Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 1970 

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾT KIỆM CHI TIÊU TRONG VIỆC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ, TIẾP KHÁCH,MUA SẮM VÀ SỬ DỤNG ĐỒ ĐẠC, PHƯƠNG TIỆN LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC 

Để bảo đảm hoạt động bình thường của bộ máy Nhà nước, việc sử dụng các nguồn vốn và kinh phí để giải quyết các nhu cầu chi tiêu về tổ chức hội nghị, tiếp khách, mua sắm và sử dụng đồ đạc, phương tiện làm việc phải quán triệt yêu cầu tiết kiệm triệt để và nghiêm ngặt.

Vì chưa quán triệt yêu cầu nói trên, nhiều nơi đã:

- Mua sắm và phân phối sử dụng ô-tô, mô-tô, xe đạp, máy thu thanh, quạt máy, giường, tử, bàn, ghế, v.v... rất tùy tiện;

- Tổ chức biểu diễn văn công, chiếu bóng, ăn uống bừa bãi nhân các cuộc hội nghị, tiếp khách;

- Mua quà biếu xén đại biểu dự hội nghị, khách đến tham quan, v.v...

Những việc làm không đúng ấy, không chỉ gây lãng phí tiền của của Nhà nước, nghiêm trọng hơn, nó đã nêu gương xấu trong nội bộ, gây dư luận không tốt ngoài xã hội, làm chỗ dựa cho những phần tử xấu lợi dụng, tham ô, móc ngoặc tiền hàng của Nhà nước, trái với đạo đức cần kiệm, liêm chính, nhất là trong khi Đảng và Nhà nước đang động viên nhân dân thực hiện khẩu hiệu “tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.

Tất cả các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế quốc doanh, các tổ chức và đoàn thể được Nhà nước trợ cấp về tài chính (dưới đây gọi chung là các cơ quan) phải nhận thức cho rõ ảnh hưởng của những việc làm không đúng, và phải tự giác chấp hành nghiêm chỉnh những quy định dưới đây.

I. HỘI NGHỊ

1. Cơ quan tổ chức hội nghị phải cân nhắc kỹ thành phần triệu tập, chuẩn bị kỹ nội dung, để các cuộc hội nghị giải quyết nhanh, gọn, thiết thực mọi việc cần thiết, tiết kiệm thì giờ và của cải.

2. Cơ quan tổ chức hội nghị được chi các khoản sau đây:

a) Nước uống, dầu đèn, tài liệu hội nghị và thuốc chữa bệnh thông thường cho đại biểu;

b) Tiền thuê người phục vụ hội nghị trong trường hợp thật cần thiết, tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp cơ quan không bố trí được chỗ ngủ cho đại biểu, lệ phí nộp nhà ăn tập thể cho đại biểu;

c) Tiền ăn trong thời gian hội nghị, tiền tàu xe và ăn đường (đi và về) cho những đại biểu không ở trong biên chế Nhà nước được mời dự hội nghị.

3. Trừ những hội nghị có tính chất đặc biệt có chế độ chi tiêu riêng do Bộ Tài chính bàn với các ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, nay nghiêm cấm cơ quan tổ chức hội nghị lấy bất cứ nguồn vốn hoặc kinh phí nào của Nhà nước để chi các khoản sau đây:

a) Chiêu đãi ăn uống (tiệc mặn, tiệc trà, phụ cấp thêm cho đại biểu bằng tiền và hàng hóa, thuốc lá, chè tốt để xuất khẩu);

b) Chiêu đãi văn công, chiếu bóng, v.v... ;

c) Tặng phẩm, quà biếu, chụp ảnh lưu niệm có tính chất cá nhân;

d) Tham quan có tính chất giải trí.

4. Cơ quan tổ chức hội nghị chỉ được tổ chức cho đại biểu đi tham quan các cơ sở sản xuất nếu:

- Là hội nghị bàn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có yêu cầu học tập kinh nghiệm trong thực tế sản xuất;

- Được cấp phụ trách cao nhất của ngành hay của địa phương cho phép.

Những ngày đại biểu đi tham quan coi như những ngày hội nghị và áp dụng chế độ chi tiêu hội nghị. Tiền tàu xe đại biểu đi tham quan tính theo chế độ công tác phí.

II. TIẾP KHÁCH

1. Đối với việc tiếp khách trong nước, bao gồm tất cả các loại khách (khách ở ngành khác, địa phương khác đến, ở cấp trên về, v.v... ) các cơ quan đều không được chi tất cả các khoản như đã nói ở mục I, điểm 3 như chiêu đãi ăn uống, văn công, tặng phẩm, v.v...

Nghiêm cấm cán bộ các ngành, các cấp nhận quà tặng của địa phương và cơ sở.

2. Đối với những cuộc họp mặt nhân dịp những ngày lễ lớn (họp mặt với gia đình thương binh, liệt sĩ, với gia đình đi B, C, v.v... ) các cơ quan được chi tiêu theo tiêu chuẩn đầu người do Bộ Tài chính quy định.

3. Đối với việc tiếp khách nước ngoài, các cơ quan phải chấp hành đúng Chỉ thị số 12-TTg ngày 02-02-1969.

III. MUA SẮM ĐỒ ĐẠC, PHƯƠNG TIỆN LÀM VIỆC

1. Cho đến khi có lệnh mới, đình chỉ mọi việc mua sắm xe cộ, dụng cụ, đồ đạc và phương tiện sinh hoạt. Mọi yêu cầu về bổ sung, thay thế dụng cụ, đồ đạc đều phải giải quyết bằng cách điều chỉnh trong số hiện có ở các ngành và các địa phương. Nếu có trường hợp đặc biệt cần mua sắm mới thì phải do thủ trưởng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ (đối với các ngành ở trung ương), hoặc Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố (đối với các ngành địa phương) quyết định, sau khi bàn với cơ quan tài chính cùng cấp.

2. Các ngành, các địa phương phải nghiêm chỉnh chấp hành và đôn đốc các đơn vị chấp hành chế độ kiểm kê tài sản; trên cơ sở kết quả kiểm kê mà tiến hành điều hòa tài sản trong nội bộ ngành cho hợp lý nhằm bảo đảm công tác. Tài sản thừa quá tiêu chuẩn phải kê khai rành mạch và báo cho cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình tài sản thừa ở các cơ quan và làm nhiệm vụ điều động, phân phối lại tài sản giữa các ngành, các đơn vị. Các ngành, các đơn vị có tài sản thừa có trách nhiệm thi hành nhanh chóng và đầy đủ quyết định điều động tài sản thừa của cơ quan tài chính. Nếu không thi hành hay thi hành chậm trễ thì cơ quan tài chính báo cáo lên cấp trên để xử lý.

3. Trong khi chờ đợi nghiên cứu lại toàn diện chế độ, tiêu chuẩn cung cấp nhà ở, điện nước, phương tiện sinh hoạt, v.v... đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, các ngành, các cấp phải chấp hành đúng các chế độ, tiêu chuẩn đã quy định trong thông tư số 529-TTg ngày 08-02-1958 của Thủ tướng Chính phủ. Những dụng cụ, đồ đạc, đã cung cấp quá tiêu chuẩn đều phải thu hồi để điều động cho những nơi còn thiếu.

IV. SỬ DỤNG XE CÔNG

Các ngành, các cấp phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Nhà nước về sử dụng xe ô-tô, xe đạp, xe mô-tô, xe máy công. Nghiêm cấm việc lấy xe ô-tô công, xe mô-tô, xe mô-tô, xe máy công dùng ngoài quy định của Nhà nước.

Trong việc tổ chức thực hiện chỉ thị này, Bộ Tài chính có trách nhiệm:

1. Quy định cụ thể các tiêu chuẩn, định mức chỉ tiêu và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành;

2. Bàn với Bộ Nội thương, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch phối hợp quản lý chặt chẽ việc chi tiêu;

3. Cùng các ngành và các địa phương tính toán và tiết kiệm khoảng 1/3 dự trù các khoản chi tiêu ngay trong những tháng cuối năm 1970.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành và kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành chế độ tiết kiệm này; tuyệt đối không được tự ý đặt ra những chế độ, tiêu chuẩn chỉ tiêu riêng, khác với những quy định chung của Nhà nước.

Người ra lệnh chi sai chế độ, tiêu chuẩn đã quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường cho công quỹ những khoản tiền đã chi sai; ngoài ra nếu xét cần còn có thể bị thi hành thi hành kỷ luật về hành chính.

Chỉ thị này cần được phổ biến cho toàn thể công nhân, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế quốc doanh, các tổ chức và đoàn thể được Nhà nước trợ cấp về tài chính.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Đỗ Mười

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 159-TTg năm 1970 về tiết kiệm chi tiêu trong việc tổ chức hội nghị, tiếp khách, mua sắm và sử dụng đồ đạc, phương tiện làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 159-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/09/1970
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 20/09/1970
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản