Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2014/CT-UBND

An Giang, ngày 20 tháng 10 năm 2014

 

CHỈ THỊ

PHỐI HỢP PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG, KHẮC PHỤC Ô NHIỄM VÀ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Từ năm 2010 đến nay, tình hình thiên tai do tự nhiên và sự cố môi trường do con người tạo ra trên địa bàn tỉnh An Giang có chiều hướng phức tạp về cường độ cũng như phạm vi ảnh hưởng như: Sạt lở bờ sông, bão lũ, tai biến địa chất; rò rỉ hóa chất, cháy, nổ, rò rỉ chất phóng xạ, bức xạ... gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phối hợp thực hiện phòng chống, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường trước, trong và sau khi sự cố môi trường xảy ra, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì phối hợp với Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) xử lý ô nhiễm môi trường khi sự cố môi trường xảy ra;

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về nguy cơ và hậu quả của các sự cố môi trường và biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở, Ban, Ngành kiểm tra công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường đối với UBND cấp huyện;

d) Theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và đơn vị thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tăng cường công tác kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, kè, cống... để phát hiện, khắc phục những hư hỏng mới phát sinh; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; dự báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường;

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật; hoá chất bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản và thực phẩm; kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

c) Bố trí nhân lực, phương tiện, thuốc thú y... sẵn sàng tham gia công tác dập dịch bệnh cho gia súc, gia cầm sau thiên tai và sự cố môi trường gây ra;

d) Xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo về nguy cơ, diễn biến của các loại sự cố môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp theo phê duyệt của UBND tỉnh.

3. Sở Y tế:

Bố trí vật tư, thuốc, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng tham gia ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên người trong vùng xảy ra thiên tai và sự cố môi trường.

4. Sở Giao thông Vận tải:

Xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư ứng cứu khi cầu, đường có sự cố, hư hỏng để đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ công tác ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

Bảo đảm mạng thông tin thông suốt, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai và sự cố môi trường gây ra.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Căn cứ ngân sách của tỉnh chủ động cân đối, bố trí kinh phí cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai, sự cố môi trường gây ra để Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện kịp thời.

7. Sở Tài chính:

Kịp thời cấp kinh phí cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai, sự cố môi trường gây ra để bảo đảm việc triển khai thực hiện của các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện.

8. Công an tỉnh:

Có phương án chuẩn bị nhân lực, phương tiện tham gia ứng cứu, khắc phục ô nhiễm môi trường, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, sơ tán, giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai và sự cố môi trường gây ra; đảm bảo công tác an ninh trật tự, phân luồng, hướng dẫn người, phương tiện tham gia giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục ô nhiễm môi trường.

9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:

Chuẩn bị phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố môi trường gây ra.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh:

a) Tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về ứng phó sự cố môi trường, thiên tai. Phối hợp Sở, Ban, Ngành kịp thời cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường cho nhân dân chủ động ứng phó, xử lý.

b) Thường xuyên cập nhật thông tin và đưa tin kịp thời về diễn biến tình hình thiên tai và sự cố môi trường.

11. Điện lực An Giang:

Lập phương án cấp điện kịp thời, liên tục phục vụ cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của thiên tai và sự cố môi trường.

12. Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai và sự cố môi trường.

13. UBND cấp huyện:

a) Xây dựng kế hoạch và các giải pháp phù hợp để kịp thời ứng phó, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai và sự cố môi trường gây ra trên địa bàn huyện; đặc biệt, đối với các khu vực có nguy sạt lở; khu vực thường xảy ra ngập lụt; tai biến địa chất; kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

b) Chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng để sẵn sàng ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của thiên tai và sự cố môi trường gây ra trên địa bàn.

c) Sự cố môi trường xảy ra ở huyện nào thì UBND huyện đó có trách nhiệm chủ trì giải quyết, huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để ứng phó sự cố kịp thời.

d) Huy động lực lượng thường trực, triển khai kịp thời các phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm 04 tại chỗ: "Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ"; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc ứng phó, khắc phục sự cố.

đ) Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi từ hai huyện trở lên, thì UBND các huyện có trách nhiệm cùng phối hợp ứng phó. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời huy động lực lượng ứng phó sự cố.

14. Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố:

a) Kịp thời xử lý và giải quyết các tình huống theo thẩm quyền khi tiếp nhận thông tin của tổ chức, cá nhân về việc phát hiện dấu hiệu xảy ra sự cố môi trường;

b) Kịp thời báo cáo UBND huyện sau khi kiểm tra thực tế, xác nhận thông tin về việc phát hiện dấu hiệu xảy ra sự cố môi trường.

15. Tổ chức, cá nhân:

a) Tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu xảy ra sự cố môi trường:

Thông báo ngay cho UBND cấp xã sau khi phát hiện dấu hiệu xảy ra sự cố môi trường.

b) Tổ chức, cá nhân được yêu cầu huy động ứng phó sự cố:

Tuân thủ sự chỉ đạo của người chỉ đạo việc ứng phó; đóng góp kinh phí, phương tiện và thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong khả năng.

c) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường:

- Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các nguồn gây ra sự cố, các đường dẫn phát tán chất thải, tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân;

- Thông báo kịp thời cho UBND cấp xã hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố; trường hợp sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở thì người đứng đầu các cơ sở có trách nhiệm cùng phối hợp ứng phó;

- Thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm;

- Thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý môi trường;

- Bồi thường thiệt hại theo quy định.

16. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm xử lý, khắc phục sự cố môi trường:

a) Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện Phương án xử lý, khắc phục sự cố môi trường sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Phối hợp và chịu sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và UBND các cấp theo thẩm quyền quản lý trong công tác xử lý, khắc phục sự cố môi trường.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND huyện, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch và PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Website Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Đảng ủy khối Doanh nghiệp;
- Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Báo, Đài PTTH An Giang;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo Tin học;
- Phòng: KT, NC, TH, ĐTXD, VHXH;
- Lưu: HCTC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/2014/CT-UBND phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 14/2014/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/10/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản