Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163-CT

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG GỌI VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Để tạo môi trường thuận lợi mở rộng quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước, kích thích sự quan tâm của nước ngoài trong việc đầu tư vào Việt nam, cần hoạch định chính sách và phương hướng gọi vốn đầu tư nước ngoài, hướng số vốn đó góp vào việc xây dựng một cơ cấu kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, góp phần giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của từng thời kỳ và sử dụng vốn vay của nước ngoài một cách có hiệu quả.

Trong khi chưa có chiến lược kinh tế xã hội cho thời kỳ 10 - 15 năm và kế hoạch 1991 - 1995 để làm cơ sở cho việc hoạch định một chủ trương dài hạn và gọi vốn đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nêu ra một số phương hướng chủ yếu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho một số năm trước mắt.

1. Mục đích của việc gọi vốn đầu tư nước ngoài.

Việc gọi vốn đầu tư nước ngoài phải nhằm góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, trước hết là đầu tư chiều sâu cho các cơ sở sản xuất hiện có để tận dụng năng lực sản xuất hiện có đi đôi với việc phát triển thêm năng lực sản xuất mới, tạo điều kiện để Việt nam tham gia ngày càng rộng rãi vào phân công lao động quốc tế trên cơ sở khai thác đầy đủ và có hiệu quả mọi tiềm năng của đất nước về lao động và tài nguyên. Cụ thể là nhằm vào các mục đích sau đây:

- Tăng nhanh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu trên cơ sở công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; sớm hình thành một số ngành sản xuất mũi nhọn và một số vùng sản xuất chuyên phục vụ xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhằm thu hẹp dần sự chênh lệch quá lớn giữa xuất và nhập.

- Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất tổng hợp, hiện đại, có sản lượng và tỷ xuất hàng hoá cao; xây dựng một số ngành công nghiệp chủ chốt có chọn lọc, nhằm từng bước giải quyết một cách hợp lý nhu cầu của nền kinh tế quốc dân thay thế dần nhập khẩu, trước hết trong các lĩnh vực nhiên liệu - năng lượng và nguyên liệu cơ khí chế tạo...

- Sớm cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của các ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc vốn là một khâu yếu hiện nay và là một trở ngại cho việc phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư của nước ngoài.

2. Một số nguyên tắc chủ yếu trong việc gọi vốn đầu tư nước ngoài

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả các thành phần kinh tế trong nước có thể tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư của bên ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau theo sự chỉ đạo và sự hướng dẫn của Nhà nước. Chủ thể hợp tác đầu tư với nước ngoài là đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân đã nói trong Luật Đầu tư được tự chủ trong việc ký kết hợp đồng và tự chịu trách nhiệm về hiệu quản kinh tế trong việc hợp tác.

- Huy động đến mức cao nhất mọi nguồn tài nguyên trong nước để gọi vốn đầu tư của bên ngoài bằng những hình thức thích hợp.

- áp dụng nhiều hình thức đầu tư, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, cùng có lợi đồng thời bảo đảm chủ quyền và an ninh của đất nước. Đối với một sản phẩm, cũng có thể áp dụng nhiều hình thức đầu tư khác nhau.

- Bình đẳng đối với tất cả các đối tượng tham gia đầu tư vào nước ta. Đồng thời phải nắm vững phương hướng thị trường mà các Nghị quyết của Đảng đã xác định (dựa vào Liên Xô, mở rộng quan hệ với Lào, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa, tranh thủ thiết lập và mở rộng quan hệ với các nước khác) để định hướng đúng và có chính sách phù hợp.

- Có những đề mục hợp tác vừa làm với các nước xã hội chủ nghĩa vừa làm với các nước khác, hoặc làm tay ba giữa nước ta với một nước xã hội chủ nghĩa và một nước khác...

- Bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và tập quán quốc tế.

- Việc lựa chọn các dự án đầu tư của nước ngoài cần căn cứ vào các tiêu chuẩn chủ yếu như bảo đảm công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành hạ, có khả năng cạnh tranh; thu hút và sử dụng có hiệu quả nhiều lao động; khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên của đất nước; bảo đảm các nguồn thu của Nhà nước theo Luật định. Trước mắt, coi trọng gọi vốn cho việc đầu tư chiều sâu, cải tạo và mở rộng các năng lực sản xuất hiện có nhằm giảm khối lượng đầu tư, thu hồi vốn nhanh.

3. Một số chính sách liên quan đến đầu tư của nước ngoài.

a) Chính sách tài nguyên:

- Đối tượng hợp tác với nước ngoài là toàn bộ tài nguyên thiên nhiên hiện có trên đất liền, trên biển và ở thềm lục địa thuộc lãnh thổ Việt Nam, trừ những vùng và khu vực liên quan đến quốc phòng và an ninh của Việt Nam.

- Việc hợp tác phải bảo đảm khai thác tài nguyên một cách hợp lý nhất và có hiệu quả nhất; khai thác phải đi đôi với bảo vệ và bồi dưỡng, cấm mọi biểu hiện phung phí và triệt hạ tài nguyên.

- Việc khai thác tài nguyên phải gắn liền với yêu cầu bảo vệ môi trường, môi sinh và bảo đảm các điều kiện sinh thái bình thường, bao gồm cả việc thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các yêu cầu về phục hồi và tái sinh các nguồn lợi động vật, thực vật ở khu vực khai thác.

- Tuỳ theo tình hình và yêu cầu phát triển kinh tế trong nước, Nhà nước sẽ quy định đối tượng tài nguyên cụ thể được hợp tác khai thác với nước ngoài trong từng thời kỳ.

b) Chính sách thị trường và khu vực:

Với các điều kiện khác như nhau (vốn đầu tư, hiệu quả, công nghệ, chất lượng sản phẩm, v.v....) thì ưu tiên chọn Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa làm đối tượng hợp tác, kế đến là ấn Độ và khu vực Châu á, các nước tư bản phát triển các tổ chức kinh tế quốc tế...

c) Chính sách đối với các thành phần kinh tế và quan hệ giữa trung ương và địa phương:

- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư của nước ngoài theo kế hoạch và sự hướng dẫn của Nhà nước.

- Kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ chốt trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác tham gia hợp tác đầu tư với nước ngoài.

- Quốc doanh trung ương, nói chung trực tiếp xây dựng và thực hiện các dự án về thăm dò địa chất, khai thác và chế biến khoáng sản; xây dựng các xí nghiệp công nghiệp nặng, các công trình hạ tầng, các cơ sở nhiên liệu - năng lượng và nguyên liệu có ý nghĩa đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân; xây dựng các cơ quan nghiên cứu khoa học, sự nghiệp ngân hàng... Quốc doanh trung ương hợp tác đầu tư với nước ngoài trên các lĩnh vực này một cách độc lập hoặc với sự tham gia của quốc doanh địa phương và các thành phần kinh tế khác.

- Quốc doanh địa phương và các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được hợp tác hoặc tham gia hợp tác với nước ngoài trong các lĩnh vực khác không kể ở trên. Nói chung đó là những đối tượng hợp tác quy mô vừa và nhỏ, mau cho sản phẩm và sớm thu hồi vốn.

- Trong việc quản lý sự hợp tác và đầu tư với nước ngoài, trước hết phải bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi của các tổ chức kinh tế là chủ đầu tư, đồng thời tăng cường sự quản lý Nhà nước của Hội đồng Bộ trưởng, của các Bộ, Tổng cục và uỷ ban Nhân dân các cấp.

Trên đây là phương hướng chủ yếu tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài cho thời kỳ trước mắt. Trong vòng hai tháng kể từ khi nhận được Chỉ thị này, các Bộ, Tổng cục và địa phương cần cụ thể hoá danh mục các công trình cần gọi vốn đầu tư nước ngoài, gửi danh mục các công trình đó (kèm theo một số thông số kinh tế - kỹ thuật chủ yếu hoặc dự án đầu tư sơ bộ) cho uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư để tổng hợp trình Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn.

Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư khẩn trương đặt kế hoạch phối hợp các ngành và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức của Liên hợp quốc để sớm mở một cuộc hội thảo với các nhà đầu tư nước ngoài vào nửa cuối năm 1989; tại đó sẽ giới thiệu danh mục các dự án ưu tiên đã được Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn, để các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở tìm hiểu, cân nhắc hiệu quả kinh tế của các dự án, đẩy tới một bước quan hệ hợp tác giữa các chủ đầu tư trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các công trình đặt ra với các nước xã hội chủ nghĩa sẽ bàn bạc và thoả thuận với các nước anh em thông qua phối hợp kế hoạch 1991 - 1995.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 163-CT năm 1989 về phương hướng gọi vốn đầu tư nước ngoài do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 163-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/06/1989
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 27/06/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản