Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/1998/CT-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN LƯƠNG THỰC TRONG NĂM 1998

Từ cuối năm 1997, Chính phủ đã ban hành các cơ chế liên quan đến điều hành xuất khẩu gạo và bảo đảm nguồn vốn vay mua lúa, gạo tạm trữ và xuất khẩu nên thị trường lưu thông và tiêu thụ lúa, gạo trong những tháng đầu năm 1998 diễn ra thuận lợi. Lượng gạo xuất khẩu tăng, lúa hàng hóa trong dân đã được mua ở mức tối đa; giá lúa, gạo tăng, bảo đảm thu nhập có lợi cho nông dân mà không gây tác động xấu đến tình hình cung cầu của thị trường lương thực trong nước.

Tuy nhiên, công tác điều hành xuất khẩu gạo trong mấy tháng qua cũng cần được chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc chặt chẽ hơn, nhằm không để giá lúa, gạo biến động mạnh, lượng gạo xuất khẩu hàng tháng, hàng quý cần được điều hòa cân đối hợp lý với khả năng xay xát, chế biến, vận chuyển, bốc xếp và các dịch vụ cung ứng khác liên quan đến xuất khẩu gạo đang còn bị hạn chế.

Tuy vụ lúa Đông xuân 1997 - 1998 ở đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tốt, nhưng ở một số tỉnh phía Bắc và các tỉnh duyên hải miền Trung đang gặp khó khăn gay gắt do hạn hán và chuột phá hoại. Trước tình hình thời tiết còn đang diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng đến các vụ sản xuất tiếp theo, để đảm bảo an toàn lương thực trong cả nước, đảm bảo giá lúa, gạo có lợi cho nông dân và lợi ích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đồng thời để khắc phục những mặt mất cân đối trong điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình thị trường nhập gạo của ta ngày càng tăng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện những công việc sau đây:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh đánh giá lại sản lượng thu hoạch và khả năng lúa hàng hóa vụ Đông xuân 1997 - 1998; dự kiến sản lượng lúa hàng hóa các vụ sản xuất tiếp theo để cùng Bộ Thương mại và Ban Điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón của Chính phủ tổ chức điều hành tốt kế hoạch xuất khẩu gạo năm 1998.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đặc biệt tập trung chỉ đạo sản xuất vụ lúa hè thu, nhất là các biện pháp thủy lợi, chống hạn, bồi trúc đê, làm bờ bao để ngăn mặn và chống lũ; theo dõi thường xuyên diễn biến của thời tiết, khả năng lụt bão và chuẩn bị các phương án, biện pháp để xử lý kịp thời.

3. Bộ Thương mại, Ban Điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón của Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc những việc sau:

- Rà soát kỹ các hợp đồng xuất khẩu gạo đã và đang giao dịch; áp dụng các biện pháp giãn tiến độ ký và thực hiện hợp đồng, điều hành chặt chẽ việc giao nhận hàng hóa, kể cả việc điều hành tàu vào các cảng nhận hàng để bảo đảm trước mắt lượng gạo xuất khẩu trong quý II/1998 ở mức 1,5 triệu tấn, trong đó tháng 4/1998 không vượt quá 600.000 tấn.

- Kiểm tra chặt chẽ các điều kiện thương mại và giá gạo xuất khẩu các loại, tránh tình trạng ký vượt hạn ngạch được giao và giá xuất khẩu thấp hơn giá tối thiểu trong khung giá chỉ đạo của Bộ Thương mại và Ban Điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón của Chính phủ;

- Trước mắt, từ ngày 1 tháng 4 năm 1998, chưa bổ sung hạn ngạch xuất khẩu gạo cho bất kỳ đối tượng nào; ủy ban nhân dân các tỉnh cần thực hiện nghiêm túc việc giao hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thuộc tỉnh đã được quy định tại Quyết định số 12/1998/QĐ-TTg ngày 23 tháng 1 năm 1998 và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ, trong đó hạn ngạch xuất khẩu chỉ giao cho các đầu mối xuất khẩu đã đựơc chỉ định.

Bộ Thương mại rà soát lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp trong tỉnh của các tỉnh; những trường hợp vi phạm các nguyên tắc điều hành của Chính phủ và của Bộ Thương mại cần được xem xét để có biện pháp xử lý trong thời gian tiếp theo.

4. Căn cứ diễn biễn thị trường lương thực trong quý II và quý III năm 1998, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc chủ động điều hòa lương thực từ Nam ra Bắc, kể cả việc bán gạo dự trữ của Tổng công ty ở phía Bắc.

Cục Dự trữ Quốc gia, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 1998, chỉ đạo các Chi Cục thực hiện việc đổi hạt ở các tỉnh phía Bắc và bảo đảm lượng dự trữ cần thiết cho thành phố Hà Nội; tổ chức mua thóc dự trữ ở các tỉnh Nam Trung Bộ, chưa triển khai mua thóc dự trữ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Ban Điều hành xuất khẩu gạo và nhập phân bón của Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/1998/CT-TTg về điều hành xuất khẩu gạo và đảm bảo an toàn lương thực trong năm 1998 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 17/1998/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/04/1998
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Tạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản