa phương khôi phục, sửa chữa các công trình giao thông nông thôn.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thành các công trình thoát lũ ra biển Tây, các công trình giữ ngọt, ngăn mặn; nghiên cứu mở rộng kênh Hồng Ngự, kênh 79; chỉ đạo các Sở Nông nghiệp chuẩn bị đủ giống, phân bón, thuỷ lợi để khi nước rút tổ chức sản xuất vụ đông xuân được kịp thời vụ.

Chủ trì phối hợp với các Bộ: Giao Thông vận tải, Xây dựng, Thủy sản tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các công trình cơ sở hạ tầng đã xây dựng theo Quyết định 99/TTg của Thủ tướng Chính phủ để rút kinh nghiệm, sửa đổi bổ sung cho phù hợp nhằm phát huy tác dụng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.

4. Bộ Xây dựng giúp các tỉnh rà soát lại quy hoạch cụm, tuyến dân cư, đặt biệt là các thị xã, thị tứ; đánh giá, rút kinh nghiệm các phương án làm nhà trên cọc, tôn nền để có phương án hoàn chỉnh, hiệu quả, phù hợp với vùng ngập lũ; cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát lại quy hoạch các khu dân cư, các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã ở các vùng bị ngập sâu để tuỳ theo địa hình, địa chất từng nơi có phương án xử lý cho thích hợp như làm đê bao, tôn nền, lập khu dân cư tránh lũ theo tuyến hoặc điểm; gắn việc đào kênh thuỷ lợi với xây dựng khu dân cư.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn việc miễn, giảm thuế cho các hộ dân bị thiệt hại do lũ; có kế hoạch sử dụng một phần vượt thu ngân sách năm 2000 để hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt.

6. Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn khoanh nợ và cho vay tiếp đối với các hộ bị thiệt hại do lũ để có vốn kịp sản xuất vụ Đông - Xuân.

7. Các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Khoa học, Công nghệ và Môi trường có kế hoạch giúp các địa phương trong việc sửa chữa trường học, trạm y tế, đảm bảo kế hoạch học tập của học sinh, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

8. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn việc cứu trợ các hộ dân bị đói, hộ có người bị nạn do thiên tai, hộ phải sơ tán di dời...

9. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn nắm chắc tình hình diễn biến lũ; dự báo, cảnh báo và có phương án chỉ đạo đối phó kịp thời.

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/2000/CT-TTg về việc đối phó với lũ lụt ở đồng bằng Sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 17/2000/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/09/2000
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản