THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/1999/CT-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC HOÀN THIỆN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VII), Nghị quyết số 10/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa VII), ngày 07 tháng 3 năm 1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/TTg và 91/TTg tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập các Tổng công ty nhà nước. Đến nay, nhiều Tổng công ty nhà nước đã được thành lập ở các ngành và các lĩnh vực kinh tế then chốt.
Nhìn chung, các Tổng công ty hoạt động có hiệu quả, tăng trưởng liên tục, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, ổn định việc làm và nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên, đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, các Tổng công ty nhà nước còn bộc lộ nhiều yếu kém, nhược điểm: hệ thống tổ chức được hình thành chủ yếu bằng biện pháp hành chính, nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp; nhiều vấn đề thuộc cơ chế, chính sách không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi kịp thời... đang ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các Tổng công ty nhà nước; chức năng quản lý của Hội đồng quản trị và điều hành của Tổng giám đốc, vai trò quản lý nhà nước của các Bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa rõ ràng; tổ chức Đảng, đoàn thể trong các Tổng công ty nhà nước chưa có sự hướng dẫn thống nhất.
Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là củng cố và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các Tổng công ty, thực hiện tích tụ và tập trung vốn, chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa rộng, làm nền tảng cho việc chuyển đổi về chất từ Tổng công ty nhà nước sang tập đoàn kinh tế mạnh; đẩy nhanh tiến trình xóa bỏ chế độ Bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản, sự phân biệt doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp địa phương, thực hiện chức năng dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoàn thành nhiệm vụ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ nói trên Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, các ngành, các cấp khẩn trương tiến hành những việc sau đây:
I- HOÀN CHỈNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CÁC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010 CÓ TÍNH ĐẾN 2020:
1. Dưới sự hướng dẫn về nghiệp vụ của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật và tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học, quản lý và chuyên gia đầu ngành, các Tổng công ty nhà nước cần khẩn trương điều chỉnh, cụ thể hóa các bản chiến lược, quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và của chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật đã xây dựng phù hợp với bối cảnh quốc tế và môi trường kinh doanh mới. Trong chiến lược và quy hoạch phát triển, trên cơ sở dự báo kinh tế thế giới và khu vực, xu hướng phát triển khoa học công nghệ, điều kiện thương mại quốc tế, yêu cầu hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tiến trình tham gia các tổ chức thương mại, kinh tế quốc tế, lợi thế so sánh của ta, phải xác định cho được hướng phát triển ưu tiên, chuyên ngành, sản phẩm mũi nhọn để phát triển nhanh, vững chắc với tốc độ vượt trước để tham gia vào thị trường quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các hướng kinh doanh đa ngành trên cơ sở tính toán liên ngành về thị trường, công nghệ, sản phẩm cuối cùng và hiệu quả kinh tế xã hội theo quan điểm chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng với mọi chủ thể kinh tế trong và ngoài nước.
2. Các Tổng công ty chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế của mình với lộ trình nghiêm ngặt, phù hợp với tiến trình chung nhà nước ta đã cam kết, với phân loại sản phẩm cụ thể cùng những biện pháp đảm bảo, từ đó xây dựng chương trình hành động cho giai đoạn 2000 - 2005.
3. Các Bộ, các ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn các Tổng công ty xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế đến năm 2010 có tính đến 2020 phù hợp với nội dung định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của cả nước giai đoạn 2001 - 2010, chiến lược khoa học, công nghệ đến năm 2020 và lộ trình công nghệ đến năm 2005 mà Chính phủ đang chỉ đạo triển khai.
II- HOÀN THIỆN TỔ CHỨC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tổng công ty nhà nước căn cứ kết quả hội nghị sơ kết tổ chức và hoạt động của Tổng công ty nhà nước do Chính phủ tổ chức ngày 1 - 2 tháng 3 năm 1999, đánh giá cụ thể các mặt hoạt động của Tổng công ty nhà nước trong ba năm (1996 - 1998), trên cơ sở đó, tiến hành phân loại, sắp xếp doanh nghiệp theo Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg ngày 21 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ. Các đề án phân loại và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của từng Bộ, ngành, Tổng công ty 91 phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 1999.
2. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương chủ trì thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ sắp xếp lại hệ thống Tổng công ty trên cơ sở đánh giá hoạt động và chiến lược, quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh từ nay đến năm 2010 có tính đến 2020 nhằm mục tiêu hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh.
Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương chỉ đạo thí điểm loại hình Tổng công ty tham gia vốn với các doanh nghiệp thành viên, thực hiện mối quan hệ tài chính là chủ yếu giữa Tổng công ty với các doanh nghiệp thành viên. Quy định bổ sung cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty đã cổ phần hóa nhưng nhà nước giữ cổ phần chi phối vẫn được coi là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty. Thí điểm việc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc là một người; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Tổng công ty là một người và trong cơ cấu Hội đồng quản trị vừa có một số chuyên trách như Chủ tịch hội đồng quản trị, Trưởng ban Kiểm soát vừa có một số ủy viên kiêm nhiệm.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương, Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 1999 các tiêu chí thành lập và tổ chức, hoạt động của tập đoàn kinh tế. Căn cứ vào đó, Chính phủ sẽ lựa chọn một số Tổng công ty để thí điểm tổ chức thành tập đoàn kinh tế mạnh theo hướng: tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn, hình thành các đơn vị chủ lực của nền kinh tế, kinh doanh đa ngành, có tầm vóc quốc tế; nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và ngoài nước; thực hiện chủ trương xóa bỏ dần chế độ Bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước và sự phân biệt giữa doanh nghiệp Trung ương với doanh nghiệp địa phương.
III- HOÀN THIỆN CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC:
1. Các Bộ, ngành, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, khẩn trương tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị 4 và Nghị quyết Hội nghị 6 (2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về đổi mới sắp xếp xây dựng các Tổng công ty thực sự trở thành những doanh nghiệp nhà nước mạnh. Sớm trình Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách không còn phù hợp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
2. Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn các Tổng công ty xác định đúng giá trị tài sản thuộc quyền sử dụng của Tổng công ty theo mặt bằng giá thị trường, trên cơ sở đó xác định vốn của Tổng công ty (phần vốn của doanh nghiệp thành viên Tổng công ty do Tổng công ty xác định) và giao vốn trên nguyên tắc Tổng công ty chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn. Bộ Tài chính xây dựng quy định giao vốn, bảo toàn và phát triển vốn đối với Tổng công ty nhà nước và tập đoàn kinh tế, đồng thời nghiên cứu việc chuyển cơ chế quản lý vốn thuộc sở hữu nhà nước theo phương thức hành chính hiện nay sang hình thức công ty tài chính kinh doanh vốn nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 1999 để xem xét, quyết định.
3. Từ nay đến cuối năm 1999, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Tổng công ty nhà nước tiến hành đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ lãnh đạo Tổng công ty, căn cứ tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ mới và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch và đào tạo cán bộ một cách chủ động, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tổng công ty trong thời gian tới. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ nghiên cứu bổ sung nội dung quản lý cán bộ của các Bộ đối với Tổng công ty nhà nước, trong đó có vấn đề về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm có thời hạn, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với lãnh đạo Tổng công ty nhà nước.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhà nước theo tiến độ quy định, đồng thời cùng Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị sớm các văn bản để thi hành Luật Doanh nghiệp nhà nước khi được Quốc hội thông qua.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ đề án về giải quyết lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp trong Tổng công ty.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Chỉ thị 15/1999/CT-TTg về hoàn thiện tổ chức hoạt động của Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 15/1999/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/05/1999
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 08/07/1999
- Số công báo: Số 25
- Ngày hiệu lực: 10/06/1999
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực