Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 149-CT

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT BÃO VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI NĂM 1991 

Nước ta ở trong vị trí thiên tai xảy ra liên tục vào mùa mưa bão, đặc biệt là khu vực các tỉnh miền Trung. Rút kinh nghiệm những năm vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị ngoài các công tác thường xuyên hàng năm, cần tập trung làm tốt những việc sau :

1. Bộ Thuỷ lợi và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê phải kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành việc củng cố đê điều về cả 3 mặt: xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ đê và hộ đê phòng, chống lụt, bảo đảm an toàn trong mọi tình huống. Các Bộ, ngành hữu quan có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương và ngành thuỷ lợi thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên. Các cấp, các ngành đặc biệt chú ý kiểm tra các hệ thống kè, cống, các đập, hồ chứa nước, các công trình phân lũ, thoát lũ, các công trình giao thông cầu, phà, ga, cảng, tuy nen trên các trục đường giao thông quan trọng, nhất là tuyến đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ I. Trong xây dựng cơ bản phải kiểm tra bảo đảm an toàn các công trình đang xây dựng nhất là các công trình ở ven sông, suối và ven biển, phải bảo đảm tiến độ thi công vượt lũ, an toàn chống bão và nước dâng ở vùng ven biển, các đầm phá, hải đảo, các cơ sở và phương tiện của ngư dân, các kho tàng, bến bãi, dân cư ven sông, ven hồ, ven biển.

Phải phổ biến rộng rãi cho cán bộ, nhân dân quán triệt sâu sắc và thi hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh về đê điều.

2. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương phải tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn của những đợt lũ và những cơn bão mấy năm qua ở địa phương để bổ sung kế hoạch phòng, chống lụt, bão năm 1991 và tăng cường công tác chuẩn bị đối phó với các tình huống lũ, bão, chủ động không để bị bất ngờ. Kế hoạch phải bảo đảm làm tốt cả 3 giai đoạn : chuẩn bị các phương án thật cụ thể bảo vệ đê điều, bảo vệ và tránh thiệt hại nhà cửa, tài sản của Nhà nước và của dân (ví dụ trong trường hợp nào thì lột dỡ ngói lợp và mái che trường học, trạm xá, nhà dân; cho đánh đắm thuyền bè trước; chuẩn bị kho vững chắc ở vùng có bão để dân cất giữ lúa, gạo, tài sản và các vật quý giá; quy định các điểm cao, gò, đồi để tập kết người, của cải, trâu bò ở nơi lũ lụt); chuẩn bị các phương án đối phó, ứng cứu trong khi lũ bão xảy ra và nhanh chóng khắc phục hậu quả của lụt, bão.

Các ngành khí tượng thuỷ văn và bưu chính viễn thông phải làm tốt công tác dự báo và bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần có tổ chức để kịp thời truyền các tin lũ, bão đến từng địa phương và người dân nhanh nhất.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân chuẩn bị phương tiện làm tốt vai trò xung kích và nòng cốt trong công tác ứng cứu và phòng chống lụt bão nhanh và có hiệu quả nhất.

3. Trong tình hình tài chính và ngân sách Nhà nước có nhiều khó khăn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động các nguồn vốn khác tại chỗ để bổ sung vào vốn ngân sách cho củng cố đê điều và xử lý các tình huống mới phát sinh. Ngoài ra, Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương hướng dẫn các địa phương có điều kiện có thể lập các quỹ tu bổ đê điều và phòng, chống lụt, bão, nghiên cứu triển khai loại hình bảo hiểm cứu trợ thiên tai trong cả nước.

4. Uỷ ban Quốc gia của Việt Nam về "Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai" và các Bộ, ngành Trung ương hữu quan có kế hoạch triển khai chương trình hành động "Thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai" đã đề ra trước mắt là chương trình hoạt động năm 1991. Bộ Ngoại giao và Liên hiệp các tổ chức Hoà bình đoàn kết hữu nghị Việt Nam triển khai tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong thập kỷ này; Uỷ ban Khoa học Nhà nước tổ chức phối hợp công tác nghiên cứu khoa học đối với các chương trình cấp Nhà nước, liên ngành và chuyên ngành phục vụ cho mục tiêu giảm nhẹ thiên tai trong cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng : Thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình của Trung ương và các địa phương phải tăng cường các hoạt động tuyền truyền, giáo dục, động viên trong cả nước và mở rộng tuyên truyền đối ngoại phục vụ cho thập kỷ giảm nhẹ thiên tai ở nước ta.

Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Uỷ ban Thanh tra Nhà nước giúp Hội đồng Bộ trưởng kiểm tra, đôn đốc các địa phương và các ngành thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.

 

 

Đồng Sĩ Nguyên

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 149-CT về công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai năm 1991 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 149-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/05/1991
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Đồng Sĩ Nguyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản