Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140-CT

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG SÁNG KIẾN, SÁNG CHẾ VÀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Vừa qua Tổng Công đoàn Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức chỉ đạo phong trào quần chúng phát huy sáng kiến, sáng chế và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật 5 năm (1981-1985) và năm 1986.

Hội nghị đã khẳng định được rằng trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến sáng chế và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã có tác dụng to lớn và đang dần dần trở thành động lực quan trọng để phát triển sản xuất, góp phần khắc phục những khó khăn của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Tuy nhiên hoạt động sáng kiến sáng chế nói riêng và các hoạt động về sở hữu công nghiệp nói chung hiện nay đang còn có nhiều tồn tại phải khắc phục.

Để duy trì và phát triển phong trào sáng kiến, sáng chế và hợp lý hoá sản xuất, để xây dựng và phát triển các hoạt động về sở hữu công nghiệp trên cơ sở quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như các Quyết định số 134-HĐBT ngày 31-8-1987 và số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện những điểm sau:

I. CÁC BỘ, CÁC NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG

1. Xây dựng, củng cố và tăng cường hệ thống tổ chức chỉ đạo và quản lý các hoạt động sở hữu công nghiệp, trong đó có công tác sáng kiến, sáng chế. Bố trí những cán bộ có năng lực, được đào tạo về nghiệp vụ để đảm nhiệm công tác về sở hữu công nghiệp (chuyên trách hoặc bán chuyên trách).

2. Chủ động phối hợp với các tổ chức quần chúng, đặc biệt là Công đoàn và Đoàn thanh niên trong việc tổ chức, chỉ đạo phong trào sáng kiến, sáng chế, nhằm thực hiện thắng lợi 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước.

Sự phối hợp đó phải được tiến hành thường xuyên ở tất cả các cấp quản lý, đặc biệt là các đơn vị cơ sở.

3. Nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin sáng kiến, sáng chế ở tất cả các ngành, các cấp.

II. UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC

1. Phối hợp với các ngành tư pháp, toà án và các cơ quan trung ương có liên quan soạn thảo và trình Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tiếp tục hoàn chỉnh và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các Điều lệ và kiểu dáng công nghiệp, Điều lệ mua bán li-xăng, giải pháp hữu ích. Trước mắt, phải phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi mức thưởng cho tác giả sáng kiến, sáng chế cho hợp lý.

2. Phối hợp với Tổng Công đoàn Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nghiên cứu các hình thức, biện pháp thích hợp nhằm lôi cuốn đông đảo mọi người lao động thuộc mọi ngành nghề, lứa tuổi tham gia tích cực vào phong trào sáng kiến, sáng chế và các hoạt động sáng tạo khác.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thường xuyên báo cáo về Hội đồng Bộ trưởng tiến độ, kết quả thực hiện Chỉ thị này của các Bộ, ngành và địa phương.

 

 

Võ Nguyên Giáp

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 140-CT năm 1988 đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, sáng chế và sở hữu công nghiệp do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 140-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/05/1988
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Nguyên Giáp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 25/05/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản