Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 04 năm 1983 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO VỆ, GÌN GIỮ CÁC DẤU MỐC VÀ CỘT TIÊU ĐO ĐẠC Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố, Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước đang tiến hành công tác đo đạc xây dựng mạng lưới khống chế tọa độ - độ cao Nhà nước và lập bản đồ địa hình trên địa bàn thành phố để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Đây là công trình mang nội dung điều tra cơ bản và khoa học - kỹ thuật với kinh phí đầu tư lớn, cần phải tiến hành nhiều năm mới hoàn thành.
Trong quá trình triển khai công tác đo đạc và bản đồ, Đoàn đo đạc địa hình 7 thuộc Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước đã và sẽ đặt ở các địa phương những dấu mốc đo đạc làm bằng bê tông cồt sắt, gạch, đồng hay sắt sứ tráng men, chôn ngầm dưới đất hoặc nổi trên mặt đất. Trên các dấu mốc, tùy thuộc địa hình cụ thể, có thể lại dựng cột tiêu (1) gỗ cao từ 1,4m đến 19m, hay cột tiêu thép cao từ 19 đến 35m để làm chuẩn và đặt máy đo ngắm.
Công tác đo đạc vẽ bản đồ không phải chỉ làm một lần là xong mà phải tiến hành thường xuyên. Hàng năm và sau mỗi kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, địa hình địa vật thay đổi, bản đồ cần được bổ sung lại kịp thời. Trong những dịp này, Cục đo đạc bản đồ Nhà nước lại sử dụng các dấu mốc đã chôn, các cột tiêu đã dựng để tiến hành đo vẽ. Ngoài Cục đo đạc bản đồ còn nhiều cơ quan của các ngành Trung ương, địa phương và quân đội cũng dùng những dấu mốc này với những yêu cầu và mục đích sử dụng khác nhau.
Những dấu mốc và cột tiêu đo đạc, chứa đựng giá trị tư liệu khoa học to lớn, xây dựng rất tốn kém. Các dấu mốc và cột tiêu đo đạc được đặt ở các địa phương là tài sản xã hội chủ nghĩa cần được bảo vệ chu đáo để sử dụng lâu dài. Để thi hành chỉ thị số 2536-P 1 ngày 4-9-1960 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ, gìn giữ các dấu mốc và cột tiêu đo đạc ở các địa phương và quyết định 206-TTg ngày 17-7-1972 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ cụ thể của Cục đo đạc và bản đồ, mối quan hệ giữa Cục với các ngành, các địa phương trong công tác đo đạc và bản đồ, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các cơ quan Nhà nước nơi có đặt dấu mốc, cột tiêu, tiến hành những việc sau đây :
1. Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước cần nhận thức rõ trách nhiệm bảo quản tốt, bảo vệ, gìn giữ các dấu mốc và cột tiêu đo đạc được đặt ở địa phương, hoặc trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình như tài sản của Nhà nước.
2. Sau khi các dấu mốc được chôn và cột tiêu được dựng, các đơn vị đo đạc (thuộc Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước) sẽ bàn giao trách nhiệm trực tiếp quản lý và bảo vệ các dấu mốc và cột tiêu này cho Ủy ban nhân dân địa phương (phường, xã, thị trấn) hoặc cho các cơ quan Nhà nước nơi các dấu mốc và cột tiêu được đặt. Khi bàn giao hai bên phải làm biên bản giao nhận, ghi rõ vị trí, và tình trạng dấu mốc hay cột tiêu. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn cần chính thức giao công tác quản lý này cho đồng chí Trưởng hoặc phó ban Công an phường, xã, thị trấn, hoặc cho một cán bộ quản lý Nhà đất phường hay cán bộ quản lý ruộng đất xã chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi. Đối với cơ quan Nhà nước thì Thủ trưởng chính thức giao công tác này cho đồng chí Trưởng phòng Hành chánh - quản trị của đơn vị mình.
3. Kể từ ngày ký nhận dấu mốc và cột tiêu đo đạc, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, các cơ quan Nhà nước nơi có đặt dấu mốc, cột tiêu có trách nhiệm :
- Thường xuyên giáo dục cho cán bộ và nhân dân ý thức bảo vệ, gìn giữ các dấu mốt và cột tiêu đo đạc.
- Trông nom, gìn giữ không để dầu mốc và cột tiêu bị phạm đến như : bị xê dịch hay di chuyển đi nơi khác, bị hủy hoại hay làm hư hỏng.
- Thường xuyên kiểm tra, nếu phát thiện có xê dịch hay hủy hoại hư hỏng, phải kịp thời báo cáo cho Đoàn đo đạc địa hình 7 (khu cư xá công nhân Thủ Thiêm, huyện Thủ Đức) theo sự ủy nhiệm của Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước và cho Ban chỉ đạo đo đạc - bản đồ thành phố (175 Hai Bà Trưng, quận 3) biết, đồng thời điều tra tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp.
- Đề phòng mọi hành động phá hoại của địch, của những phần tử xấu, đề phòng mọi hành động vô trách nhiệm hoặc vô ý của người khác
4. Khu đất dùng chôn dấu mốc và dựng cột tiêu đo đạc không được sử dụng vào việc khác. Không được xây dựng bất kỳ công trình gì lên trên hay bên cạnh dấu mốc trong phạm vi 10m, và bên cạnh cột tiêu trong phạm vi dưới 2 lần chiều cao của cột tiêu đó.
5. Mỗi khi xét cần di chuyển dấu mốc hay tháo gỡ cột tiêu, Đoàn đo đạc địa hình 7 sẽ có công văn chính thức báo cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan được ủy nhiệm quản lý dấu mốc, cột tiêu. Cán bộ, nhân viên đảm nhiệm việc di chuyển hay tháo gỡ phải xuất trình giấy ủy nhiệm của Đoàn đo đạc địa hình 7 và cùng với Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan được ủy nhiệm quản lý nói trên làm biên bản tại chỗ, ghi rõ ngày, tháng, tình trạng và lý do di chuyển hay tháo dỡ dấu mốc và cột tiêu.
6. Nếu phường, xã, thị trấn, quận, huyện, cơ quan trong trường hợp rất đặc biệt xét cần phải di chuyển hay tháo dỡ dấu mốc và cột tiêu đo đạc thì Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan đó sẽ đề nghị với Đoàn đo đạc địa hình 7, đồng thời thông báo cho Ban chỉ đạo đo đạc - bản đồ thành phố, và chỉ được tiến hành di chuyển hay tháo gỡ sau khi đã nhận được công văn thỏa thuận của Đoàn đo đạc địa hình 7, tuyệt đối không được tự động làm.
7. Đối với những dấu mốc gắn vào những công trình kiên cố như : chân tường dọc đường phố, chân cầu, tháp cao, sàn gác nhà nhiều tấng v.v.. thì mỗi khi tu sửa hoặc phá dỡ các công trình này cơ quan quản lý các công trình đó phải báo cho Đoàn đo đạc địa hình 7 và Ban chỉ đạo đo đạc - bản đồ thành phố để có kế hoạch phối hợp bảo vệ dấu mốc.
8. Không ai được tự tiện sử dụng các dấu mốc và cột tiêu đo đạc, nếu không được sự thỏa thuận của Đoàn đo đạc địa hình 7 hoặc của Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước. Nhân viên đo đạc của Nhà nước (các ngành Trung ương hoặc địa phương, kể cả quân đội) khi có giấy giới thiệu của Đoàn đo đạc địa hình 7 hoặc của Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước thì Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan được ủy nhiệm quản lý mới cho phép sử dụng dấu mốc và cột tiêu đo đạc ở địa phương hay trong phạm vi quản lý của đơn vị mình, với điều kiện phải bảo đảm không làm hư hỏng và tuân thủ các quy trình kỹ thuật. Sau khi dùng xong, phải báo cáo Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan được ủy nhiệm quản lý đến kiểm tra và nhận lại, nếu có gì thay đổi bất thường phải lập biên bản và phản ảnh với Đoàn đo đạc địa hình 7.
9. Người nào, cơ quan hoặc đơn vị nào tự ý xê dịch, di chuyển các dấu mốc, cột tiêu đo đạc thì phải chịu hoàn toàn phí tổn cho công việc khôi phục lại các dấu mốc, cột tiêu đó.
Người cố ý ph á hỏng, làm hư hại dấu mốc, cột tiêu, gỡ đem về làm của riêng, v.v.. tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị truy tố theo pháp lệnh trừng trị tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước phổ biến rộng rãi chỉ thị này trong cán bộ nhân viên các cơ quan chánh quyền, đoàn thể địa phương, và trong nhân dân để mọi người tích cực tham gia vào việc bảo vệ, gìn giữ các dấu mốc, cột tiêu.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 16/CT-UB năm 1983 về việc bảo vệ, gìn giữ các dấu mốc và cột tiêu đo đạc ở các địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 16/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/04/1983
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/04/1983
- Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra