Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 1978 

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ CÔNG TÁC LƯƠNG THỰC TRƯỚC MẮT

Tình hình lương thực của Nhà nước hiện đang rất căng thẳng. Kết quả huy động lương thực vụ mùa 1977 đến ngày 10 tháng 3 năm 1978, miền Bắc mới đạt 71%, miền Nam khoảng 20% kế hoạch, nếu so với sản lượng thì đến nay miền Bắc mới huy động 13,5%, miền Nam mới huy động 6,7%. Nhập khẩu lương thực đang có khó khăn cả về số lượng, chủng loại, về vận tải và hầu hết là nhập khẩu bột và lúa mỳ. Do đó, không đáp ứng được nhu cầu lương thực phục vụ cho sản xuất và đời sống, nhất là cho công nhân, viên chức Nhà nước, cho các kế hoạch khai hoang, trồng rừng, thu mua hàng xuất khẩu, xây dựng vùng kinh tế mới…

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Tổng cục và Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt các việc sau đây:

1. Đẩy mạnh công tác huy động lương thực vụ mùa và đông xuân, tích cực huy động cả lúa và màu, có kế hoạch cụ thể huy động và tiêu thụ màu tươi như huy động thóc gạo,v.v…

Vụ mùa vừa qua tuy một số nơi bị hạn và sâu bệnh, năng suất và sản lượng ở một số vùng không đạt kế hoạch, nhưng nhìn chung sản lượng lương thực ở cả hai miền đều cao hơn năm trước, nhiều địa phương lại thu hoạch khá tốt về hoa màu. Chính quyền các cấp cùng ngành lương thực cần tập trung sức động viên nhân dân nộp đủ thuế (nhất là ở miền Nam và bán lương thực thừa cho Nhà nước theo nội dung của nghị quyết số 55-CP ngày 03-3-1978 về công tác lương thực trong tình hình mới.

Ra sức vận động các hợp tác xã và nông dân miền Bắc tiết kiệm tiêu dùng, ăn thêm hoa màu, dành thóc hoàn thành nhiệm vụ đối với Nhà nước. Ở những nơi đã làm xong nhiệm vụ cũng cần tiếp tục động viên các hợp tác xã và xã viên ăn thêm hoa màu, dành một phần thóc bán thêm hoặc cho Nhà nước vay, hoặc ứng trước kế hoạch huy động lương thực vụ chiêm – xuân năm 1978 cho Nhà nước. Ở những nơi sản xuất nhiều hoa màu, cần phải tận thu, đào dỡ, chế biến và bán cho Nhà nước với mức tích cực nhất.

Trong điều kiện hiện nay, nhân dân và Nhà nước chưa đủ phương tiện chế biến hết màu; Bộ Lương thực và thực phẩm và cơ quan lương thực địa phương phải tích cực tổ chức thu mua khoai lát khô, sắn lát khô và cả hoa màu tươi để phân phối trực tiếp cho các nhu cầu, nhất thiết không được để hoa màu ứ đọng làm trở ngại đến sản xuất. Phải tổ chức tốt việc điều hòa, không để cán bộ, công nhân viên nơi sản xuất phải ăn quá nhiều hoa màu. Ở những nơi thu mua được nhiều hoa màu, tìm cách đổi lấy thóc mà các hợp tác xã và nông dân dùng để chăn nuôi nhằm tăng tỷ lệ gạo trong khẩu phần ăn của người được Nhà nước cung cấp lương thực. Bộ Lương thực và thực phẩm và các tỉnh phải có kế hoạch cụ thể trên từng mặt thu hoạch, chế biến, thu mua, phân phối, điều hòa, vận chuyển và tổ chức tiêu thụ nhằm huy động được hoa màu vào cân đối lương thực của địa phương và của cả nước.

2. Bộ Lương thực và thực phẩm phải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện điều động lương thực như nghị quyết số 55-CP đã nêu rõ. Trước mắt, ở miền Bắc tỷ lệ giữa gạo và mỳ không đảm bảo mức bình thường, để có cơ cấu lương thực hợp lý, Bộ Lương thực và thực phẩm cần xúc tiến thực hiện ngay các biện pháp sau đây:

Tổ chức đổi màu, mỳ lấy lúa gạo mà các hợp tác xã và nông dân dùng để chăn nuôi. Để làm được việc trên Bộ Ngoại thương và Bộ Giao thông vận tải cần có kế hoạch tiếp nhận khối lượng lúa mỳ và bột theo yêu cầu của Bộ Lương thực và thực phẩm để kịp chế biến, đổi và phân phối. Trước mắt phải nhập khẩu vượt mức tiêu thụ bình thường hàng tháng để có lực lượng đổi và chế biến.

Ngành lương thực và các địa phương phải tìm biện pháp sử dụng hết công suất các xí nghiệp chế biến mỳ, màu, đồng thời cung cấp thêm phương tiện chế biến mỳ, màu cho bếp ăn tập thể, trường học, cơ quan, các vùng sản xuất cá, muối, cây công nghiệp, và tùy từng nơi có thể tổ chức gia công thêm bánh mỳ, mỳ sợi.. không được cung cấp mỳ hạt, lúa mỳ cho nhân dân, nhất là cho công nhân, viên chức; các bếp tập thể của cơ quan, xí nghiệp, trường học được phân phối bộ mỳ phải tích cực tìm cách chế biến thành mỳ sợi, bánh mỳ, bánh hấp, v.v… không được để công nhân, học sinh ăn bột mỳ luộc.

3. Để tạo điều kiện cho các ngành thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước, ngoài việc cung cấp lương thực và thực phẩm cho nhân dân theo tiêu chuẩn định lượng, Bộ Lương thực và thực phẩm cần bảo đảm cung cấp lương thực cho các nhu cầu khai hoang, trồng rừng, chăn nuôi (cả lương thực và cám) hoặc sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản, v.v…. theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã giao, không được tùy tiện cắt giảm.

Các ngành được sử dụng lương thực theo kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm phân phối đúng chính sách và chế độ lương thực đã ban hành. Nhà nước đã giao chỉ tiêu mua, bán, điều động, phân phối lương thực, Bộ Lương thực và thực phẩm và Ủy ban nhân dân các tỉnh phải nghiêm chỉnh chấp hành không được tùy tiện rút mức. Trong trường hợp lương thực khó khăn không đủ cấp theo kế hoạch (kể cả lương thực và cám cho chăn nuôi) các tỉnh và Bộ Lương thực và thực phẩm phải báo cáo xin chỉ thị của Thường vụ Hội đồng Chính phủ.

4. Bộ Nông nghiệp và các tỉnh phải tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh việc trồng thêm hoa màu theo thời vụ (nhất là các tỉnh miền núi và trung du), chăm bón lúa chiêm xuân, làm tốt lúa hè thu, chú ý đẩy mạnh sản xuất rau màu ngắn ngày, phòng và chống đói giáp hạt, giải quyết tốt đời sống nhân dân.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 163-TTg năm 1978 về một số công tác lương thực trước mắt do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 163-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/03/1978
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 04/04/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản