Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2009/CT-UBND | Hải Phòng, ngày 26 tháng 10 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT, ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong những năm qua, thực hiện quy định của Pháp luật về Đo lường, chất lượng hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chỉ thị 06/CT-UBND của Uỷ ban nhân dân thành phố, công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp cho các doanh nghiệp từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, tăng cường khả năng cạnh tranh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Nhằm tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong giai đoạn hội nhập theo tinh thần Nghị quyết 32/NQ-TW của Bộ chính trị về xây dựng phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá, Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ thị các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Sở Khoa học và Công nghệ
1.1. Chủ động đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thuỷ văn và trình độ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản pháp luật khác liên quan.
1.2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá; xây dựng ý thức tổ chức kinh doanh sản phẩm, hàng hoá có chất lượng, vì quyền lợi người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thân thiện môi trường, nâng cao nhận thức xã hội về tiêu dùng, xây dựng tập quán tiêu dùng văn minh.
1.3. Phổ biến, hướng dẫn áp dụng và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: ISO 9001:2008, HACCPTQM, và các hệ thống quản lý khác vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài vào sản xuất sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường. Hướng dẫn, khuyến khích cơ sở xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
1.4. Tăng cường năng lực về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
1.4.1. Hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
1.4.2. Đầu tư phương tiện đo lường, chuẩn đo lường hiện đại đáp ứng với yêu cầu quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh.
1.4.3. Đầu tư, phát triển hệ thống thử nghiệm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
1.4.4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên, kỹ thuật viên chất lượng sản phẩm, hàng hoá, kiểm định viên đo lường trong cơ quan quản lý, phòng thử nghiệm, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp, các cơ sở được công nhận khả năng kiểm định về đo lường.
1.4.5. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia vào hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
1.4.6. Tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hoá nhằm tiếp thu, học tập kinh nghiệm, nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nhân trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá.
1.5. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập của thành phố trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường năng lực về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Xây dựng chương trình nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm, hàng hoá của thành phố trên cơ sở xây dựng danh mục hàng hoá trọng điểm của thành phố.
1.6. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành đối với việc chấp hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông sản phẩm, hàng hoá, đảm bảo chất lượng, định lượng hàng hoá, phòng chống gian lận thương mại trong đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá, phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, duy trì môi trường sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.
2. Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ngân hàng nhà nước; Công an thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đo lường đối với các đơn vị trực thuộc, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung tăng cường quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hoá đối với các sản phẩm hàng hoá được phân công quản lý theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp hành động quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực hỗ trợ cơ sở hạ tầng các dự án phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
4. Sở Tài chính chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ bố trí kinh phí hợp lý trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt để triển khai các nhiệm vụ được giao. Đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực cho công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hoá và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập.
5. Các cơ quan thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, các báo địa phương): Phối hợp với Sở Khọc học và Công nghệ và các Sở, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền các kết quả hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng. Phổ biến, giáo dục pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá cho các doanh nghiệp và cộng đồng.
6. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện:
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở, ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng khi có yêu cầu và chủ động kiểm tra, kiểm soát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc địa bàn của địa phương.
7. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh:
Có trách nhiệm thường xuyên tự cập nhật, nâng cao nhận thức pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá trong quá trình sản xuất kinh doanh cho cán bộ quản lý và người lao động.
Chấp hàng nghiêm chỉnh pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn; sử dụng, kiểm định phương tiện đo, chuẩn đo lượng, đảm bảo thực hiện phép đo, định lượng hàng hoá theo quy định của pháp luật, ghi nhãn hàng hoá, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hoá, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Chủ động, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng lực về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và hội nhập kinh kế.
Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Giao Sở Khoa học và Công nghệ làm cơ quan đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân thành phố để chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân thành phố giải quyết.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 06/CT-UB ngày 05/4/2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc thi hành pháp lệnh Đo lường, pháp lệnh Chất lượng hàng hoá và pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 3425/2016/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do thành phố Hải Phòng ban hành
- 2Quyết định 12/2019/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 3Quyết định 26/2019/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm Ruốc Huế do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Quyết định 17/2019/QĐ-UBND Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về hạt điều nguyên liệu tỉnh Bình Phước
- 5Quyết định 440/QĐ-CT năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của thành phố Hải Phòng kỳ 2014-2018 (đến hết ngày 31/12/2018)
- 1Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006
- 2Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
- 3Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 5 tháng 8 năm 2003 do Bộ Chính trị ban hành
- 4Nghị định 127/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp
- 5Quyết định 12/2019/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 6Quyết định 26/2019/QĐ-UBND về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm Ruốc Huế do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 7Quyết định 17/2019/QĐ-UBND Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về hạt điều nguyên liệu tỉnh Bình Phước
Chỉ thị 15/2009/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- Số hiệu: 15/2009/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/10/2009
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Hoàng Văn Kể
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra