Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Bình Định, ngày 17 tháng 8 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI, ĐOÀN KẾT GIÚP NHAU LÀM GIÀU VÀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-CTUBND ngày 23/01/2007 của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, đoàn thể và nông dân trong tỉnh tham gia hưởng ứng tích cực. Phong trào tiếp tục phát triển, có sức lan tỏa cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ và trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông dân, lôi cuốn khích lệ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù sáng tạo, dám nghệ dám làm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt. Phong trào cũng đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng nhau làm giàu và giúp hộ nghèo vươn lên, tạo nhiều việc làm ở nông thôn; tích cực giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời qua phong trào tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong việc: nâng cao năng lực tổ chức quản lý, điều hành, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tập hợp được đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương và cấp tỉnh còn thấp. Việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nông dân về phát triển kinh tế chưa đi vào chiều sâu; chưa khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của phong trào nên chưa quan tâm công tác chỉ đạo. Chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể để huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và sự tham gia của xã hội cho phát triển phong trào. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân SXKDG còn lúng túng. Thiếu sự phối hợp hoạt động gắn kết giữa công tác dạy nghề, xây dựng và đầu tư nguồn vốn cho phong trào; phương thức sản xuất còn manh mún, tự phát; trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý còn yếu; hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế; chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chuẩn tương trợ giúp hộ nghèo, hộ còn gặp khó khăn làm cho tính chất và nội dung của phong trào chưa toàn diện.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm đưa phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, góp phần vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các cấp các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào, hình thành các mô hình liên kết sản xuất lớn, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi; vận động và tạo nguồn lực để phong trào có bước phát triển mới nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hình thành những vùng sản xuất hàng hoá tập trung đạt năng suất cao, tiêu chuẩn an toàn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế Các cấp Hội cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2020, tỷ lệ bình quân hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương đạt 5%, cấp tỉnh, thành phố đạt 10%, cấp huyện, thị đạt 25% và cấp cơ sở đạt 60%; mỗi xã (phường, thị trấn) có ít nhất 1 mô hình kinh tế về liên kết hợp tác của các hộ SXKD giỏi có hiệu quả do Hội Nông dân tổ chức vận động thực hiện.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hội Nông dân tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh định kỳ tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi để đánh giá kết quả thực hiện phong trào nói riêng và tình hình thực hiện các chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Sở Lao động - Thương binh xã hội: hàng năm phân bổ chỉ tiêu dạy nghề cho đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với việc xây dựng, mô hình theo quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ kinh phí xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững cho Hội Nông dân thực hiện.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt các chính sách liên quan đến đất đai; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ các quyền sử dụng đất, khuyến khích nông dân thực hiện việc tích tụ ruộng đất, “dồn điền đổi thửa”, chuyển nhượng trên cơ sở tự nguyện, khuyến khích nông dân sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần tham gia liên doanh, liên kết sản xuất.

5. Các đơn vị khoa học - kỹ thuật, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần thực hiện tốt vai trò cầu nối và cung cấp dịch vụ trên các lĩnh vực như: chuyển giao tiến bộ KHKT, dịch vụ hỗ trợ vật tư giống cây trồng, vật nuôi, thú y, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân chủ yếu là đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.

6. Các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng mà đặc biệt là Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

7. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020” và Quyết định 97/QĐ-UBND ngày 13/01/2015 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng phát triển và có hiệu quả thiết thực. Hàng năm cân đối ngân sách địa phương hỗ trợ cho Hội Nông dân để thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn. Phối hợp Hội Nông dân cùng cấp tổ chức hội nghị sơ, tổng kết, biểu dương những mô hình, gương điển hình SXKD giỏi trên địa bàn nhằm nhân rộng và đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi chung toàn tỉnh.

8. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp:

- Vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung tích tụ ruộng đất, nâng qui mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, để tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa.

- Phối hợp với các hội, đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi; tổ chức bình xét để tôn vinh các hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp theo tiêu chí do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quy định.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2017 về tiếp tục đẩy mạnh Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 15/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Trần Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản