Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2004/CT-UB

Đồng Hới, ngày 17 tháng 05 năm 2004

 

CHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

VỀ VIỆC TIẾP TỤC CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NQ 13/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP KIỀM CHẾ GIA TĂNG VÀ TIẾN TỚI GIẢM DẦN TAI NẠN GIAO THÔNG

Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 22/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần TNGT và ùn tắc giao thông, nhìn chung tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta đã có những chuyển biến rõ rệt, ý thức chấp hành luật giao thông trong các tầng lớp nhân dân đã nâng lên một bước, tai nạn giao thông trong năm 2003 giảm cả về số vụ, số người chết và người bị thương. Đạt kết quả trên là do có sự tập trung chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp các ngành chức năng, cùng với sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuy vậy Quý I/2004, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta diễn biến rất phức tạp, đã xẩy ra 115 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 61 người, bị thương 110 người; so với quý I/2003 tăng 10 người chết (19,6% . Nguyên nhân của tình trạng trên vẫn là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông chưa được đề cao, đặc biệt là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy vi phạm luật giao thông diễn ra khá phổ biến như: Chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, uống rượu bia quá nồng độ quy định, không đội mũ bảo hiểm ở những đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, nhân dân chấp hành luật giao thông ở một số ngành, địa phương đã bị buông lỏng chưa quan tâm. Công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết.

Trước tình hình đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, chỉ thị số 12/2004/CT-Tg ngày 30/3/2004 của Thủ Tướng Chính phủ và ý kiến kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết, bàn giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện NQ 13/NQ - CP của Chính phủ trong năm 2004, UBND tỉnh yêu cầu:

Giám đốc các sở thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan TW đóng trên địa bàn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai các mặt công tác sau đây:

1. Tổ chức sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 13/NQ - CP của Chính phủ bàn giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chủ động đấu tranh phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xẩy ra trên từng địa phương, cơ quan đơn vị, trong năm 2004.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục luật giao thông, tổ chức ký cam kết đến từng hộ trong gia đình, từng cán bộ, nhân dân trong các cơ quan đơn vị, địa phương về ý thức chấp hành luật giao thông, xem đây là một tiêu chí thi đua để đánh giá phân loại cán bộ, gia đình văn hoá; nhằm duy trì và phát huy tốt phong trào “toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ”.

- Tập trung chỉ đạo các xã, phường, tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm khắc mọi hành vi, vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông; xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc cấp phép sử dụng hành lang các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; kiên quyết giải toả những nơi tái lấn chiếm.

2. Công an tỉnh: Cần tập trung lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm trật tự an toàn giao thông, ngoài biện pháp xử lý phạt tiền cần áp dụng các biện pháp mạnh về tạm giữ phương tiện; nhất là đối với phương tiện mô tô, xe máy, công nông...vi phạm luật giao thông đường bộ.

- Trong khi chờ sửa đổi Nghị định số 15/2003/NĐ-CP của chính phủ, để thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị số 12/2004/CT-TTg ngày 30/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh yêu cầu lực lượng công an cần áp dụng ngay một số biện pháp mạnh về tạm giữ phương tiện như sau:

+ Tạm giữ phương tiện 15 ngày đối với những hành vi: người điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe; chạy quá tốc độ quy định đến 15km/h; vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định (trừ người ốm); uống bia rượu quá nồng độ quy định.

+ Tạm giữ 30 ngày đến 60 ngày hoặc tịch thu phương tiện đối với các hành vi: Điều khiển mô tô xe máy chạy lạng lách đánh võng, cố tình quệt chân chống xuống lòng đường, hoặc có hành vi vi phạm khác mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và việc xử lý của người thi hành nhiệm vụ.

+ Tạm giữ 15 đến 30 ngày đối với các hành vi: Người điều khiển công nông không có giấy phép lái xe, phương tiện không đăng ký, không kiểm định kỷ thuật, đi đêm không có đèn chiếu sáng, đèn báo hiệu phía sau.

- Cùng với ngành trong khối Nội chính điều tra xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để răn đe giáo dục chung. Chủ động triển khai thực hiện các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tệ đua xe trái phép.

3. Ngành giao thông vận tải: Tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng những đoạn đường xung yếu đã có trong kế hoạch, các nút giao thông quan trọng; khảo sát bổ sung hệ thống cọc tiêu biển báo nhất là biển báo hạn chế tốc độ ở những đoạn đường nguy hiểm thường xuyên xảy ra tai nạn; xây dựng quy hoạch phương án nơi đổ xe qua đêm; bến dừng đón trả khách theo đúng quy định, không để tình trạng “cơm tù ”, “xe dù, bến cốc ” xẩy ra.

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004 và Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13/01/2004 của Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách và quy định niên hạn sử dụng phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách, nghiêm cấm đưa phương tiện không đảm bảo an toàn kỷ thuật vào hoạt động. Tăng cường quản lý phương tiện vận tải nhỏ ( xe lắp ráp, công nông ) nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm định kĩ thuật an toàn phương tiện.

- Tăng cường lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra an toàn hệ thống, cầu đường, bảo vệ hành lang ATGT, kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm minh những hành vi tái lấn chiếm lòng đường vỉa hè để kinh doanh họp chợ.

4. Trên lĩnh vực đường thuỷ, nội bộ: Cần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong công tác quản lý ATGT đường thuỷ, nhất là công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến sông trọng điểm, tuyến du lịch Phong nha - Xuân sơn, bảo vệ tốt các công trình giao thông đường thuỷ, nội địa, chủ động phòng chống bảo, lụt xẩy ra.

5. Ngành đường sắt: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đối với học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân dọc tuyến đường sắt: không vi phạm hành lang ATGT đường sắt, không trộm cắp vật tư thiết bị đường sắt, không ném đất đá lên tàu... nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

- Rà soát kiểm tra các hệ thống đường ngang qua đường sắt chú ý các điểm giao cắt với đường bộ, chủ động phối hợp với ngành giao thông vận tải, UBND các cấp có biện pháp khắc phục “gom ” các đường ngang tự mở, nhằm phòng ngừa hạn chế TNGT qua đường sắt.

6. Ngành giáo dục đào tạo: Chủ động triển khai thực hiện tốt việc đưa luật giao thông đường bộ và giảng dạy trong các cấp học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục luật lệ giao thông, nghiêm cấm học sinh đi xe máy đến trường. Phối hợp với lực lượng Công an tổ chức kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm khắc những học sinh không thực hiện đúng quy định khi sử dụng mô tô, xe máy; thông báo chặt chẽ những trường hợp vi phạm luật giao thông, xem đây là một nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức học sinh ở nhà trường.

7. Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ nhân dân nâng cao ý thức chấp hành luật ATGT; triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ” xem đây là một tiêu chí trong đánh giá, bình xét các tiêu chuẩn thi đua hàng năm của cá nhân, tập thể, đơn vị, địa phương.

8. Các cơ quan tuyên truyền ở tỉnh và các huyện, thị xã: Cần duy trì và nâng cao chất lượng tuyên truyền phổ biến luật ATGT, coi đây là công tác thường xuyên trong chương trình Phát thanh - Truyền hình và Báo địa phương nhằm hướng dư luận xã hội vào vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; kịp thời phản ánh gương người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán những vi phạm, tiêu cực trong các hoạt động bảo đảm TTATGT.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã khẩn trương triển khai chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này.

Ban ATGT tỉnh có trách nhiệm đôn đốc các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên và tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình 30 ngày một lần về việc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng chính phủ;
- UBATGT Quốc gia;
- Bộ công an; Để báo
- Bộ GT - VT;
- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh uỷ:
- Văn phòng HĐND- UBND;
- Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ;
- Ban dân vận tỉnh uỷ;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;Để thực hiện
- Các ban ngành cấp tỉnh;
- CT UBND các huyện, thị xã;
- Lưu VT, NC.

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/2004/CT-UB về tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP về giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 16/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/05/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Phan Lâm Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản