Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2011/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 28 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂM THÌN 2012

Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, thị trường hàng hoá ổn định, cung cầu hàng hóa bảo đảm. Một số hàng hóa thiết yếu tuy đã có những đợt tăng giá khá mạnh trong một vài thời điểm, nhưng nhìn chung không xảy ra tình trạng sốt giá, ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những ngày tới, theo quy luật, thị trường hàng hoá sẽ sôi động, chi tiêu của người dân vào cuối năm sẽ tăng cao, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, cùng với sự phục hồi kinh tế là các nguy cơ về tái lạm phát, bất ổn cung cầu hàng hoá trên thị trường. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh trên người, vật nuôi và cây trồng trong những tháng cuối năm luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và chăn nuôi của nhân dân.

Trước tình hình trên, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ, hàng hoá với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, nhằm thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16/11/2011 về việc tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 và Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17/10/2011 của Bộ Công Thương về việc đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2011 và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Công Thương

a) Chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hoá nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn để chủ động và kịp thời đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.

b) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, như: đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thịt gia súc gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các loại hàng hoá và dịch vụ theo quy định.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là tổ chức tốt việc bán hàng lưu động gắn với việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và các khu dân cư có lao động thu nhập thấp, tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm thuận lợi.

d) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan tổ chức chu đáo, an toàn các hội chợ Xuân để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết, thực hiện giao lưu văn hoá, vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần thực hiện tốt Chương trình xúc tiến thương mại năm 2011.

đ) Chỉ đạo các đơn vị cung cấp và kinh doanh điện đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho nhân dân trước, trong và sau Tết. Chuẩn bị tốt các phương án dự phòng nhằm giữ ổn định nguồn điện và an toàn trong mọi tình huống.

e) Tăng cường phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc kịp thời thông tin đầy đủ về tình hình giá cả, thị trường. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

2. Sở Tài chính

a) Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn, để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn giá cả thị trường thuộc thẩm quyền và không để xảy ra tình trạng đột biến về giá.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về giá trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, thanh tra kịp thời việc thực hiện Pháp lệnh giá và các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý giá như: việc đăng ký giá, niêm yết giá và bán hàng hoá, dịch vụ theo đúng giá niêm yết, công khai thông tin về giá theo quy định, không để các doanh nghiệp, cá nhân tăng giá, phí tuỳ tiện và các hành vi lợi dụng chủ trương điều hành giá của nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá, ép giá bất hợp lý. Kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm.

3. Sở Y tế

a) Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan, tăng cường công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra việc kê khai, kê khai lại, niêm yết giá thuốc chữa bệnh, giá các dịch vụ y tế để đảm bảo thuận lợi phục vụ cho việc khám và chữa bệnh.

b) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra: vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; kịp thời phát hiện và dập tắt các ổ dịch. Chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tổ chức trực ban 24/24 giờ đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu người bệnh trong dịp Tết.

c) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thức ăn, đặc biệt trong các dịp lễ, tết.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp sở,ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị quản lý chặt chẽ kinh doanh, vận chuyển sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng đối với sản phẩm nông sản, thủy sản trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

b) Tiếp tục chỉ đạo khôi phục và phát triển chăn nuôi đi đôi với triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các điểm có đủ điều kiện về vệ sinh môi trường để bảo đảm có đủ nguồn sản phẩm gia súc, gia cầm sạch cung cấp ra thị trường, phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương trong dịp Tết.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại, như: gian lận trong đo lường và chất lượng xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng; kiểm tra cân đối chứng tại các chợ trung tâm, chợ đầu mối, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

6. Công an tỉnh

a) Chủ trì phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và kịp thời ngăn chặn các vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an phối hợp các huyện, thành, thị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động, tổ chức cho nhân dân cam kết chấp hành nghiêm túc Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

b) Phối hợp với chính quyền các cấp có các phương án cụ thể, phù hợp để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vụ đình công, lãn công trái pháp luật xảy ra tại các doanh nghiệp, không để phức tạp kéo dài, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

7. Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy

a) Chủ động kiểm tra, hướng dẫn việc phòng cháy, chữa cháy tại các khu tập trung đông dân cư; các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ trên địa bàn tỉnh đảm bảo không để xảy ra cháy, nổ.

b) Đảm bảo tốt công tác phòng cháy, chữa cháy tại các điểm bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện chu đáo việc thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sỹ, đối tượng thuộc diện chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn.v.v. để tạo điều kiện cho nhân dân đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 vui vẻ và đầm ấm.

9. Sở Giao thông vận tải

a) Chỉ đạo các các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có các biện pháp điều động, tăng cường phương tiện vận chuyển để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, kiểm tra, rà soát chất lượng phương tiện vận chuyển, không để phương tiện vận chuyển không đảm bảo an toàn tham gia giao thông.

b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra kê khai giá cước vận tải bằng ô-tô trên địa bàn.

10. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

a) Phối hợp với UBND nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của địa phương. Đồng thời, xử lý các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính.

b) Phối hợp với các ngành, các địa phương quản lý tốt các điểm vui chơi giải trí tại các hội chợ xuân trên địa bàn, nhằm đảm bảo cho việc giao lưu văn hoá, vui chơi giải trí theo quy định của pháp luật.

11. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc

a) Chủ động nắm bắt và đưa tin kịp thời về các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường; tránh đưa tin không chính xác, gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân.

b) Phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan dành thời lượng đăng tải, thời gian phát sóng phù hợp để tuyên truyền rộng rãi, vận động doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

12. UBND các huyện, thành, thị

a) Theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, rà soát cung, cầu hàng hoá, chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá đột biến hoặc tung tin thất thiệt, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

b) Phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan chỉ đạo tổ chức các hội chợ xuân, chợ hoa...gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương để bổ sung cung cấp hàng hóa phục vụ nhân dân.

c) Triển khai thực hiện nghiêm túc việc cấm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo theo quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ

d) Phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, thanh tra về giá, kiểm tra việc niêm yết giá trên địa bàn, xử lý vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

đ) Phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường triển khai thực hiện tốt việc khám và chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết; kịp thời ngăn chặn và dịp tắt các nguy cơ lây lan dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát tốt việc vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn...

e) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Ban Quản lý các chợ tổ chức tốt các hoạt động kinh doanh tại các chợ để phục vụ Tết, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua, bán tại chợ.

g) Tổ chức chu đáo chế độ trợ cấp Tết đối với các đối tượng chính sách, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, gia đình nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.v.v. Tích cực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái để giúp đỡ các gia đình nghèo, người già không nơi nương tựa, trẻ em lang thang cơ nhỡ… để tất cả mọi người, mọi nhà đón Tết cổ truyền dân tộc trong không khí vui vẻ, đầm ấm.

h) Thực hiện tốt công tác báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 trước ngày 28/12/2011 (Đợt 1); báo cáo tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa phục vụ Tết trước ngày 15/01/2012 (Đợt 2) và báo cáo kết quả phục vụ Tết trước ngày 27/01/2012 (Đợt 3) về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương.

13. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Vĩnh Phúc

a) Tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước về cho vay ưu đãi tới các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

b) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các biện pháp cho vay, kịp thời cho vay để tăng khả năng thanh toán, đáp ứng vốn cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh ngoại tệ, vàng trái pháp luật gây mất ổn định thị trường.

14. Công ty Điện lực Vĩnh Phúc

a) Tăng cường công tác tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

b) Đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện, ổn định phục vụ cho sản xuất,

kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

c) Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại Điện lực các huyện, thành, thị và thường xuyên kiểm tra công tác an toàn, kịp thời xử lý các sự cố về điện.

15. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

a) Khẩn trương rà soát lại toàn bộ mạng lưới kinh doanh của đơn vị và hệ thống đại lý bán lẻ của doanh nghiệp trên các địa bàn, chủ động mở rộng mạng lưới bán hàng với các điểm bán lẻ, đại lý, quầy hàng lưu động; nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường, tăng thời gian mở cửa bán hàng phục vụ nhiều hơn vào những ngày trước, trong và sau Tết so với ngày thường, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân mua sắm thuận tiện trong dịp Tết.

b) Trên cơ sở kế hoạch thực hiện sản xuất kinh doanh của đơn vị, xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ để phục vụ trong những tháng cuối năm 2011 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, nhằm đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tiêu dùng trên thị trường với cả giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

c) Tuyệt đối không được lợi dụng tình hình giá cả tăng để đầu cơ găm hàng, nâng giá bất hợp lý. Đồng thời, có trách nhiệm đăng ký giá và kê khai giá đối với những mặt hàng thuộc diện phải đăng ký, kê khai giá theo quy định.

d) Đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và tăng lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường. Đồng thời, tích cực thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá bán, áp dụng đa dạng các dịch vụ sau bán hàng và tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu và cung ứng hàng cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn: xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 theo yêu cầu của Chỉ thị. Đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương trước ngày 27/01/2012) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/2011/CT-UBND về tăng cường thực hiện biện pháp bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 16/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Phùng Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản