Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 162-BCNNH-CBLĐ | Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 1964 |
VỀ VIỆC LẬP KẾ HOẠCH BẢO HỘ LAO ĐỘNG NĂM 1965
Kính gửi: | - Ông Cục trưởng các Cục Quản lý sản xuất |
Công tác bảo hộ lao động là một công tác rất quan trọng, nó phục vụ trực tiếp cho sản xuất, gắn liền với sản xuất. Có bảo hộ tốt sức lao động thì mới đẩy mạnh được sản xuất. Do đó vấn đề đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện lao động đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên đối với các cấp lãnh đạo và quản lý sản xuất. Vì vậy việc lập kế hoạch bảo hộ lao động, nhằm làm tốt công tác an toàn lao động và cải thiện điều kiện làm việc phải được quán triệt trong kế hoạch chung về quản lý xí nghiệp và phải được xây dựng, xét duyệt cùng một lúc với kế hoạch sản xuất.
Lập kế hoạch bảo hộ lao động đi đôi với lập kế hoạch sản xuất là một trong những biểu hiện đúng đắn nhất tinh thần phương châm “an toàn sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tại thông tư số 3871 ngày 07-09-1958 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị số 132-CTTƯ ngày 13-03-1959 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đều nhấn mạnh: “Lập kế hoạch bảo hộ lao động phải đi đôi với lập kế hoạch sản xuất, cơ quan xét duyệt kế hoạch sản xuất phải đồng thời xét duyệt kế hoạch bảo hộ lao động”.
Trong ngành ta tình hình sản xuất ngày càng phát triển không ngừng, nhất là năm 1965 là năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; đòi hỏi mỗi ngành, mỗi xí nghiệp, mỗi người phải làm việc hăng hái để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1965 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Nhưng trong những năm vừa qua vì chưa quán triệt ý nghĩa của việc lập kế hoạch bảo hộ lao động song song với kế hoạch sản xuất và cũng chưa thực sự chấp hành chỉ thị 132-CTTƯ ngày 13-03-1959 của Trung ương Đảng và thông tư 3871 ngày 07-09-1958 của Thủ tướng Chính phủ nên hầu hết các xí nghiệp thuộc Bộ chưa thực hiện việc lập kế hoạch bảo hộ lao động theo từng bước và theo các yêu cầu, các biểu mẫu đã ban hành, mà chỉ tiến hành lập dự trù trang bị phòng hộ là xem như đã lập kế hoạch bảo hộ lao động.
Để có những biện pháp tích cực nhằm thực hiện phương châm “an toàn sản xuất và sản xuất phải an toàn” mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, để khắc phục những thiếu sót trước đây, sau khi hiệp ý với Bộ Lao động Bộ chỉ thị cho các xí nghiệp, đơn vị thuộc Bộ cần tiến hành lập kế hoạch bảo hộ lao động năm 1965 với yêu cầu và nội dung như sau:
I. NỘI DUNG KẾ HOẠCH BẢO HỘ LAO ĐỘNG
Nội dung của việc lập kế hoạch bảo hộ lao động phải bao gồm ba phương sách:
1. Phương sách thiết bị an toàn đề phòng tai nạn lao động bao gồm việc cải tiến, bổ sung hoặc sửa chữa các thiết bị để đảm bảo an toàn ở những nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn trong khi làm việc như:
- Đặt những bộ phận che chắn máy móc để đảm bảo an toàn cho công nhân làm việc khi máy đang chạy, các loại thiết bị điện khí hóa, các dây cu-roa, các trục chuyển bánh xe răng khế, vô-lăng và các dụng cụ đóng mở tự động;
- Sửa chữa lại các sàn nhà để khỏi gồ ghề vấp ngã, các hệ thống thoát nước và chất lỏng ra ngoài đảm bảo an toàn vệ sinh cho công nhân, sửa chữa lối đi lại khỏi bị trơn trượt ở các đường vận chuyển trong xí nghiệp;
- Làm thêm hành lang và thang cố định cho các lối đi lại trên cao. Cải tổ các cần trục và máy trục để đảm bảo an toàn, v.v...
2. Phương sách về vệ sinh lao động (bao gồm cải thiện điều kiện làm việc và giữ gìn sức khỏe) bao gồm việc sửa chữa, thiết bị hoặc cải tiến các bộ phận để đề phòng các bệnh có thể phát sinh ra do công tác mà người công nhân trực tiếp làm ở những nơi mà điều kiện làm việc bất thường như nhiệt độ cao, ánh sáng quá, tiếng động mạnh, nhiều bụi, có chất độc; hoặc những biện pháp tạo ra nơi làm việc mát mẻ, sạch sẽ, thoáng khí, đủ ánh sáng như:
- Mở thêm cửa, lắp kính, đặt thêm đèn những nơi thiếu sáng;
- Mắc thêm quạt, làm trần nhà ở những nơi quá nóng bức. Đặt ống hút bụi, quạt gió cho những nơi thiếu dưỡng khí bụi nhiều;
- Làm lán trại, căng phên, bạt che cho công nhân làm việc ngoài trời tạm trú khi mưa nắng, nghỉ ngơi và ăn uống.
Khi lập phương sách này, cần chú ý phân biệt những gì mới xuất phát từ sản xuất va cải thiện điều kiện làm việc trong khi sản xuất thì mới ghi vào phương sách này, còn những việc làm tuy tương tự nhưng nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt thì do quỹ phúc lợi đài thọ. Tóm lại, những việc làm nằm trong khu vực sản xuất, khu vực nhà máy thì thuộc phạm vi kế hoạch bảo họ lao động, còn những việc làm ở các khu vực gia đình, nơi ăn, nơi ở tập thể của công nhân thì buộc phần chi tiêu của quỹ phúc lợi.
3. Phương sách về tuyên truyền giáo dục bao gồm các phương tiện dụng cụ để tuyên truyền, giáo dục công nhân như:
- Làm các biểu ngữ, khẩu hiệu, tranh vẽ, mô hình;
- Mua hay in các tài liệu, sách báo về bảo hộ lao động và vệ sinh phòng để tổ chức học tập hoặc hoặc phân phối cho các phân xưởng, tổ sản xuất;
- Mở các lớp về an toàn lao động;
- Thí nghiệm các sáng kiến và cải tiến các thiết bị an toàn;
- Tổ chức các cuộc thi về bảo hộ lao động, v.v...
Ngoài ba phương sách trên, còn một vấn đề thuộc về bảo hộ lao động như dự trù trang bị phòng hộ cá nhân, nhà máy cần dựa vào những quy định của Bộ mà lập dự trù và gửi cùng một lúc với kế hoạch này để Bộ duyệt và cấp kinh phí (những chức danh, ngành nghề nào Bộ đã quy định thì lập dự trù theo quy định ấy, còn những chức danh nào chưa được Bộ quy định cần phải kèm theo bản thuyết minh cụ thể như đã hướng dẫn trước đây).
Những việc phải làm cụ thể cho từng phương sách trên đã nêu, chỉ là những việc có tính chất tiêu biểu, khi tiến hành lập kế hoạch, nhà máy cần nghiên cứu bản liệt kê kèm theo thông tư số 11-TT-LB ngày 15-10-1963 của liên Bộ Lao động và Tài chính mà Bộ đã sao lục gửi các xí nghiệp vào tháng 11-1963 để phân tích, thuyết mình được đầy đủ.
II. PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH BẢO HỘ LAO ĐỘNG
1. Phương châm.
Công tác bảo hộ lao động là một công tác rất lớn, phức tạp, yêu cầu thì nhiều nhưng khả năng tài chính lại có hạn, cho nên muốn làm tốt công tác bảo hộ lao động, không thể chỉ trông vào một số lao động, không thể chỉ trông vào một số cán bộ của nhà máy và kinh phí của Nhà nước là có thể giải quyết được hết mà cần phải dựa vào quần chúng là chủ yếu. Cần phải giáo dục, động viên quần chúng phát hiện những thiếu sót về mặt an toàn và phát huy mọi sáng kiến để tự giải quyết những việc có thể giải quyết được, vì vậy điều quan trọng là làm thế nào để công nhân có thể góp ý kiến những việc cần phải làm trước khi lập kế hoạch. Mặt khác phải giải quyết tư tưởng nôn nóng, muốn bổ khuyết hết những thiếu sót ngay cùng một lúc. Do đó, việc lập kế hoạch bảo hộ lao động cần phải tiến hành theo phương châm sau đây:
a) Cải tiến, bổ sung dần những việc thật cần thiết, việc nào có nguy cơ xảy ra tai nạn thì cần phải làm ngay (dù tốn nhiều tiền), việc chưa cần thì làm sau, phải thiết thực, cụ thể, tránh phô trương hình thức;
b) Dựa vào đường lối quần chúng, vận động công nhân phát huy tính sáng tạo, tận dụng mọi khả năng phương tiện của cơ sở để tự giải quyết là chính, việc nào không tự giải quyết được mới xin kinh phí chi tiêu.
2. Phương pháp.
a) Chuẩn bị:
Khi nhận được chỉ thị này, cán bộ bảo hộ lao động cần nghiên cứu kỹ nội dung, yêu cầu của việc lập kế hoạch bảo hộ lao động năm nay cùng với nội dung của các biểu mẫu, sau đó trình giám đốc để giám đốc tiến hành phân công cụ thể cho các bộ môn chức năng như sau:
- Phòng kỹ thuật chịu trách nhiệm lập phương sách kỹ thuật an toàn đề phòng tai nạn lao động;
- Phòng y tế lập phương sách vệ sinh lao động và các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc;
- Bộ phận bảo hộ lao động (hoặc cán bộ phụ trách bảo hộ lao động) phối hợp với công đoàn lập kế hoạch về công tác bảo hộ lao động; đồng thời căn cứ vào quy định về trang bị phòng hộ lao động của Bộ để lập dự trù trang bị cho xí nghiệp.
Cán bộ bảo hộ lao động có nhiệm vụ giúp giám đốc đôn đốc nhắc nhở các bộ môn chức năng tiến hành lập kế hoạch đúng với nội dung, yêu cầu của Bộ đã hướng dẫn. Các bộ phận cần bàn bạc lấy ý kiến của cơ sở sản xuất để lập kế hoạch và sau khi lập kế hoạch xong giao lại cho cán bộ bảo hộ lao động để tổng hợp trình giám đốc, chuẩn bị đưa ra hội nghị xét duyệt.
b) Thông qua hội nghị:
Sau khi tổng hợp xong dự thảo kế hoạch bảo hộ lao động do các bộ môn chức năng xây dựng, giám đốc cần tiến hành triệu tập hội nghị cán bộ và đại biểu công nhân để hội nghị thông qua và tham gia ý kiến. Thành phần hội nghị này gồm: giám đốc, Đảng ủy, Công đoàn, Y tế, quản đốc các phân xưởng, và đại biểu công nhân ở tổ sản xuất (mỗi tổ một người). Tại hội nghị giám đốc sẽ:
- Báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động trong năm qua;
- Trình bày phương châm xây dựng kế hoạch và nội dung bản dự thảo để hội nghị thảo luận và thông qua.
Trong quá trình hội nghị tham gia ý kiến xây dựng, giám đốc cần phân ra ba loại ý kiến:
- Loại chưa có điều kiện giải quyết ngay, cần tiếp tục nghiên cứu;
- Loại cần thiết phải làm mà khả năng xí nghiệp có thể tự giải quyết được;
- Loại phải làm nhưng phải đề nghị lên trên xin kinh phí.
3. Tổng hợp và báo cáo.
Trên cơ sở hội nghị đã thông qua, cán bộ bảo hộ lao động tổng hợp lại theo các biểu mẫu đã hướng dẫn (1) để gửi về Bộ xét duyệt.
Kế hoạch bảo hộ lao động cần gửi:
- Vụ Cán bộ lao động (2bản);
- Cục Vật tư;
- Vụ Tài vụ;
- Vụ Kế hoạch;
- Ty Lao động tỉnh;
- Liên hiệp Công đoàn tỉnh;
- Ty Thơng nghiệp tỉnh.
Các Phòng Kế hoạch, Tài vụ, Cung tiêu khi lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài vụ và kế hoạch vật tư thì đồng thời phải tổng hợp cả kế hoạch bảo hộ lao động để trình Bộ xét duyệt cùng một lúc với kế hoạch sản xuất.
Sau khi kế hoạch bảo hộ lao động đã được xét duyệt, giám đốc cần phân công cụ thể cho các bộ môn thực hiện.
Toàn bộ kế hoạch bảo hộ lao động phải được tổng hợp chung với kế hoạch sản xuất và phải gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch) để được xét duyệt cùng một lúc với kế hoạch sản xuất.
Những kế hoạch này (kế hoạch bảo hộ lao động) cũng phải tách ra và gửi cho các cơ quan như mục 3 phần II đã quy định trước ngày 15-11-1964.
Năm nay Bộ sẽ tiến hành chỉ đạo rút kinh nghiệm về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động ở hai nhà máy rượu Hà Nội và giấy Việt Trì để phổ biến cho các xí nghiệp khác.
Chỉ thị này nhằm giúp cho xí nghiệp thực hiện đầy đủ các thông tư quy định của Nhà nước về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động song song với kế hoạch sản xuất. Bộ mong các xí nghiệp nghiên cứu kỹ để thực hiện được đầy đủ và đúng thời gian quy định.
Nếu trong quá trình thực hiện có vấn đề nào chưa rõ, cần cử người về Bộ (Vụ Cán bộ lao động) để được hưởng dẫn cụ thể.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ |
(1) Các biểu mẫu không đăng công bao
- 1Thông tư 18-LĐ-TT-1964 hướng dẫn biện pháp đề phòng tai nạn lao động về mắt đối với công nhân cơ khí do Bộ Lao động ban hành
- 2Thông tư 1541-LĐ/BH năm 1960 Về việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động do Bộ Lao động ban hành
- 3Thông tư 1459-LĐ/BH năm 1959 về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động 1960 do Bộ Lao Động ban hành.
- 1Thông tư liên bộ 11-TT-LB năm 1963 hướng dẫn nguồn kinh phí, việc sử dụng chi cho công tác bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp và ban hành bản liệt kê các biện pháp bảo hộ lao động do Bộ Tài Chính - Bộ Lao động ban hành
- 2Thông tư 18-LĐ-TT-1964 hướng dẫn biện pháp đề phòng tai nạn lao động về mắt đối với công nhân cơ khí do Bộ Lao động ban hành
- 3Thông tư 1541-LĐ/BH năm 1960 Về việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động do Bộ Lao động ban hành
- 4Thông tư 3871-CN năm 1958 về việc tăng cường công tác bảo hộ lao động do Phủ Thủ tướng ban hành
- 5Thông tư 1459-LĐ/BH năm 1959 về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động 1960 do Bộ Lao Động ban hành.
Chỉ thị 162-BCNNh-CBLĐ năm 1964 về việc lập kế hoạch bảo hộ lao động năm 1965 do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành
- Số hiệu: 162-BCNNh-CBLĐ
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 22/09/1964
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nhẹ
- Người ký: Kha Vạn Cân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 34
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra