ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 3 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÚC TIẾN THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TẠI THÀNH PHỐ
Ngày 21 tháng 7 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 117/HĐBT về giám định tư pháp. Ngày 26/01/1989 Bộ Tư pháp ra Thông tư số 78/TT-QĐ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp; Thông tư đã chỉ rõ “ở các địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quản lý thống nhất công tác giám định tư pháp. Để giúp Ủy ban nhân dân và thực hiện sự ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc các Sở Tư pháp tiến hành việc theo dõi hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp trong địa phương”, và “giám định tư pháp là một lĩnh vực hoạt động chuyên môn phức tạp, đòi hỏi tính khoa học cao; do vậy để triển khai thực hiện Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp được thuận lợi, cần có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan, các ngành và các địa phương. Việc thành lập các tổ chức giám định tư pháp cần tiến hành khẩn trương, bảo đảm chất lượng, để kịp thời phục vụ việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự”.
Giám định tư pháp là sử dụng những kiến thức, phương pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để kết luận về vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các tranh chấp lao động theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan công an, kiểm sát, tòa án nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử.
Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn ở thành phố đã có những đóng góp nhất định, đã cử những chuyên gia có trình độ tiến hành giám định những vụ việc có liên quan đến ngành mình, trực tiếp phục vụ cho công tác điều tra truy tố, xét xử của các cơ quan pháp luật ở thành phố, góp phần tích cực bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, công tác giám định tư pháp, trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc cần giám định không được giải quyết kịp thời, hoặc không tiến hành giám định, gây trở ngại cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nguyên nhân chính là do cơ chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan giám định tư pháp chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Nhằm củng cố và tăng cường công tác giám định tư pháp ở thành phố, phát huy hơn nữa tổ chức và hoạt động của các cơ quan giám định tư pháp để phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ cho việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, và để thi hành Nghị định số 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về giám định tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1/ Sở Tư háp giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý thống nhất công tác giám định tư pháp tại thành phố, phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị những dự thảo văn bản và lựa chọn nhân sự theo đúng tiêu chuẩn quy định trong Nghị định số 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng để trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập các tổ chức giám định tư pháp và bổ nhiệm các giám định viên.
2/ Các Sở Y tế, Tài chánh, Văn hóa và Thông tin, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật thành phố… chọn và lên danh sách các chuyên viên của ngành mình được đề cử làm giám định viên, trao đổi thống nhất với Sở Tư pháp về các tiêu chuẩn của các giám định viên. Việc này phải làm xong trong tháng 4/1990.
3/ Trong quá trình xúc tiến việc thành lập các tổ chức giám định tư pháp tại thành phố, nếu có gì khó khăn hoặc nảy sinh vấn đề mới, Sở Tư pháp kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Bộ Tư pháp giải quyết.
Yêu cầu các ngành liên quan thực hiện tốt, nhanh chóng chỉ thị này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 14/CT-UB năm 1990 xúc tiến thành lập tổ chức giám định tư pháp tại thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 14/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 30/03/1990
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trang Văn Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/03/1990
- Ngày hết hiệu lực: 15/07/2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực