Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1565/CT-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Đây là một đạo luật mới, quan trọng, là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường khi bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ. Luật quy định một cách toàn diện, cụ thể về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; trách nhiệm giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước ở các ngành, các cấp; cơ chế giải quyết bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Việc thi hành Luật sẽ tác động nhiều mặt đến hoạt động của các cơ quan nhà nước ở các cấp, các ngành, đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Để bảo đảm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu quả đòi hỏi các cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương phải nhận thức đầy đủ, thống nhất về ý nghĩa, nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; cán bộ, công chức phải nhận thức rõ được trách nhiệm công vụ của mình, cũng như các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về quyền yêu cầu bồi thường nhà nước và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường để thực hiện quyền được bồi thường của mình.
Để việc triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a. Tổ chức triển khai việc tuyên truyền, phổ biến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến mọi tổ chức, cá nhân trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình. Đối với đối tượng là cán bộ, công chức, cần kết hợp việc quán triệt tinh thần và nội dung các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm công vụ, đặc biệt là cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về chức trách của công chức, cần nhận thức đầy đủ về những hành vi, quyết định hành chính được quy định trực tiếp trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà việc thực hiện các hành vi hay quyết định này có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
b. Chỉ đạo việc phân công theo dõi và trách nhiệm thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi các trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo đảm kịp thời giải quyết bồi thường theo yêu cầu của người bị thiệt hại;
c. Xác định nhu cầu sử dụng kinh phí cho công tác bồi thường và lập dự toán ngân sách cho công tác này để bảo đảm nguồn kinh phí chi trả tiền bồi thường kể từ ngày Luật này có hiệu lực;
d. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ, công chức được giao thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường;
đ. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi bộ, ngành và địa phương mình.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm:
a. Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bảo đảm Nghị định có hiệu lực thi hành cùng đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật;
b. Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự (tháng 11 năm 2009);
c. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự (tháng 11 năm 2009);
d. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng (tháng 11 năm 2009);
đ. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (quý IV năm 2009);
e. Biên soạn tài liệu, xây dựng chương trình tập huấn về pháp luật, về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng pháp luật, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ giải quyết bồi thường (quý IV năm 2009, quý I và II năm 2010);
g. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm việc triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thông suốt và hiệu quả;
h. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng kế hoạch liên ngành để thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng (tháng 10 năm 2009).
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a. Ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước về bồi thường (tháng 11 năm 2009);
b. Bố trí kinh phí bảo đảm công tác thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo yêu cầu tại Chỉ thị này.
4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm:
a. Ban hành văn bản hướng dẫn về việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ;
b. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức để hạn chế các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
5. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm:
a. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;
b. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự.
6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
a. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
b. Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự.
c. Phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.
7. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 1565/CT-TTg năm 2009 thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1565/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/10/2009
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 477 đến số 478
- Ngày hiệu lực: 06/10/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra