ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 15/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 4 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG KẾ HOẠCH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TỆ NẠN XÃ HỘI Ở THÀNH PHỐ TRONG 2 NĂM 1977 - 1978
I.-MỘT SỐ NÉT VỀ TÌNH HÌNH
a/ Sau ngày giải phóng thành phố cùng với nhiều công việc khác, chúng ta đã quan tâm đến việc từng bước ổn định đồi sống, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân kết hợp với việc bài trừ từng bước các tệ nạn xã hội.
Tháng 9/1976 theo sự chỉ đạo của Thành ủy trong 2 Chỉ thị số 16 - 17 về giải quyết trật tự an toàn xã hội, chúng ta đã tiến hành việc giải quyết tệ nạn xã hội với những biện pháp tích cực, thiết thực, có sự kết hợp của nhiều ngành (trong Ban chỉ đạo giữ gìn trật tự xã hộ) và dùng nhiều biện pháp : học tập điều lệ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong nhân dân, phân loại đối tượng tiến hành cải tạo tại chỗ, cải tạo tập trung, cưỡng bức lao động.. và đã thâu được một số kết quả :
- Qua học tập tài liệu “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bước đầu xây dựng được ý thức làm chủ tập thể của quần chúng trong việc giữ gìn trật tự an ninh, nhiều phường xã, tổ dân phố xây ựng qui ước trị an. Quần chúng đã góp nhiều ý kiến, phát hiện đối tượng chánh trị, hình sự. Trước khí thế của quần chúng có một số đối tượng ra tự thú trước nhân dân (Bình Thạnh).
- Năm 1976 tiến hành truy quét, gom bắt gần 20.000 tên và tập trung cải tạo gần 7.500 tên, Sở Thương binh xã hội đã thu gom,quản lý trên 7.000 gái điếm, xì ke ma túy, bụi đời ăn xin lang thang trên đường phố. Sở Y tế gom gần 100 người cùi và bệnh tâm thần ở các vỉa hè, chợ búa.. Thành đoàn Thanh niên đã tiến hành cưỡng bức lao động trên 1000 thanh niên v.v...
Nhớ kết quả đó, tệ nạn xã hội ở Thành phố nói chung có giảm :
- Ăn mày ăn xin giảm rõ rệt nhứt là ở trung tâm Thành phố và các chợ lớn. Nhưng gần đây, tệ nạn ăn ngủ vỉa hè, các công viên tăng lên do người ở các tỉnh và người đi vùng kinh tế mới về.
- Tệ nạn mãi dâm có giảm, các tổ chức, hệ thống bar, bia ôm.. công khai bị quét, một số gái mãi dâm được đưa vào các trường phục hồi nhân phẩm và hồi hương lập nghiệp. Nhưng gần đây lại xuất hiện những hình thức mới : cine ôm, đón và tiếp khách tại nhà, ở khách sạn ban ngày. Gái mãi dâm lỡ làng có chiều phát triển do đời sống quá khó khăn mà hầu hết là vợ con sĩ quân ngụy đang còn cải tạo, vợ con người ngoại kiều đã về nước và người đang thất nghiệp. Ước tính còn khoảng 40.000 người làm nghề mãi dâm. Ta mới có 3 trường phục hồi nhân phẩm cho loại này chỉ chứa đuợc trên 2.000.
- Nạn xì ke ma túy giảm chậm do ta không đủ cơ sở tập trung họ. Nguồn nhận ma túy ồ át đã bị cắt, chúng chỉ còn dùng thuốc phiện đen với giá rất cao (từ 30đ đến 100đ 1 liều). Để có tiền hút, chích xì ke, bọn này không từ một thủ đoạn nào để giết người, cướp giựt, trộm cắp, lừa đảo.. cho nên loại này là một trong những đối tượng gây ra mất trật tự trị an xã hội : ước tính số này hiện còn khoảng 10. 000.
- Về trẻ bụi đời, mồi côi : tuy đã có tập trung gần 4.000 đứa vào 10 cơ sở nuôi dạy thiếu nhi nhưng dự kiến còn khoảng 1 vạn. Số này hầu hết đều phạm tội trộm cắp, lừa đảo, một số trở thành lưu manh du đãng, gây mất trật tự trị an ở đường phố.
Kết quả việc giải quyết tệ nạn xã hội trên, đã giảm được 15% số vụ việc phạm pháp hình sự so với cuối năm 1976 (trước trung bình 1.050 vụ/tháng, nay còn 900 vụ/tháng). Nhưng những vụ giết người, trọng án không giảm.
b/ Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị của Thành ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố, các ngành các cấp đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả thâu được còn bị hạn chế, bởi :
- Phong trào quần chúng tuy có phát động nhưng chưa toàn diện và đồng bộ, chưa sâu, chưa liên tục, còn nặng mặt trật tự an ninh, chưa đi sâu vào nội dung xây dựng con người mới, bài trừ tệ nạn xã hội, chưa huy động tốt các đoàn thể.
- Sự phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể chưa nhịp nhàng, một số nơi còn khoán trắng cho công an, cho Thương binh xã hội. Các đoàn thể chưa chủ động gắn nội dung của công tác bài trừ tệ nạn xã hội vào phong trào của giới mình, đặc biệt chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chánh quyền, đoàn thể, quần chúng, nhứt là ở các cơ sở để quản lý địa bàn, khống chế và cải tạo đối tượng tạo 1 thế lực áp đảo tại chỗ làm cho các loại đối tượng phải ngán sợ.
Trong thực hiện, còn nặng mặt cải tạo tập trung hơn cải tạo tại chỗ. Trong cải tạo tại chỗ chỉ mới làm được việc tổ chức đưa đối tượng ra kiểm đỉểm, chưa có biện pháp giáo dục quản lý tiếp theo, và mặt tạo công ăn việc làm, giải quyết đồi sống tạo điều kiện cho họ đi vào lao động sãn xuất còn chậm.
- Tổ chức, lực lượng, cơ sở vật chất chưa phù hợp với yêu cầu công việc : tổ chức chưa rõ, cán bộ chưa đủ, cơ sở, phương tiện thiếu, v.v... kế hoạch xây dựng trường trại thực hiện quá chậm, cơ sở trường trại thiếu nhiều điều kiện phương tiện để thực hiện tốt nhiệm vụ. Các bộ phận có liên quan cung cấp vật tư chưa ý thức rõ vấn đề nên phục vụ cho công tác này chưa tốt gây nhiều trở ngại khó khăn cho việc tiến hành công tác.
c. Ủy ban các cấp cũng như các ngành giới nhiều nơi nhứt là ở cơ sở chưa thấy đầy đủ trách nhiệm về quán xuyến địa bàn của mình trong vấn đề chống tệ nạn xã hội, các nơi còn ỷ lại cấp trên hoặc bộ phận chuyên trách. Nhiều nơi Ủy ban chưa bố trí kế hoạch thường xuyên lãnh đạo vấn đề mà nặng về đợt.
Thực hiện công tác này thành phố ta có những khó khăn lớn :
- Nếp sống, nếp suy nghĩ, nếp làm ăn của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ để lại còn ăn sâu trong 1 bộ phận khá lớn quần chúng. Các loại đối tượng tệ nạn xã hội còn nhiều (hàng chục vạn người), tuy 2 năm qua ta có truy quét gom bắt 1 số nhưng trong thực tế lại xuất hiện 1 số đối tượng mới do quen nếp sống cũ và đời sống gặp nhiều khó khăn.
- Công việc của ta quá nhiều, lực lượng cán bộ và cơ sở vật chất của ta có hạn.
Nhưng từ năm nay trở đi, chúng ta lại có những thuận lợi lớn, có khả năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ :
- Công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Thành phố đang đi vào cao trào, có kế hoạch. Cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đang phát triển, phong trào lao động với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuât” đang được phát động, nhiều công trình mới đã và sẽ bắt đầu xây dựng có khả năng thu hút hàng chục vạn người. Quần chúng nhân dân Thành phố ta rất tốt, nhiệt tình hưởng ứng mọi phong trào do Đảng phát động. Phong trào bài trừ tệ nạn xã hội này đã chín mùi, đã là sự đỏi hòi bức thiết của quần chúng... Tất các các phong trào trên sẽ là cơ sở đảm bảo, hỗ trợ cho sự nghiệp cải tạo tư tưởng văn hóa nói chung và công cuộc bài trừ tệ nạn xã hội nói riêng đi vào cao trào chung.
- Được Trung ương và Thành ủy quan tâm chỉ đạo. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chính thức đặt vấn đề, hứa sẽ chi viện, kể cả việc không hạn chế chi phí cho mặt công tác này. Tập thể Thường vụ Thành ủy đã thông qua kế hoạch phương hướng và vấn đề này sẽ được ghi vào Nghị quyết Đảng bộ Thành phố. Ta có lực lượng của 60 vạn cán bộ đoàn viên hội viên các đoàn thể, có bộ máy chánh quyền phường xã bước đầu được củng cố, có 1 đội ngũ của 3.000 công an cảnh sát khu vực, 3 vạn tổ trưởng tổ dân phố và hàng vạn dân quân tự vệ du kích, v.v... nếu tổ chức và chĩ đạo tốt, hợp đồng chặt chẽ lực lượng này sẽ là 1 sức mạnh áp đảo đủ sức giáo dục, quản lý cải tạo mọi loại tệ nạn xã hội.
- Ta đã tiến hành, thâu được một số kết quả và đã có 1 số kinh nghiệm Từ kết quả và kinh nghiệm đã có, chúng ta có cơ sở để đẩy mạnh công tác bài trừ tệ nạn xã hội ở Thành phố một cách triệt để và toàn diện hơn, tin tưởng sẽ thâu nhiều kết quả lớn hơn.
II.- PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ
1. Mục tiêu phấn đấu :
Cùng với việc phấn đấu thực hiện các mục tiêu khác của kế hoạch nhà nước 5 năm 1976 –1980, công tác bài trừ tệ nạn xã hội phải được giải quyết một cách cơ bản, giảm 70% số vụ việc xảy ra.
Trong 2 năm 1977 – 1978, phấn đấu giảm từ 40 tới 50% và riêng năm 1977 phấn đấu giảm 20 tới 25% số tệ nạn xã hội.
2. Yêu cầu phương châm :
Để đạt mục tiêu trên, cần phấn đầu thực hiện tốt các yêu cầu phương châm sau đây :
a/ Phát động thành phong trào quần chúng rộng rãi và liên tục. Nội dung phong trào là kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa mới với đấu tranh cải tạo bài trừ tệ nạn xã hội trong từng gia đình, phường xã. gắn chặt phong trào xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa mới, bài trừ tệ nạn xã hội với các phong trào lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào thi đua khác của từng ngành, từng giới. Từ phong trào quần chúng mà phát hiện lên danh sách đối tượng tệ nạn xã hội trong từng gia đình, khu phố, ấp, từng phường xã. Gia đình, khu phố, ấp, phường, xã có trách nhiệm giáo dục và quản lý đối tượng, lấy giáo dục quản lý tại chỗ là chủ yếu.
Gia đình phấn đấu, tổ dân phố, ấp và phường xã phấn đấu, từng tổ đoàn thể phấn đấu tạo thành sức mạnh tổng hợp trong giáo dục, quản lý và cải tạo tốt đối tượng dành danh hiệu gia đình văn hòa mới, tổ dân phố, ấp, tổ thanh niên, phụ nữ công đoàn, nông hội, phường xã văn hóa mới.
b/ Để triển khai đồng bộ và toàn diện trong tất cả các ngành chánh trị, kinh tế, văn hóa, và hội... Gắn chặt việc giáo dục đấu tranh cải tạo với việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống, tạo điều kiện cho mọi người tiếp thu và phát huy tốt kết quả của giáo dục và cải tạo.
Trong phong trào chung, phấn đấu đưa đối tượng đi vào lao động sản xuất, tạo cho họ có việc làm, ai không chịu lao động, ta phải cưỡng bức họ lao động. Cưỡng bức lao động là vì tình thương giai cấp đối với họ, nhằm tạo điều kiện cho họ trở thành người công dân tốt. Sắp tới, Thành phố ta sẽ mở ra nhiều công trường lớn nhỏ, thu hút hàng chục vạn người, cho nên ta có khả năng giải quyết việc làm cho họ.
c. Kết hợp nhiều biện pháp : cải tạo tại chỗ, cưỡng bức lao động, tập trung cải tạo.
1- Cải tạo tại chỗ là mặt chủ yếu của công tác cải tạo vì nó rộng rãi, gắn chặt với sự giáo dục quản lý của gia đình, khu phố xóm phường, đoàn thể ; do phường xã và các đoàn thể phụ trách. Hình thức cải tạo tại chỗ áp dụng đối với số chơi bời trụy lạc, trác táng, cao bồi không có tội gì nặng nhưng tác động xấu trong khu phố, xóm phường (loại 4). Phát hiện, lên danh sách đến đâu, giao cho gia đình, tổ dân phố, đoàn thể có kế hoạch phân công giáo dục và quản lý.
2- Cưỡng bức lao động áp dụng đối với người có sức lao động nhưng không chịu lao động, sống lêu lổng, làm những nghề bất chánh đi lang thang, tụ tập đàng điếm tuy có phạm tội nhưng tội nhẹ (loại 3) ở mức giữa loại 4 và và loại 1,2. Trước mắt áp dụng đối với thanh niên từ 17 đến 30 tuổi (trừ trường hợp đặc biệt) do thanh niên phụ trách. Ngoài việc tập trung vào trường “Thanh niên xây dựng cuộc sống mới” Thành đoàn tổ chức cho thanh niên lao động cưỡng bức ở các công trường, nông trường do thanh niên xây dựng. Số cưỡng bách lao động trong công trường, nông trường do Thanh niên phụ trách sẽ do Công an lập hồ sơ có sự tham khảo và nhất trí của Chi đoàn Thanh niên, Ủy ban nhân dân Phường xã xét đề nghị lên Ủy ban nhân dân quận duyệt với sự tham khảo ý kiến Công an Quận, Sở Công an sẽ tập trung giao cho Thành đoàn tổ chức cải tạo.
3- Tâp trung cải tạo áp dụng đối với số đầu sỏ lưu manh, chủ chứa (loại 1) lưu manh, gái điếm.. chuyên nghiệp (loại 2) loại này gia đình, tổ dân phố không có điều kiện quản lý, các đơn vị lao động tập trung cũng không quản lý cải tạo được, do tổ dân phố phường xã và đoàn thể đề nghị công an lập hồ sơ báo cáo với Ủy ban nhân dân phường, đồng thời đề nghị lên trên, Sở Công an xem xét và Ủy ban nhân dân Thành phố xét duyệt. Cải tạo tập trung có loại do ngành Công an phụ trách (số lưu manh, chủ chứa chuyên nghiệp đã từng gây tội phạm), có loại do ngành thương binh xã hội đảm nhiệm (gái mãi dâm, xì ke ma túy, trẻ bụi đời, ăn mày ăn xin) có loại do Y tế (cùi hủi).
Nuôi dưỡng tập trung là chế độ của xã hội đối với người già tàn tật, trẻ mồ côi.
Thực hiện các yêu cầu và biện pháp trên, dự kiến trong 2 năm 1977 – 1978 sẽ :
- Giảm từ 40 đến 50% tệ nạn mãi dâm, xì ke ma túy. Riêng năm 1977 phấn đấu giảm từ 20 đến 25%.
- Tập trung 60 tới 70% số trẻ em bụi đời không nơi nương tựa. Năm 1977 giải quyết từ 30 tới 40%.
- Chấm dứt cơ bản tệ nạn ăn mày ăn xin ở đường phố bằng cách thu gom đưa họ vào các trại nuôi dưỡng và chọn lựa đưa người còn sức lao động vào các cơ sở sản xuất.
- Chấm dứt tình trạng những người cùi sống lang thang ngoài đường phố bằng cách tập trung họ đưa về trại cùi tập trung Bến Sắn.
- Tập trung cưỡng bức lao động khoảng 15.000 thanh niên. Cứ khoảng 6 tháng, ta cho bình bầu tuyển chọn đưa qua thanh niên xung phong. Năm 1977 phấn đấu cưỡng bức lao động từ 5.000 tới 7.000 thanh niên.
- Tập trung khoảng 12.000 đối tượng loại 1 và 2. Riêng năm 1977 tập trung từ 5.000 đến 7.000.
d/ Đây là công việc của toàn Đảng, toàn dân do các cấp các ngành thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các cấp. Từng đoàn thể phải gắn nội dung phong trào bài trừ tệ nạn xã hội vào nội dung hoạt động của đoàn thể mình và có bộ phận phụ trách. Từng ngành đều có nghĩa vụ tham gia thiết thực vào phong trào, giáo dục và quản lý tốt cán bộ công nhân viên, thực hiện tốt kế hoạch cải tạo của ngành, giải quyết tích cực và kịp thời các yêu cầu phục vụ cho công tác bài trừ xã hội.
Để giúp cấp ủy và chánh quyền các cấp thống nhất chỉ đạo phong trào, kịp thời rút và phổ biến kinh nghiệm, ở mỗi cấp cần có tổ chức phụ trách.
Tổ chức và biện pháp thực hiện cụ thể.
1- Tổ chức đợt sinh hoạt chánh trị và phát động phong trào bài, trừ tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa mới, con người mới trong toàn dân, trong tất cả các đoàn thể.
- Ban Tuyên huấn Thành ủy, Sở Thông tin văn hóa và các đoàn thể biên soạn tài liệu và hướng dẫn kế hoạch học tập. Lấy tổ dân phố hoặc tổ đoàn thể để làm đơn vị học tập và phát động phong trào trong toàn dân và trong từng giới.
- Cơ quan thông tấn báo chí bám chặt phong trào, thường xuyên đưa tin, nêu gjương tốt việc tốt cổ vũ động viên phong trào.
- Nghiên cứu tiêu và hình thức công nhận, chứng nhân gia đình tổ dân phố, tổ đoàn thể văn hóa mới.
- Cơ quan chuyên trách tổ chức theo dõi, từng đợt có sơ kết rút kinh nghiệm, kế hoạch chỉ đạo và khen thưởng kịp thời.
2.- Lập danh sách, phân loại đối tượng và phân công trách nhiệm :
Trên cơ sở học tập phát động quần chúng, từng phường xã, từng đoàn thể lập danh sách đối tượng tệ nạn xã hội thuộc phường xã và giới mình.
- Nắm thêm tình hình, nghiên cứu phân loại : ai nên cải tạo tại chỗ, ai cần tập trung cải tạo, ai nên cưỡng bức lao động. Từng kỳ 3 hoặc 6 tháng tổ chức xem xét và điều chỉnh việc phân loại cho phù hợp với thực tế. Phân loại xong, thống kê từng loại tệ nạn trong từng khu phố, ấp, phường xã, từng quận. Phân loại phải khách quan, tranh thủ sự đồng tình của gia đình và quần chúng.
- Công an cùng với đoàn thể ở cơ sở lập danh sách, một mặt báo cáo Ủy ban nhân dân phường, xã một mặt đề nghị lên Công an và Ủy ban nhân dân cấp trên xét duyệt như trên đã nêu.
3- Củng cố các cơ sở tập trung hiện có và nghiên cứu xây dựng theo cơ sở mới
- Sở Công an và Bộ Tư lệnh thành phố hoàn thành xây dựng các trại đang xây cất và nghiên cứu xâydựng thêm cơ sở mới đủ sức chứa 12.000 đối tượng loại 1 – 2 trong 2 năm.
- Sở Thương binh xã hội củng cố các cơ sở đã có đồng thời nghiên cứu xây dựng thêm cơ sở mới trong 2 năm, đủ sức thu nạp số tệ nạn xã hội cần tập trung theo kế hoạch (khoảng 20.000).
- Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh củng cố và mở rộng Trường “Thanh niên xây dựng cuộc sống mới” hiện có và nghiên cứu xây dựng thêm 1 cơ sở nữa đủ sức chứa 15.000 thanh niên phải cưỡng bức lao động trong 2 năm (vô, ra). Đồng thời nghiên cứu tổ chức các đội thanh niên lao động cưỡng bức làm viêc ở các công trường nông trường.
- Sở Y tế mở rộng trại cùi Bến Sắn đủ sức thu nạp hết số cùi sống lang thang và số cùi ở gia đình nhưng đã phát triển đến độ lây bệnh, dự kiến khoảng 2.000 trong 2 năm. Đồng thời tổ chức ở nơi cơ sở cải tạo tập trung 1 trạm xá có đủ cán bộ chuyên môn và thuốc men cần thiết cho công việc điều trị tại chỗ.
Các cơ sở cải tạo tập trung này (trừ trại cùi và trại nuôi người già tàn tật) phấn đấu làm tốt 2 nhiệm vụ : giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, vừa là nơi cải tạo vừa là nơi sản xuất ra của cải vật chất, vừa là nơi cải tạo những con người cũ vừa là nơi đào tạo xây dựng những con người mới. Phấn đấu trong thời gian nhất định (từ 6 tháng trở lên), các cơ sở này sản xuất ra của cải, giảm 1 phần chi phí cho Nhà nước.
Để đảm bảo các trường trại này thực hiện tốt nhiệm vụ, mỗi trường trại cần có 1 lực lượng cán bộ công nhân viên thích đáng, một số phương tiện vật chất cần thiết phục vụ cho sinh hoạt học tập lao động sản xuất, trị bệnh.., gắn họ vào cuộc sống tập thể, taọ điều kiện cho họ tiếp thu tốt sự cải tạo. Chúng ta hiện nay đang phải làm nhiều việc, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, vật tư hàng hóa, nhưng công tác hài trừ tệ nạn xã hội xâydựng cuộc sống mới là công việc thể hiện chánh sách nhân đạo, tình thương yêu của Đảng và Nhà nước ta đối với lớp người nạn nhân của xã hội cũ, đấu tranh cải tạo và xây dựng họ trở thành những con người lao động mới có ích cho xã hội. Vì vậy, các ngành theo trách nhiệm của mình dành những phần cần thiết về cán bộ nhân viên, tài chánh, vật tư hàng hóa cho mặt công tác này và thực hiện tốt các kế hoạch được phân công như : ngành Xây dựng lo việc xây dựng cơ sở vật chất, ngành Công nông nghệp giải quyết các yêu cầu về cơ sở lao động, học nghề, sản xuất ; ngành Tài chánh, Thương nghiêp, Y tế phục vụ kịp thời các kế hoạch về tiền, hàng hóa vật tư, thuốc trị bệnh, v.v.. theo dự trù của ngành chủ quản sau khi được Ủy ban nhân dân Thành phố duyệt y.
Riêng về nguồn cán bộ nhân viên ở các trường trại, ngoài số cốt cán thuộc biên chế Nhà nước, có thể sử dụng thêm một số cán bộ về hưu, số cán bộ cũ dứt liên lạc, số người làm việc của chế độ cũ mà trước đây không có hoạt động chánh trị và không gây tội ác.. có nhiệt tình đối với công việc này vừa sử dụng vửa cải tạo họ. Có thể sử dụng cả những người đã cải tạo tiến bộ theo chế độ tạm tuyển, hợp đồng dài hạn. Cũng cần nghiên cứu, có chánh sách riêng đối với số cán bộ nhân viên làm việc ở các trường trại này như : phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp khu vực... Cán bộ nhân viên ở trường trại phải là những người có nhiệt tình, có trách nhiệm và toàn bộ hoạt động của trường trại phải thể hiện cho rõ quan điểm của Đảng là thương yêu họ và tôn trọng con người họ. Có như vậy mới thuyết phục và cảm hóa được họ một cách mạnh mẽ, mau chóng và sâu sắc.
Đối với số tập trung cải tạo, nghiên cứu từng đợt (có thể 6 tháng) có xem xét phân loại cho ra trại số cải tạo tiến bộ với điều kiện nhất thiết phải đưa họ vào lao động ở các cơ sở tập thể xa thành phố. Có thể giúp đỡ gia đình họ đến cơ sở mới cùng họ lao động xây dựng cuộc sống mới.
4.- Cùng với phong trào và dựa hẳn vào phong trào bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới, ngành Công an và quân sự cần đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm tốt các mặt công tác :
- Phát động tốt và thường xuyên phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Đăng ký và quản lý hộ khẩu
- Thu gom và quản lý võ khí
- Tăng cường tuần tra canh gác
- Tổ chức và tăng cường sự phối họp hoạt động của các tổ bảo vệ dân phố, du kích và dân quân tự vệ, dân phòng, thanh niên cờ đỏ, thanh niên xung kích.
- Sưu tra và nắm chắc đối tượng
- Truy quét bọn lưu manh chuyên nghiệp, bọn cầm đầu các băng cướp giựt kết hợp giữa thường xuyên và từng đợt.
- Ngăn chặn và khám phá kịp thời các vụ án, phấn đấu trọng đạt án đạt 80%, thường án đạt 70%.
- Tập hợp xây dựng hồ sơ, phối hợp với các cơ quan kiểm soát, Tòa án xử lý kịp thời các vụ án, nghiêm trị bọn đầu sỏ.
Ngành công an phải dựa hẳn vào phong trào, ngoài việc góp phần vào công việc giáo dục, quản lý đối tượng, cần phát huy vai trò của cơ quan an ninh kịp thời trấn áp bọn ngoan cố trên diện rộng và tập trung vào những trọng điểm.
5.- Tổ chức Ban chỉ đạo phong trào và tiến hành chỉ đạo thí điểm :
a. Trước đây, thực hiện Chỉ thị số 16 - 17 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã lập Ban chỉ đạo giữ gìn trật tự xã hội. Nay căn cứ vào yêu cầu mới, đề nghị củng cố mở rộng thêm thành phần của Ban chỉ đạo các cấp và ở mỗi cấp có một số cán bộ chuyên trách.
- Ở cấp Thành phố, đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo và thành phần Ban chỉ đạo gồm đại diện của các cơ quan : Thương binh xã hội, Công an, Bộ Tư lệnh, Ủy ban Kế hoạch,Văn phòng Ủy ban, Y tế, Xây dựng, Vật tư, Lương thực, Thương nghiệp, Ban Tuyên huấn, Thông tin văn hóa, Kinh tế mới, Tài chánh, Lao động, Thể dục thể thao, Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội.
Ban chỉ đạo có một số Phó ban, trong đó có 1 Phó Ban làm thường trực chuyên trách, hình thành một số bộ phận và ngoài cán bộ biệt phái của các ngành, có một số cán bộ chuyên trách giúp việc.
- Ở cấp quận, phường, xã cũng với thành phần tương tự nhưng gọn hơn.
Ban chỉ đạo có sinh hoạt định kỳ và đột xuất để tập hợp tình hình, đề ra kế hoạch chỉ đạo phong trào và thường xuyên báo cáo, xin ý kiến Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban chỉ đạo cấp trên có quan hệ chặt chẽ và thường xuyên chỉ đạo công tác các Ban chỉ đạo cấp dưới.
b/ Ban chỉ đạo các cấp tổ chức chỉ đạo thí điểm trong từng bước công tác để rút kinh nghiệm hướng dẫn công tác.
Thành phố chỉ đạo thí điểm một quận nội thành và một huyện ngoại thành.
Mỗi quận huyện chỉ đạo thí điểm 2 phường, xã.
c/ Bài trừ tệ nạn xã hội ở Thành phố ta có quan hệ đến các tỉnh. Trong thành phần số tệ nạn xã hội và số tội phạm hình sự có không ít người ở các tỉnh về khi ta làm mạnh ở thành phố bọn tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội chạy dạt về các tỉnh.
Vì vậy ta sẽ đề nghị Trung ương có chỉ đạo tiến hành phong trào này trong tất cả các tỉnh ở miền Nam và Ban chỉ đạo thành phố quan hệ, có kế hoạch phố hợp với các tỉnh lân cận.
6.- Tổ chức nghiên cứu chánh sách và xây dựng các văn bản pháp quy, về bài trừ tệ nạn xã hội và công bộ công khai trong quần chúng
Để có cơ sở pháp lý, Ban chỉ đạo Thành phố cần tổ chức nghiên cứu, xây dựng một số văn bản pháp quy về bài trừ tệ nạn xã hội và công bố công khai trong quần chúng :
- Chỉ thị của Ủy ban nhân dân về bài trừ tệ nạn xã hội.
- Chánh sách và các biện pháp xử lý đối với các loại tệ nạn xã hội như : loại nào cải tạo tại chỗ, loại nào cải tạo bằng lao động ở công trường nông trường, loại nào tập trung cải tạo.
- Chế độ phụ cấp của Nhà nước đối với từng loại về ăn, mặc, thuốc men.
- Chế độ phụ cấp đặc biệt cho cán bộ nhân viên làm việc ở các trường cải tạo.
Trên đây mới nêu lên mục tiêu, yêu cầu phươg châm và một số biện pháp tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo thành phố có trách nhiệm nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện tốt chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình về Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 15/CT-UB về phương hướng kế hoạch giải quyết vấn đề tệ nạn xã hội ở thành phố trong 2 năm 1977 - 1978 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 15/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/04/1977
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Chí Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/04/1977
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực