Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 13 tháng 11 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt triển khai kế hoạch, chương trình hành động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Các sở, ban, ngành, địa phương đã vào cuộc triển khai thực hiện hiệu quả một số nội dung như đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp, giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp; đa dạng các hình thức tương tác với doanh nghiệp qua các kênh chính thống, trên các phương tiện truyền thông và đặc biệt qua sáng kiến thí điểm tương tác với cộng đồng doanh nghiệp qua mạng xã hội.

Tuy nhiên qua tiếp nhận ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức kinh tế cho thấy hiện nay một số nhiệm vụ tại các sở, ban, ngành, địa phương còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Một số nội dung triển khai còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa rõ nét. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 2614/KH-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh đã đề ra, cụ thể: 07 Chỉ số ở thứ hạng Rất Tốt1; 02 Chỉ số ở thứ hạng Tốt2; 01 Chỉ số ở thứ hạng Khá3 và được cụ thể hóa thành 111 mục tiêu cụ thể giao cho 8 cơ quan đầu mối và 32 cơ quan chủ trì từng chỉ số thành phần đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thời gian quy định và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ và chất lượng công việc được giao.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm giám sát qua mạng xã hội (SNA) cần vào cuộc mạnh mẽ và chủ động phát huy vai trò tiên phong trong nỗ lực cải thiện chất lượng và phương thức tương tác với cộng đồng doanh nghiệp đi vào nội dung thực chất gắn với các yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, khẳng định tính sáng tạo trong các chủ trương cải cách và sự quyết liệt trong công tác giám sát, điều hành của tỉnh Quảng Ninh theo chỉ đạo tại Văn bản số 5962/UBND-XD2 ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh, đặc biệt chú trọng, kịp thời đưa tin bài về thủ tục hành chính công, các hoạt động liên quan trực tiếp của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của cơ quan, đơn vị mình; Kịp thời trả lời và tương tác với doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định trong quy chế.

Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Xây dựng, Sở Công thương và các địa phương Đông Triều, Cẩm Phả, Móng Cái cần quan tâm tiếp tục phát huy kết quả tương tác thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp. Các Sở: Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế, và các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Hải Hà cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa số lượng tin, bài và chất lượng bài viết, tương tác, sát với hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực đơn vị phụ trách.

Đối với chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Quảng Ninh (DDCI) năm 2017, yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần chủ động nghiên cứu, phân tích kết quả báo cáo DDCI 2016 và theo dõi giám sát những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế trong chất lượng điều hành kinh tế ba quý đầu năm 2017, từ đó nghiên cứu chuyên sâu, khẩn trương thực hiện các giải pháp sáng tạo, thiết thực hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cuối năm 2017 (thông qua Cơ quan Thường trực Tổ Công tác PCI tỉnh - Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư để tổng hợp); quan tâm, chú trọng chia sẻ những khó khăn, bất cập thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, hạn chế tình trạng áp đặt mệnh lệnh hành chính một cách chủ quan trong lãnh đạo chỉ đạo.

Các địa phương có hoạt động kinh tế sôi động như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái, Quảng Yên cần tăng cường giám sát công tác cải cách các thủ tục hành chính và môi trường đầu tư, chất lượng tương tác, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Các kết quả đạt được cũng như khó khăn trong công tác điều hành quý IV/2017 cần báo cáo ngay với UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, giải quyết, và điều phối hỗ trợ giữa các đơn vị liên quan.

4. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát một số vấn đề tồn đọng vướng mắc khó khăn kéo dài của doanh nghiệp, nhất là các nhóm vấn đề về quá trình thu hồi dự án, thu hồi đất đai, chủ trì báo cáo UBND tỉnh giải quyết dứt điểm trong tháng 11/2017; Chủ động phối hợp với Sở Thông tin truyền thông và các cơ quan truyền thông, và các kênh thông tin của tỉnh nhằm hạn chế những thông tin phiến diện ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

Khẩn trương rà soát các chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong quý IV/2017 làm điểm nhấn trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về truyền thông. Chủ động rà soát, nắm bắt và hoàn thiện hệ thống dữ liệu về các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, rà soát những doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đề xuất giải pháp cụ thể nâng cao chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp.

5. Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ nâng cao vai trò chủ động, tích cực, kịp thời nắm bắt kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, thông tin rộng rãi những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết để cộng đồng doanh nghiệp biết; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, các sở, ban, ngành địa phương thực hiện hiệu quả mô hình “Cafe doanh nhân”.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị truyền thông và các đơn vị liên quan chủ động, kịp thời nắm bắt các nội dung, thông tin đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng trái chiều chưa sát với thực tiễn, những nỗ lực tích cực của tỉnh để có ý kiến phản biện kịp thời, đặc biệt trong lĩnh vực dự án đầu tư, đất đai; chủ trì triển khai giám sát về chuyên môn trong quá trình đánh giá ý kiến mạng xã hội thông qua cơ sở dữ liệu trực tuyến về chất lượng điều hành kinh tế của cơ quan, cán bộ cấp cơ sở;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và truyền thông về những nỗ lực, chuyển động mạnh mẽ trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 19/2017/NQ-CP, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ và các chương trình/kế hoạch hành động để nâng cao nhận thức và trách nhiệm đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp.

7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tạo sự lan tỏa, giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu sâu hơn, thực chất hơn về những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và các chỉ số đo lường chất lượng điều hành kinh tế PCI, DDCI, hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp...

ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

_____________

1. Chỉ số: Chi phí không chính thức/ Tính năng động/ Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp/ Đào tạo lao động/ Chi phí gia nhập thị trường/ Tính minh bạch/ Chi phí thời gian.

2. Chỉ số: Cạnh tranh bình đẳng/ Thiết chế pháp lý.

3. Chỉ số: Tiếp cận đất đai.