Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2011/CT-UBND

Hải Dương, ngày 31 tháng 5 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

“Nước” là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước là vấn đề cấp bách hiện nay. Thực hiện Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998 và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong thời gian qua công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ta đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về tài nguyên nước từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, việc sử dụng lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép, xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước còn diễn ra khá phổ biến. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên chính là nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của tài nguyên nước; việc quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở các cấp, các ngành có nơi, có lúc còn buông lỏng, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thực sự sâu, rộng.

Để chấn chỉnh tình trạng trên và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các cấp, các ngành, các tổ chức, Ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phố biến rộng rãi, thường xuyên Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ Quy định thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của các tổ chức và cá nhân về tài nguyên nước.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành;

Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định.

- Đôn đốc và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi theo quy định tại Quyết định số 56/2004/QĐ-BNN ngày 01/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi; Thông tư số 21/2011/TT-BNNPTNT ngày 06/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuỷ lợi theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 15/12/2010 của Chính phủ”.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là việc xả nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định ra môi truờng.

5. Các sở, ban, ngành của tỉnh

- Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tiếp nhận, thẩm định các dự án đầu tư có sử dụng nước và xả nước thải với lưu lượng lớn phải phối hợp với các cơ quan có liên quan thống nhất về phương án cấp nước, thoát nước, xả nước thải vào nguồn nước.

- Sở Tài chính tham mưu cho Uỷ ban nhân tỉnh bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án về tài nguyên nước và các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước khác từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng các đề tài, dự án về tài nguyên nước; tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống.

- Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các khu, cụm công nghiệp, các khu vực tập trung dân cư, các khu đô thị; lập quy hoạch các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tại các đô thị và cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

- Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo đúng quy định.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý, kiểm tra chất lượng nước của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt, nước đóng chai trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về chất lượng nước.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể và chính quyền cơ sở tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước và môi trường cho học sinh.

- Cục thuế tỉnh triển khai thực hiện việc quản lý thu thuế tài nguyên nước và các khoản thu khác theo quy định của chính sách và pháp luật hiện hành. Thường xuyên rà soát, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp trong chính sách thu các khoản thu liên quan đến tài nguyên nước trên địa bàn quản lý.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án thu gom, xử lý nước thải nông thôn, đặc biệt là nước thải của các làng nghề trên địa bàn.

- Chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn; phân loại các đơn vị hoạt động có giấy phép, không có giấy phép; xử lý theo thẩm quyền và lập báo cáo tổng hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Tổ chức tiếp nhận, đăng ký và theo dõi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thuộc phạm vi hộ gia đình theo phân cấp tại Quyết định số 2758/2006/QĐ-UBND ngày 09/8/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quy định về quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước thuộc phạm vi hộ gia đình không phải xin phép trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức điều tra, thống kê, lập danh bạ và phân loại các giếng phải trám lấp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường; kiểm tra, giám sát và xác nhận việc trám lấp giếng khai thác nước dưới đất khi không còn sử dụng theo quy định tại quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn theo thẩm quyền.

7. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước

- Nghiêm cấm các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trái pháp luật, trường hợp vi phạm sẽ tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất phải tuân theo các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

8. Các cơ quan thông tin đại chúng

Báo Hải Dương, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài phát thanh các huyện, thành phố, thị xã, Đài truyền thanh cơ sở tăng thời lượng phát sóng, phát thanh, tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước. Nêu gương những tổ chức, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt. Đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Uỷ ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT; (để b/c)
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực UB MTTQ VN tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VP, (Ô. Đông) (100b).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 15/2011/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/05/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản