Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 15-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 1964 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỐNG XÓI MÒN, GIỮ ĐẤT, GIỮ MẦU, GIỮ NƯỚC
I. CHỐNG XÓI MÒN LÀ MỘT CÔNG TÁC HẾT SỨC QUAN TRỌNG VÀ CẤP BÁCH
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta phải quản lý và sử dụng đất đai cho thật tốt, làm cho đất ngày càng tốt hơn, để tăng năng suất cây trồng và phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Nhưng hiện nay một bộ phận quan trọng đất đai của ta nhất là ở trung du và miền núi đang bị xói mòn, thoái hóa nghiêm trọng. Theo tài liệu nắm được thì hiện nay có khoảng 5 triệu éc-ta đồi trọc, chiếm 30% toàn bộ đất đai và khoảng 50.000 éc-ta đất bạc mầu chiếm 25% diện tích canh tác. Ở vùng đồng bằng và ven biển tuy tình hình xói mòn, thoái hóa ít nghiêm trọng hơn nhưng cũng phải chú ý. Tình hình trên đây chẳng những đã và sẽ gây những khó khăn lớn cho việc giữ vững và tăng năng suất cây trồng mà còn gây những tác hại nghiêm trọng đến các mặt khác: đất bị xói mòn, không giữ được nước và độ ẩm làm cho hạn ngày thêm gay gắt, lũ và lụt xẩy ra nghiêm trọng.
Nguyên nhân của trình trạng xói mòn nói trên, một phần là do hoàn cảnh thiên nhiên của nước ta, nhưng chủ yếu là do hậu quả của những chế độ cũ để lại. Nước ta ở vùng nhiệt đới, có nhiều điều kiện thuận lợi về sản xuất nông nghiệp, nhưng đồng thời nắng gay gắt, mưa lại nhiều và tập trung, địa hình nhiều đồi núi, nên đất dễ bị xói mòn. Từ trước đến nay, hàng năm có từ 150.000 éc-ta đến 250.000 éc-ta rừng bị cháy (do đốt rừng để săn thú, lấy củi, đốt đồng cỏ…) và bị đốt để làm nương rẫy; đất đai không được quản lý chặt chẽ, khai hoang chưa được hướng dẫn đầy đủ. Phần lớn đất canh tác lại không làm theo đúng kỹ thuật khoa học, thiếu công trình giữ nước, giữ mầu, thiếu phân bón nên trình trạng đất bị xói mòn, thoái hóa ngày càng nghiêm trọng.
Phải nhận rõ tình hình nghiêm trọng trên đây và thấy thật rõ thực chất của từng hiện trạng để có những biện pháp thiết thực ngăn chặn kịp thời những việc làm gây ra xói mòn đồng thời phải có một kế hoạch toàn diện, thường xuyên, lâu dài để chống xói mòn một cách căn bản.
II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP CỤ THỂ TRƯỚC MẮT
Trong khi chờ đợi một số kế hoạch toàn diện và dài hạn để chống xói mòn và cải tạo đất bạc mầu, Hội đồng Chính phủ đề ra một số biện pháp cụ thể trước mắt sau đây:
1. Tăng cường những biện pháp kỹ thuật để hạn chế xói mòn, cải tạo dần đất đã thoái hóa;
Cần phải xây dựng gấp những chế độ cụ thể và thiết thực trong việc chọn đất canh tác, trong việc khai hoang, cách trồng trọt, bón phân trong việc xây dựng những công trình giữ nước và giữ mầu đất cho thích hợp với từng vùng.
a) Trong điều kiện hiện nay không được khai hoang ở những nơi có độ dốc quá cao. Đối với nơi trồng cây hàng năm phải chọn nơi dốc dưới 20 độ, trồng cây lâu năm thì chọn nơi dốc dưới 30 độ. Khi khai hoang không được phá trọc hết đồi bãi mà cần chừa những vành đai rừng để giữ nước, giữ đất, giữ độ ẩm, chống gió bão… Những nông trường, những hợp tác xã đã làm không đúng những điều quy định trên đây cần có biện pháp chữa dần. Hết sức tránh khai hoang vào mùa mưa, tránh đốt rừng để khai hoang.
b) Phải có chế độ luân canh, bón phân hợp lý đối với từng loại đất và từng loại cây nhằm trả lại mầu mỡ và bồi dưỡng đất. Trong mọi trường hợp có thể trồng những loại cây ngắn ngày có tác dụng phủ đất và bồi dưỡng đất, nên tranh thủ trồng nhiều những loại cây họ đậu, cây phân xanh xen vào giữa các cây lâu năm.
Ở đất dốc nhất thiết không trồng xuôi theo chiều dốc, hoặc theo hình vuông như ở đất bằng, mà phải trồng thành hàng rào, thành vành nón để giữ đất. Cầy, bừa, cuốc, xới cũng phải theo đường đồng mức kết hợp với khơi rãnh ngang, đắp bờ ngang và gây thành ruộng bậc thang, v.v… Những nơi nào đã làm sai phải tìm mọi cách sửa lại.
Ở những vùng đất bạc mầu, thoái hóa, các biện pháp trên đây phải được quy định chặt chẽ hơn.
c) Phải hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân vùng đồi núi xây dựng các hồ chứa nước: các bờ đập, mương, rãnh, hồ vây cá… để giữ nước, ngăn lũ, giữ độ ẩm. Phải xây dựng những công trình để hạn chế hoặc cải tạo dòng chảy ở các khe suối có hiện tượng xói lở. Ở vùng đồng bằng, nhất là trong các hệ thống nông giang cũng cần có những công trình nhỏ ngăn nước cuốn mầu và đất, tạo thành xói mòn.
2. Ngăn cấm những hành động làm thiệt hại rừng, tích cực phục hồi và trồng thêm rừng:
a) Phải rất chú trọng bảo vệ rừng, chủ động và tích cực phòng và chống cháy rừng. Chấp hành nghiêm chỉnh nghị định số 221-CP ngày 29-12-1961 của Hội đồng Chính phủ.
Từ nay trở đi cấm ngặt việc đốt đồng cỏ để lấy cỏ non chăn nuôi. Phải thay thế việc đốt đồng cỏ bằng cách trồng cỏ hay hoa mầu cho gia súc. Cấm ngặt việc đốt đồi núi để lấy củi, lấy tro. Ở những xã có những người chuyên đi kiếm củi phải tích cực giáo dục và hướng dẫn cách lấy củi, có kế hoạch tích cực trồng cây để sử dụng lâu dài, tổ chức thành tổ, nhóm để kiểm soát lẫn nhau, không được chặt cây bừa bãi.
b) Đối với những nơi có tập quán làm nương rẫy phải hết sức hạn chế việc đốt rẫy và tiến tới bỏ tập quán lạc hậu này. Biện pháp chủ yếu là hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào định canh, định cư tại chổ để ổn định sản xuất. Tùy theo đặc điểm từng nơi mà định phương hướng sản xuất cụ thể. Có thể ổn định sản xuất bằng thâm canh tăng năng suất cây trồng, kết hợp cây trồng hàng năm, và cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi và trồng trọt, kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác lâm sản.
Từng địa phương phải tạo được điển hình tốt để thuyết phục đồng bào tự giác tự nguyện định cư, định canh, không được dùng mệnh lệnh, gò ép.
c) Phải kiên quyết bảo vệ các đầu nguồn, dọc các bờ sông suối, dọc các đường giao thông mà hai bên có độ dốc cao… Phải nghiêm cấm đốt rẫy, khai hoang ở những nơi đó. Ủy ban hành chính tỉnh phải quy định những rừng, những vùng cần bảo vệ (sau khi đã thảo luận nhất trí với các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, quốc phòng…)
d) Cần đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, nhất là trên các đồi trọc, vùng bị bạc mầu, những nơi rừng đã bị tàn phá nhiều, nhất là ở vùng trung du và liên khu 4 cũ. Ở vùng đồng bằng và ven biển cũng phải trồng cây. Từng tỉnh đều phải có kế hoạch trồng cây. Phải chỉ đạo chặt chẽ kỹ thuật trồng cây trên đồi trọc, kỹ thuật tu bổ và cải tạo rừng.
Trong việc xây dựng các thành phố, các thị trấn, các khu công nghiệp lớn, các hầm mỏ… phải làm những công trình chống xói mòn cần thiết, và phải giữ lại những diện tích rừng hoặc đất trồng cây ở chung quanh thành phố.
3. Phải đưa công tác khai hoang vào nền nếp, tránh tình trạng khai hoang bừa bãi không đem lại kết quả tốt mà chỉ làm cho đất thêm bị xói mòn.
Từ nay trở đi bất kỳ tổ chức và cá nhân nào muốn khai hoang điều phải xin phép Ủy ban hành chính tỉnh, Ủy ban hành chính các tỉnh ở trung du, miền núi, miền biển phải nhắm trước những nơi, những hướng có thể khai hoang để hướng dẫn việc khai hoang.
Tổng cục Khai hoang cần nghiên cứu để trình Hội đồng Chính phủ ban hành sớm một quy định về việc khai hoang.
Để giúp các Ủy ban hành chính tỉnh có căn cứ mà xét việc cấp đất cho khai hoang, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần cùng với các ngành lâm nghiệp, nông nghiệp, nông trường và khai hoang hướng dẫn các tỉnh làm quy hoạch về phân phối và sử dụng đất đai.
III. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH
Chống xói mòn là một nhiệm vụ rất to lớn có quan hệ đến nhiều mặt công tác, là trách nhiệm của toàn dân, của tất cả các ngành nhất là những ngành có sử dụng đất và có trách nhiệm quản lý đất. Để bảo đảm thực hiện tốt chỉ thị này:
1. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chống xói mòn trong quần chúng, đặc biệt là nhân dân ở vùng đồi núi. Các ngành, các Ủy ban hành chính các cấp, các đoàn thể từ trung ương đến địa phương phải thấy thật rõ tầm quan trọng của công tác chống xói mòn, có chuyển biến mạnh về tư tưởng, giáo dục cho cán bộ và nhân dân thấy rõ tác hại của xói mòn để có những biện pháp và hành động thiết thực chống xói mòn.
Cần đề phòng hai khuynh hướng lệch lạc: Một là không thấy tác hại, chỉ biết lợi ích trước mắt không thấy lợi ích lâu dài; hai là vì sợ xói mòn một cách máy móc mà hạn chế khai hoang, đòi hỏi những điều không phù hợp với trình độ và khả năng hiện nay của ta. Phải chiếu cố đến trình độ và tập quán của đồng bào ở từng nơi. Ngoài các hình thức tuyên truyền, giáo dục thông thường, cần đưa vấn đề chống xói mòn vào chương trình giáo dục ở các trường học.
2. Các Bộ Nông nghiệp, Nông trường, Thủy lợi, Kiến trúc, Công nghiệp nặng và Tổng cục Khai hoang, Tổng cục Lâm nghiệp cần căn cứ vào chỉ thị này mà vạch kế hoạch cụ thể để nghiêm chỉnh chấp hành trong ngành mình, và hướng dẫn những nơi đã làm sai sửa lại theo những điều đã quy định.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, trong khi xét duyệt các công trình, cần chú ý đến việc chống xói mòn. Ủy ban Khoa học Nhà nước cần tiếp tục cùng các ngành nghiên cứu những biện pháp bổ sung cần thiết về chống xói mòn để trình Chính phủ xét và ban hành.
3. Ủy ban hành chính từng tỉnh cần kiểm điểm tình hình xói mòn trong địa phương, đề ra và thi hành tích cực các biện pháp cụ thể để giải quyết tình hình ấy.
Ủy ban hành chính các tỉnh có rừng phải có những biện pháp đề phòng, chống cháy rừng nhất là trong mùa hanh khô và giao trách nhiệm cụ thể cho từng huyện, từng xã về việc này.
Ủy ban hành chính các huyện, xã có đồng bào làm nương rẫy cần cử cán bộ đến bàn với đồng bào làm nương rẫy, tổ chức tốt việc phát rừng để làm nương rẫy và hướng dẫn cho đồng bào cách trồng trọt nhằm bảo vệ các đầu nguồn, các khu rừng quan trọng, không để việc đốt rừng làm nương rẫy phát triển thêm.
Mong các ngành và Ủy ban hành chính các cấp tích cực thực hiện các quy định trước mắt nhằm hạn chế tình trạng xói mòn nói ở trên đây.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 15-TTg năm 1964 về chống xói mòn, giữ đất, giữ mầu, giữ nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 15-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/02/1964
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 26/02/1964
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra